Bàn thua thứ hai của HAGL đến vào thời điểm ít người nghĩ đến nhất và nhiều fan hâm mộ của Công Phượng, Tuấn Anh thì đang háo hức chờ đợi 3 điểm sẽ ở lại Pleiku, trong hoàn cảnh đội bóng phố núi đá hơn người.
Lối chơi của Công Phượng cùng đồng đội thiếu tính hiệu quả. Ảnh: Nguyễn Đăng |
Sai lầm của trung vệ Cosmin quả rất đáng trách nhưng khi trái bóng đến chân Minh Tuấn, nó không phải là một cơ hội rõ ràng. Cú ra chân gọn gàng của đội trưởng Quảng Ninh hạ gục thủ môn Minh Nhựt từ ngoài khu vực 16,50 m xứng đáng nhận được lời tán thưởng bởi độ chuẩn xác và khả năng chớp thời cơ vốn đã trở thành thương hiệu như cái biệt danh Tuấn “đớp” của anh.
Đấy là cơ hội duy nhất của Minh Tuấn kể từ khi được tung vào sân thay Quang Hải trong khoảng 30 phút hiệp 2. Thế nên không ngạc nhiên khi chính HLV Graechen cũng phát biểu rằng đối thủ của HAGL tận dụng cơ hội tốt hơn những gì Công Phượng cùng đồng đội đã làm được.
Như thường lệ, các học trò của HLV Graechen vẫn là những người nắm quyền kiểm soát bóng nhiều hơn. Nhưng sự thua kém về tính hiệu quả của họ so với đối thủ là khả năng tạo ra những cơ hội sáng nước để thành bàn. Một hình ảnh đã dần trở nên quen thuộc trong lối chơi của HAGL là sau những pha “thêu hoa dệt gấm” ở khu vực giữa sân, các cầu thủ giống như đâm vào ngõ cụt mỗi khi đến gần cầu môn của đối phương.
Hoặc, khi thời cơ đến, Công Phượng cùng đồng đội của anh lại quá thiếu những ngón đòn đủ sắc sảo. Công Phượng cả trận có 2 lần nhận bóng ngay ngoài vạch 16m50 trong tư thế khá thuận lợi nhưng cả 2 lần đều sút bóng rất thiếu lực. Hoàng Thiên sau 2 pha cứa lòng chân trái bị thủ môn Tuấn Linh cản phá, "cố sống, cố chết" để thực hiện bằng được lần thứ 3, đưa trái bóng đi xa cầu môn cả chục mét.
HLV Miura trên khán đài sân Pleiku theo dõi trận HAGL - Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Đăng |
Đó là một sự khác biệt so với cách người đàn anh của Công Phượng trong màu áo đội tuyển Việt Nam ấn định kết quả của trận đấu. Giờ hãy hỏi thử HLV Miura rằng liệu ông thích một tiền đạo biết cầm bóng hơn hay một tiền đạo biết ghi bàn?!