Chủ nhân của ngôi nhà "kỳ diệu"này là cặp vợ chồng người Đan Mạch đã về hưu, hiện không ở tại quần đảo Canary, theo Guardian.
"Chủ nhân của ngôi nhà rất vui vì nó vẫn đứng vững", bà Ada Monnikendam, người đã xây ngôi nhà này, chia sẻ.
"Khi tôi nói với cặp đôi rằng căn nhà của họ vẫn còn nguyên vẹn, chúng tôi đều bật khóc", bà nói với El Mundo.
"Ngôi nhà kỳ diệu" nằm ở El Paraíso, nơi chịu thiệt hại nặng nề trong vụ núi lửa phun trào. Nhiều ngôi nhà khác và trường học địa phương đã bị phá hủy.
Cặp đôi chủ nhân ngôi nhà đã chọn sống tại đảo La Palma vì địa hình núi lửa nơi đây. Bà Monnikendam cho biết: "Tôi cảm thấy buồn vì không ai ở đó để chăm sóc cho ngôi nhà".
Dòng chảy của La Palma đã chậm đi đáng kể so với khi núi lửa mới phun trào. Ảnh: Reuters. |
Theo AP, dung nham đã bắt đầu chảy chậm lại đáng kể vào ngày 23/9. Điều này khiến nhiều người lo sợ rằng magma sẽ chảy ra và tàn phá nhiều hơn trong những ngày tới, thay vì đổ xuống biển.
Vào ngày 22/9, giới chức ghi nhận một dòng dung nham có chiều rộng 600 m di chuyển với vận tốc 4 m/h. Trong khi đó, vào ngày 20/9, một ngày sau khi núi lửa phun trào, dòng chảy này di chuyển với vận tốc 700 m/h.
Một dòng dung nham khác có vẻ như đã dừng chảy, theo bà Maria Jose Blanco, chủ tịch của Viện Nghiên cứu Địa lý Quốc gia tại quần đảo Canary.
Bà Blanco cho biết tuy rằng hoạt động địa chấn ở đảo La Palma đã giảm dần, magma vẫn chảy ra từ núi lửa.
Khi chảy chậm lại, dòng dung nham sẽ trở nên dày hơn. Các nhà chức trách cho biết ở nhiều nơi, dòng dung nham nguội có thể cao đến 15 m. Hiện tại, dung nham đã bao phủ 166 hecta và nuốt chửng khoảng 350 ngôi nhà.
Các nhà khoa học vẫn chưa rõ khi nào dung nham ngừng chảy hẳn. Lần phun trào gần đây nhất của núi lửa La Palma là vào năm 1971.