Quần đảo Orkney từ lâu đã bị xâm chiếm bởi ngỗng. Số lượng ngỗng hiện rất lớn và gây ra nhiều tổn thất, vì vậy người dân đảo được phép săn bắn và ăn thịt ngỗng, theo BBC. Theo số liệu của Hiệp hội Bảo vệ Chim Hoàng gia (RSPB), năm 2002, chỉ có 300 cặp ngỗng xám có thể sinh sản ở Orkney. Sáu năm sau, con số đó đã tăng lên chóng mặt thành 10.000 cặp. Và đến hôm nay, không ai biết rõ vì sao số ngỗng lên đến 64.000 cặp. Chúng phá hủy mùa màng và dẫm nát đồng ruộng. |
“Thiệt hại mà chúng gây ra trong một khoảng thời gian ngắn là không thể tin được”, Steve Rogers, người điều hành Orkney Shoot Holiday (Ngày hội Bắn chim Orkney), nói khi đang chuẩn bị huýt còi gọi những con ngỗng lúc bình minh. “Những gì chúng tôi đang làm thực sự không còn là một môn thể thao (săn bắn) nữa, mà đó là việc cần làm”. |
Điều ông Rogers làm hoàn toàn hợp pháp. Thế nhưng, dù người dân đảo đã được phép kiểm soát một số lượng lớn ngỗng kể từ năm 2012, hậu quả kinh tế và môi trường của việc chăn thả ngỗng gây ra vẫn rất nghiêm trọng. Cơ quan Di sản Thiên nhiên Scotland (SNH), cơ quan chịu trách nhiệm bảo vệ động vật hoang dã của Scotland, thậm chí còn tuyển những thợ săn điêu luyện tình nguyện đến đây. Việc tiêu diệt ngỗng sẽ kéo dài đến đầu năm 2020. |
“Phía bên trái”, ông Rogers thì thầm với hai thợ săn khác đang ẩn nấp cùng mình. “Bắn chúng, các cậu!”. Loạt súng đồng loạt nổ vang. Rogers thả con chó săn Labrador của mình ra để nó đi lượm xác những con ngỗng rơi từ trên trời xuống. Đuôi nó quẫy mạnh khi tha về con ngỗng cuối cùng và vứt xuống trước mặt chủ nhân. Đó là 8 con ngỗng xám lớn đã chết. |
“Chúng phá hoại cánh đồng lúa mạch của tôi”, người nông dân Alister Donaldson, chủ cánh đồng vừa bị ngắm bắn, phàn nàn. “Chúng là vấn đề lớn. Chúng đi tìm lúa mạch vào thời điểm thu hoạch, ngay trước khi gặt hái để nhổ lúa mạch non lên và cắn nát. Nhiều con giẫm đạp để lại rõ vết lõm trên cánh đồng”. “Số lượng ngỗng không giảm đủ nhanh. Chúng tôi cần nhiều thợ săn hơn nữa”, ông Donaldson nói với Rogers và hai thợ săn đang kiểm tra lại súng của họ. |
Ngỗng Greylag là “loài mỏ đá” và là loài ít được quan tâm nhất vì không thuộc diện có nguy cơ tuyệt chủng hay dễ bị tổn thương. Graham Neville, người quản lý quần đảo phía Bắc (gồm đảo Orkney) và cao nguyên phía Bắc thuộc Cơ quan Di sản Thiên nhiên Scotland (SNH), cho biết chính sách của SNH về ngỗng là tìm kiếm các giải pháp bền vững trong khi vẫn phải bảo tồn thiên nhiên. Một phương án đang được xem xét là bôi dầu paraffin lên trứng ngỗng để ngăn nó nở thành con. Phương án khác là cấp phép săn bắn ngỗng quanh năm, không chỉ riêng trong mùa săn bắn. |
Những thợ săn như Steve, Rob, Paul và chú chó Jack phải bám trụ trên những cánh đồng trong thời tiết lạnh giá tới -3 độ C để săn ngỗng. |
Cho đến gần đây, hầu hết xác những con ngỗng bị vứt ở bãi rác. Chỉ vài người bán thịt ở Orkney được cấp phép để bán ngỗng cho người dân địa phương. SNH đã công bố một dự án thí điểm, dự kiến được xét duyệt vào cuối tháng 1, cho phép bán thịt ngỗng trên khắp Scotland. “Chúng tôi đang xem xem liệu có thể mở rộng thị trường thịt ngỗng hay không”, ông Graham Neville từ SNH nói. “Bởi vì điều đó sẽ cho phép nông dân thực sự kiếm được tiền từ ngỗng. Điều này có thể tạo ra một thị trường cho phép hỗ trợ dài hạn cho việc quản lý ngỗng”. |
“Tôi có 3 khách hàng nói rằng họ muốn ngỗng cho bữa tối Giáng sinh của họ”, người bán thịt Thorfinn Craig vừa mài dao chuẩn bị thịt ngỗng vừa nói. “Điều này rất mới mẻ. Mọi người thích thử những món mới. Khi họ nhận ra rằng thịt ngỗng nạc, nhiều protein và chất lượng thì thật sự tốt”. |