Trên bản Trống Tông thuộc huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) có một ngôi “nhà dài” nơi 9 cặp vợ chồng đang cùng chung sống, với gần 50 con người, gồm ông bà, con cái và cháu chắt. Mỗi Tết họ phải mổ 5 - 6 con lợn từ 90 kg trở lên mới đủ ăn.
Bản Trống Tông nằm trên cao, ở giữa lưng trời chỉ khi trời nắng to mới nhìn thấy bản, thường thì bản ẩn khuất giữa bạt ngàn mây trắng và rừng cây. Tôi hỏi Vàng A Lử - hạt trưởng Hạt kiểm lâm Mù Cang Chải về ngôi nhà đó, anh bảo: Tôi có biết nhà cụ Hờ Vàng Phử, đúng là cụ rất đông con cháu cùng ở trong một nhà, nhưng không dám chắc nhà có 48 hay 50 người. Nếu anh muốn đến thăm thì đi ngay tối nay, đường không xa lắm vì ban ngày chẳng ai ở nhà, vì họ đều đi làm cả. Thế là tôi cùng Vàng A Lử leo lên bản Trống Tông.
Vợ chồng cụ Hờ Vàng Phử. |
Ngày xưa ở Mù Cang Chải rừng nhiều, bản Trống Tông có rừng cây rất lớn, nhiều cây to năm sáu người ôm mới kín gốc. Nhưng do đốt phá rừng làm nương rẫy, năm này qua năm khác, mùa khô rừng cháy liên miên khiến cho hàng ngàn ha rừng ở đây biến khỏi mặt đất.
Đường càng lên cao dốc lại thêm dựng, tôi phải chống gậy và bám vào cây 2 bên đường, thế nhưng đi một lúc lại phải nghỉ, thỉnh thoảng hỏi: Sắp đến nhà cụ Phử chưa Lử ơi? Lử bảo: Còn một con dao quăng nữa…
Bước qua cánh cửa vừa hé, tôi đã nhìn thấy có khoảng hơn chục người đang ngồi quanh đống lửa vừa tước lanh vừa xem ti vi. Ở trên núi quanh năm đốt lửa, mặc dù đang là giữa mùa hè. Cụ Hờ Vàng Phử đang nằm trên chiếc giường kê cạnh bếp lửa vội nhỏm dậy, cụ gật đầu chào chúng tôi rồi vớ chiếc điếu làm một mồi thuốc.
Người con trai thứ 5 là Hờ Chờ Mang đang đóng thùng làm tổ ong kéo ghế mời chúng tôi ngồi, anh là người nói tiếng kinh sõi nhất lên đứng ra phiên dịch. Anh bảo: Bố mình già quá không nhớ năm nay bao nhiêu tuổi đâu. Cũng gần chín mươi rồi đấy.
Tôi nhìn cụ tóc đã rụng lên đến đỉnh đầu, chỉ còn một lọn tóc nhỏ phía sau gáy, các sợi cũng mảnh như tơ chuối được bện lại vòng qua trán. Răng đã rụng gần hết nên đôi má hóp lại, da nhăn nheo tựa vỏ thông, đôi mắt đục mờ như phủ một lớp khói sương.
Nhìn tấm Huân chương kháng chiến tặng cho người con trai Hờ A Trừ đã hy sinh nước mắt vợ chồng cụ Phử lại lăn dài trên má. |
Cụ bà Lý Thị Dinh đang nằm trong căn buồng gần bếp lò nghe tiếng người lạ cũng trở dậy ra ngồi cạnh bếp lửa. Thân hình cụ nhỏ thó, gương mặt nhàu nát vì muôn ngàn nếp nhăn, lưng gù xuống bởi gần 80 năm qua cụ đã thồ không biết bao nhiêu ngô lúa, sắn, khoai…
Hai cụ sinh được 7 người con trai, người con trai thứ hai tên là Hờ A Chư đi bộ đội năm 1971 đến năm 1972 thì hy sinh, năm 1973 gia đình nhận được giấy báo tử. Nghe nhắc đến tên Hờ A Chư cụ Lý Thị Dinh chớp chớp đôi mắt đục như nước vo gạo nhìn tôi, cụ nói câu gì đó. Hờ Chờ Mang vội vào buồng lấy ra chiếc túi sách đen kịt khói bếp anh rút ra một tấm ảnh đen trắng to bằng cuốn sổ tay đưa cho mẹ, trong ảnh là một người lính đầu đội mũ lưỡi trai một tay đặt lên nòng khẩu AK mắt nhìn thẳng.
Cụ Dinh rờ bàn tay khô như cành củi lên mặt người con trai trong ảnh hỏi tôi: Cán bộ có biết thằng này nằm ở đâu không? Tôi lắc đầu. Cụ thở dài nhìn lũ cháu con một lượt.
Trong 7 người con trai của vợ chồng cụ Hờ Vàng Phử, Hờ A Chư đi bộ đội đã hy sinh người con trai cả là Hờ Seo Páo lấy vợ đã ở riêng còn lại 5 người con trai sau khi lấy vợ đều ở lại trong ngôi nhà của bố mẹ. Ba đứa cháu trai là Hờ A Hú, Hờ A Dình con của Hờ Nhà Dì và Hờ A Câu con của Hờ Chờ Mang đều đã lấy vợ, mỗi cặp vợ chồng cháu đều sinh được 2 chắt. Như vậy bây giờ trong nhà của cụ Phử có 9 cặp vợ chồng với 46 nhân khẩu. Năm ngoái 3 đứa cháu gái của cụ đã đi lấy chồng, chứ không gia đình cụ bây giờ đã là 49 người.
Một số thành viên trong gia đình cụ Phử. |
Ngôi nhà dài của cụ chẳng khác gì... tổ ong, mỗi cặp vợ chồng có một gian buồng nhỏ, chiều rộng chừng 2m, một dãy buồng liền tù tỳ kể từ buồng của vợ chồng cụ Hờ Vàng Phử từ chỗ bếp lò đến chỗ bếp tiếp khách. Cửa buồng rộng hơn hai gang tay đủ để một người đi lọt, tất cả các cánh cửa đều làm bằng ván thông, khói bếp và mồ hôi làm cho chúng đen nhánh.
Nhà này gia đình cụ dựng năm 1995, trước đó dựng ba bốn cái, nhưng bé quá mà người mỗi ngày một đông nên phải dựng to ra để ở. Mới đầu cụ chỉ dựng 3 gian, khi con cháu lấy vợ cụ lại dựng tiếp một gian nữa, cuối năm ngoái cụ lại làm thêm một cái trái sát với gian tiếp khách, cứ thế ngôi nhà dài mãi ra, ước chừng bây giờ dài hơn 30m.
Ngôi nhà đều bằng gỗ pơ mu, chiếc cột cạnh lò nấu cám lợn đen nhánh và nhẵn như sừng, bởi hàng ngày cụ và các con cháu vịn vào đó để đảo cám. Mái nhà cũng vậy, lớp ngói phía dưới cụ chẻ từ cây pơ mu cỡ hai người ôm, mỗi năm lợp vài chục tấm, rồi khi các con cháu lớn lên chúng tiếp tục chẻ gỗ làm ngói lợp nhà. Ngôi nhà dài hun hút lúc nào cũng khói nghi ngút.
Đây là ngôi nhà chính, nơi thờ tổ tiên, Tết đến tất cả con cháu tụ về. Cụ còn hai ngôi nhà nữa, một dựng ở bãi chăn trâu bò, một dựng ở ruộng, ngoài ra mỗi khu ruộng đều có một lều nương, ở đó cũng có mọi thứ như chăn màn, xoong nồi, bát đĩa… Người ta có thể sống hàng tháng trời ở lều nương để làm ruộng, chăn nuôi lợn gà. Nhà cụ có một trại nuôi trâu bò riêng cách nhà khoảng gần 2 giờ leo núi, trại có gần 40 con bò và 17 con trâu cùng một đàn lợn hơn 20 con, gà thì nhiều lắm không tính được.
Hàng ngày, những người phụ nữ trong nhà đều dậy từ 4h sáng, người thì nấu cơm, người chẻ củi, người băm rau lợn, người sàng gạo, người tước lanh… tất cả đều lặng lẽ mỗi người một việc. Sau bữa cơm buổi sáng khi trời còn nhập nhoạng tối, Hờ Nhà Dì - người anh lớn tuổi nhất phân công cho từng cặp vợ chồng và các con cháu những công việc phải làm trong ngày. Đôi vợ chồng nào phải lên trại chăn thả đàn trâu bò, đôi nào phải đi kiếm củi, đôi nào làm ruộng, còn đôi nào ở nhà thì phải đánh thức lũ trẻ con dậy cho chúng ăn và nấu cám cho lợn gà… Sau đó chuẩn bị bữa cơm tối.
Từng đôi vợ chồng luân phiên nhau ở nhà, luân phiên nhau ra ruộng lên nương. Vợ chồng cụ chẳng mấy khi ở nhà cũng ra đồng, lên nương làm cùng với lũ con cháu. Mỗi năm gia đình cụ Phử thu chừng 15 tấn lúa, 10 tấn ngô còn khoai sắn không kể. Đã hơn chục năm rồi nhà cụ Phử chưa phải đói, mặc dù mỗi ngày nấu 30 - 35 kg gạo.
Không mấy khi nhà cụ đủ người, bởi lúc nào cũng có hai cặp vợ chồng ngủ ở 2 nhà nương, tuy thế bữa cơm hàng ngày cũng phải dọn 3 - 4 mâm, ngày Tết thì phải dọn 6 mâm mới đủ chỗ ngồi. Tôi hỏi Tết thì mổ mấy con lợn mới đủ ăn? Cụ cười móm mém, Mang dịch lại lời cụ: Năm nào cũng phải mổ 5 - 6 con lợn, con bé thì 90 cân, con to thì tạ hai, tạ ba.
Ngôi nhà lợp gỗ pơ mu. |
Tết đến cụ phải bán đôi bò, tiền bán bò chia cho từng cặp vợ chồng để mua quần áo mới và giày dép cho lũ trẻ. Tất cả mọi chi tiêu lớn trong nhà vợ chồng cụ Phử giao cho Hờ Nhà Dì lo lắng và bàn với các em. Tôi hỏi cụ Phử: Cho đến bây giờ có đứa con cháu nào của cụ muốn ra ở riêng không? Mang dịch lại lời cụ: Rồi cũng phải cho các con cháu ra ở riêng thôi, nhưng bây giờ thì chưa…
Tôi nhìn cụ qua đống lửa đang rừng rực cháy, đã bao nhiêu năm nay cụ như một gốc cây lớn để lũ cháu con tựa vào.