Khi 20 ngư dân Indonesia lên tàu Long Xing 629 của Trung Quốc vào tháng 2 năm ngoái, họ không biết kiểu địa ngục nào đang chờ đợi họ trên biển.
Các thuyền viên, tuổi từ 20 đến 35, cho biết đôi khi họ bị ép làm việc liên tục hai ngày mà không được nghỉ ngơi, phải chịu cảnh bạo lực và phân biệt đối xử và phải đối mặt với sự đói khát.
Trong vòng 13 tháng, bốn người trong số họ đã chết và ba trong số thi thể đã bị ném xuống biển trước khi những thuyền viên còn lại lên bờ ở Hàn Quốc vào tháng trước. Những người sống sót đã trở về Indonesia hôm 8/5, nơi họ vẫn đang chờ đợi hàng nghìn dollar tiền lương chưa được trả.
Bóc lột, phân biệt đối xử
Vụ việc được đưa ra ánh sáng ở Indonesia vào tuần trước sau khi xuất hiện đoạn video ghi lại cảnh dường như là chôn cất trên biển, khiến Jakarta phải triệu tập đại sứ Trung Quốc yêu cầu giải thích và lên án công ty đánh bắt Trung Quốc đối xử vô nhân đạo với các công dân Indonesia.
Sau đó, đơn vị điều tra tội phạm của Cảnh sát Quốc gia Indonesia đã tiến hành cuộc điều tra chính thức mà Bắc Kinh nói họ đang cùng tham gia.
Các thuyền viên Indonesia trên tàu Long Xing 629. Ảnh: SCMP được cung cấp. |
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 11/5 cho biết họ đang điều tra vụ việc, nhưng cũng nói một số cáo buộc là không đúng với thông tin mà họ thu thập được, dù không nêu rõ.
Dù nguyên nhân chính xác dẫn đến cái chết của bốn người vẫn chưa rõ, lời khai của các thuyền viên gửi cho luật sư và tổ chức vận động bảo vệ quyền lợi cho nhóm ở Hàn Quốc và Indonesia, cũng như thông tin được thu thập bởi Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (C4ADS) có trụ sở tại Mỹ, cho thấy các thuyền viên đã làm việc vất vả trong điều kiện vô cùng khó khăn mệt mỏi và khổ sở trước khi họ chết.
Ngoài việc bị thuyền viên Trung Quốc đánh và chửi bới, những người Indonesia cho biết họ thường xuyên phải làm việc tới 21 giờ một ngày để trông coi thiết bị đánh bắt hoặc phân loại hải sản.
Họ nói những bữa cơm của họ chỉ có cơm và cá đánh bắt được vừa đạm bạc vừa mất vệ sinh, và cho hay họ bị ép uống nước biển chưng cất còn mặn chát trong suốt hành trình trong khi thuyền viên Trung Quốc được cho uống nước đóng chai.
"Ba thuyền viên đã chết trên các tàu. Một người chết sau khi đến Hàn Quốc, trong thời gian cách ly 14 ngày", theo Jong Chul Kim, luật sư người Hàn Quốc thuộc tổ chức Luật Bảo vệ Luật Lợi ích Công cộng (Apil), nhóm đã phỏng vấn các thuyền viên Indonesia trong thời gian họ lưu lại khu cách ly Covid-19 ở Busan trước khi trở về nhà ở Indonesia.
"Các triệu chứng khá giống nhau: cơ thể có nhiều vết sưng phồng, đau ngực, khó thở. Thuyền viên chết đầu tiên bắt đầu xuất hiện các triệu chứng khoảng một tháng rưỡi trước khi anh qua đời, nhưng thuyền trưởng đã không đưa anh ta đến bệnh viện", luật sư Kim nói.
Tàu Long Xing 629 cũng bị cáo buộc thu gom vây cá mập và ném xác chúng trở lại đại dương. Những bức ảnh mà các thuyền viên cung cấp cho SCMP thông qua Apil cho thấy đống vây cá còn đẫm máu nằm trên boong thuyền.
Vây cá mập trên tàu Long Xing 629. Ảnh: SCMP được cung cấp. |
Lạm dụng lao động nhập cư
Hàng chục nghìn lao động nhập cư từ Indonesia và các khu vực khác của Đông Nam Á được tuyển dụng thông qua các công ty môi giới để làm việc trên các tàu cá Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Hàn Quốc mỗi năm. Những nhóm vận động chống buôn người nói rằng họ có nguy cơ bị bóc lột do thiếu giám sát trên biển.
Khi việc khai thác trở nên khó khăn và đắt đỏ hơn do đánh bắt quá mức, ngành thủy sản đã sử dụng lao động nhập cư, đối tượng dễ bị tổn thương, ngày càng nhiều để duy trì lợi nhuận.
Các nhà hoạt động nói có một mối liên hệ trực tiếp giữa việc sản lượng sụt giảm, lạm dụng quyền hành, và đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát - còn được gọi là IUU.
"IUU, cũng như cắt vây cá mập và vi phạm nhân quyền, tiếp tục ám ảnh đội tàu đánh cá biển xa trên toàn cầu", Arifsyah M. Nasestion, trưởng nhóm Chiến dịch Đại dương tại Greenpeace Đông Nam Á, cho biết. "Hải sản dính líu đến IUU và bóc lột lao động này sau đó có thể được đưa đến tay cho người tiêu dùng thông qua chuỗi cung ứng hải sản rất phức tạp và không minh bạch".
Những thuyền viên trên tàu Long Xing 629 được tuyển dụng bởi bốn công ty của Indonesia: PT Lakemba Perkasa Bahari, PT Alfira Perdana Jaya, PT Sinar Muara Gemilang và PT Karunia Bahari Samudera.
Theo các nhà hoạt động và hợp đồng được SCMP xem xét, hầu hết xuất thân từ các gia đình nghèo và được hứa hẹn mức lương từ 300-450 USD/tháng như một phần của cam kết có giá trị ràng buộc hai năm. Song mỗi hợp đồng đều có các khoản khấu trừ cho các loại phí và tiền cọc bảo đảm trị giá hàng trăm dollar.
Chi phí về nước sẽ do người lao động chịu nếu họ không thể hoàn thành thời hạn làm việc và ít nhất một hợp đồng có điều khoản cho phép công ty môi giới kiện gia đình thuyền viên để đền bù thiệt hại.
Luật sư Kim, người đã làm việc trong các vụ liên quan đến tình trạng bóc lột thuyền viên nước ngoài trong khoảng một thập kỷ, cho biết các hợp đồng và điều kiện mà những người đàn ông phải đối mặt đã cấu thành tội "buôn người và cưỡng bức lao động".
"Mặc dù họ phải đối mặt với sự bóc lột sức lao động này, họ không thể rời tàu. Có một cơ chế liên quan đến cấu trúc và hợp đồng giữ họ ở lại trên biển - họ đi lại trên biển trong suốt 13 tháng mà không ghé bất cứ cảng nào", ông nói. "Hộ chiếu của họ đã bị thuyền trưởng tịch thu ngay khi họ lên tàu.
Thuyền viên Indonesia trên tàu Long Xing 629. Ảnh: SCMP được cung cấp. |
Những thuyền viên Indonesia đã được đưa đến làm việc ở một vùng biển xa xôi thuộc Thái Bình Dương gần Samoa, bởi công ty Đánh bắt Đại dương Đại Liên, chủ sở hữu tàu Long Xing 629, theo C4ADS.
Tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington đã sử dụng dữ liệu nguồn mở, bao gồm hồ sơ công ty, danh mục tàu thuộc sở hữu, thông tin phát đi từ các tàu và lời khai của thuyền viên, để xác định công ty sở hữu một đội tàu gồm 32 chiếc hoạt động đánh bắt cá ngừ.
Vô số thách thức
Thuyền viên Indonesia đầu tiên, Sepri, đã qua đời trên tàu Long Xing 629 vào ngày 21/12/2019. Người thứ hai, Alfatah, qua đời sáu ngày sau khi anh ta được chuyển đến một tàu khác trong đội, Long Xing 802. Vào tháng 3, một thuyền viên tên Ari đã chết sau khi được chuyển đến tàu Tian Yu 8.
Không ai trong số họ đã được chăm sóc y tế một cách thích hợp; thay vào đó họ được cho uống các loại thuốc không rõ, theo lời khai của các thuyền viên.
Luật sư Kim cho biết các thuyền viên còn lại cuối cùng đã yêu cầu về nước sau cái chết thứ hai, và công dân Indonesia thứ tư, Effendi Pasaribu, qua đời tại một bệnh viện ở Busan vào ngày 27/4 sau khi họ cập cảng Hàn Quốc.
Ilyas Pangestu, Chủ tịch Liên minh Lao động Nghề cá Indonesia (SPPI), người đang đại diện cho các thuyền viên, kêu gọi tiến hành điều tra chi tiết về những cái chết.
"Cần phải khám nghiệm tử thi hoặc nghiên cứu y khoa thêm. Họ đã không xử lý tình hình sức khỏe trên tàu bằng cách hỏi ý kiến bác sĩ hoặc chăm sóc y tế đúng cách", ông nói và cho biết thêm rằng ông lo ngại về điều kiện làm việc trên thuyền.
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi tuần trước cho biết bà đã nói chuyện với đại sứ Trung Quốc tại Indonesia Xiao Qian để bày tỏ quan ngại của mình về điều kiện sống của các thuyền viên, và đã yêu cầu làm rõ rằng việc chôn cất trên biển có được thực hiện theo quy định của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) hay không.
Công ty Đánh bắt Đại dương Đại Liên từ chối bình luận và gác máy trên SCMP liên lạc về vụ việc. Công ty cũng không trả lời email yêu cầu bình luận.
Công ty, có trụ sở tại thành phố cảng Đại Liên thuộc tỉnh Liêu Ninh của Trung Quốc, cung cấp cá ngừ cao cấp để làm sashimi chủ yếu cho Nhật Bản, theo C4ADS và website công ty mà gần đây đã ngừng hoạt động. Truyền thông Trung Quốc cho biết công ty cũng bán cá ngừ cho thị trường trong nước.
Thuyền viên trên tàu Long Xing 629. Ảnh: SCMP được cung cấp. |
Câu chuyện của các thuyền viên Indonesia cho thấy vô số thách thức mà giới chức quốc tế phải đối mặt trong việc xóa bỏ tình trạng bóc lột lao động trong ngành đánh bắt thủy sản toàn cầu.
Bản chất của đánh bắt xa bờ, đặc biệt là trong các đội tàu biển xa, có nghĩa là tình trạng bóc lột lao động thường bị che giấu và việc giám sát rất phức tạp bởi sự phức tạp của quyền tài phán trên biển.
Dù đã có nỗ lực để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về nguồn gốc của hải sản trong những năm gần đây, các chuỗi cung ứng hải sản phức tạp - thường dùng cách chuyển tàu để ngụy trang nguồn gốc của sản phẩm đánh bắt - có nghĩa là nhiều người không biết về cái giá thực sự của những con cá mà họ đang ăn.