Ở nhiều xã miền núi của H.Phước Sơn như Phước Lộc, Phước Thành… bây giờ, có hàng chục phụ nữ địa phương bị những phu vàng trong và ngoài tỉnh gạ gẫm, đến khi đã “no xôi chán chè” rồi thì “quất ngựa truy phong”… Các cô phải một mình vượt cạn trong rừng, đối mặt nhiều hiểm nguy, con cái của họ cũng phải lớn lên ở rừng.
Lỡ trao thân cho “vàng tặc”
Đời sống khó khăn, những đứa trẻ sinh trong rừng chịu nhiều thiệt thòi. |
Chị Hồ Thị S. và 2 người con được sinh ra trong rừng. |
Chúng tôi hỏi thăm rồi tìm đến nhà chị Hồ Thị K., 33 tuổi, một nạn nhân của “vàng tặc”. Sau một lúc e dè, chị K. bắt đầu kể về cuộc tình cay đắng của mình khi lỡ trao thân cho một gã sở khanh.
Sinh ra trong gia đình nghèo có đông anh em, K. không hề được học hành, mới lớn đã theo chân cha mẹ lên rẫy. Tuy cuộc sống vất vả, K. càng lớn càng xinh đẹp. Năm 2000, chị gặp và đem lòng yêu thương H., một phu vàng đến từ Nam Định. Kết quả của mối tình đầu vụng dại là một sinh linh hoài thai trong bụng chị K. Chị phải một mình ra bìa rừng dựng lều sinh con. Trở về, hai người chung sống với nhau như vợ chồng được một thời gian. H. dùng lời đường mật khuyên chị mượn tiền của bố mẹ để mua sắm máy móc, thiết bị khai thác vàng. Không lâu sau đó, trong một lần khai thác, H. trúng đậm và âm thầm ôm tiền chuồn về quê, bỏ mặc chị K. cùng đứa con trai thơ dại nơi bản nghèo...
Cách nhà chị K. không xa là nhà của 4 mẹ con chị Hồ Thị S. nằm bên trục đường cái gần trụ sở UBND xã Phước Thành. 32 tuổi, 3 đứa con là kết quả của những mối tình ngang trái, sớm nở tối tàn. Cuộc sống vất vả đã khiến khuôn mặt chị già hơn hẳn, thân hình của những đứa trẻ cũng gầy gò, ốm yếu.
Cô gái trẻ người Giẻ Triêng lớn lên giữa núi rừng, những lần theo anh trai đi cõng hàng vào bãi vàng kiếm tiền, chị đã lọt vào mắt của một phu vàng người Quảng Ngãi. Chị mang thai và đối diện với sự hà khắc của gia đình và dân làng. 16 tuổi, đứa con trai đầu lòng chào đời ngoài rừng trong sự thiếu thốn và giá rét. Cơm với rau rừng, bữa no bữa đói, chị S. âm thầm nuôi con một mình. Phải gần 1 năm sau, chị mới được bồng con về làng, đối mặt với ánh mắt kỳ thị, ghẻ lạnh của những người xung quanh.
Ngỡ rằng hạnh phúc sẽ đến với chị, 2 người chuẩn bị đám cưới để được ở bên nhau thì người phu vàng tử nạn trong một vụ sập hầm. Ngày đưa thi thể người chồng sắp cưới về quê, chị S. như sụp đổ, tương lai của chị nhuốm màu tăm tối, không lối thoát. Nghèo đói, để có tiền nuôi con, chị S. tiếp tục vào một bãi vàng nằm giữa rừng sâu làm thuê. Và định mệnh trái ngang, oan nghiệt cứ không buông tha phận má hồng, chị lại yêu thương và có thai với một phu vàng xứ Bắc. Năm 2001 và 2003, chị hạ sinh liền một trai, một gái. Không thoát được hủ tục hà khắc của dân địa phương, những đứa trẻ con chị tiếp tục cất tiếng khóc chào đời bên bìa rừng. Sau một thời gian chung sống, người chồng hờ kia lẳng lặng bỏ về quê cùng với lời hứa sẽ quay lại nhưng chẳng biết ngày nào. Chị một mình chăm sóc con và sống cảnh vọng phu với hy vọng mong manh...
Nạn nhân của những hủ tục
Rời Phước Thành trong cơn mưa chiều hiu hắt giữa chốn rừng núi hoang vu, lạnh ngắt, mang theo những câu chuyện buồn nơi xứ vàng khiến lòng buồn cô liêu, chúng tôi len lỏi theo con đường dốc dựng đứng, đá lởm chởm đi vào địa phận xã Phước Lộc, nơi nghèo nhất của huyện Phước Sơn. Ông Hồ Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Phước Lộc, cho biết trong xã cũng có 3 trường hợp “ăn cơm trước kẻng”, lỡ trao thân cho những thanh niên từ địa phương khác đến làm đường, làm vàng…, hiện đang chuẩn bị làm lễ dâng làng để vào rừng sinh con.
Ông Hùng lý giải: Theo lệ làng, ai chửa hoang hoặc có bầu trước khi cưới chồng thì bị làng phạt vạ. Ngoài việc cúng con heo, còn buộc phải rời khỏi làng, vào núi tự dựng lều ở một mình mà đẻ con. Trước khi vào rừng, gia đình phải thông báo cho già làng biết để ấn định ngày mổ heo cúng làng, còn người phụ nữ vào rừng và không được quay về làng. Sinh con ngoài 3 tháng 10 ngày thì cúng 1 con heo để được về lại làng, ai không có tiền mua heo thì phải lặng lẽ ra ngoài rừng kiếm sống. Thủ tục cúng heo cũng rất rườm rà. Heo cúng phải là heo đen hoặc heo rừng và phải được mua từ làng khác. Máu heo được đựng vào một cái máng rồi được mang đi vãi lên từng nóc nhà trong làng để tạ tội...
Theo ông Hùng, phạt người “ăn cơm trước kẻng” là tục lệ có từ lâu đời của người Giẻ Triêng tại vùng cao Phước Sơn. Thời trước, sự nghiêm khắc của tập tục mang tính giáo dục, răn đe cao. Chỉ cần nhắc đến là không cô gái nào dám sai lầm. Nhưng rồi, những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước đến nay, “cơn lốc vàng” cuốn hàng ngàn thanh niên trai trẻ, tứ chiếng giang hồ theo về đây đã mang cả thói hư tật xấu, ma túy, mại dâm ầm ào nối gót, biến vùng núi heo hút này trở nên phức tạp. Những phụ nữ mang thai, những đứa con nheo nhóc được sinh ra ở bìa rừng làm cho đời sống người dân nghèo lại hoàn nghèo.
Ông Hồ Văn Hùng cho biết thêm xã Phước Lộc trước nay cách biệt với bên ngoài nên đời sống người dân hết sức khó khăn. Toàn xã có 6 thôn, dân số chưa đầy 1.000 người, trong đó 98% là hộ nghèo. Đến nay, xã vẫn chưa có điện, điện thoại di động cũng mới chỉ sử dụng cách đây chưa đầy 1 năm vì không có sóng. Trình độ dân trí thấp, người dân vẫn tin vào những điều tâm linh và còn lưu giữ những hủ tục lạc hậu. “Người dân ở đây mỗi khi đau ốm chỉ gọi thầy cúng chứ không uống thuốc. Năm vừa rồi, ông Hồ Văn Thể bị đau, người nhà gọi thầy về cúng, ban đầu cúng chiếc đũa, đến cúng gà, không hết thì cúng heo, cuối cùng cúng con trâu thì ông Thể lăn ra chết” - ông Hùng kể.
Ngoài ra, người dân thường quan niệm chết là hết, khi có người chết thì chỉ đào hố chôn chứ không có đặt vào hòm như những nơi khác. “Mấy năm nay, mỗi lần trong xã có người chết, cán bộ xã phải xuống tận nơi tổ chức mai táng. Người Giẻ Triêng không cho đóng hòm ở trong nhà, khi chết, người ta buộc vào chiếc võng, cử 2 người khiêng ra chỗ chôn cất, có khi ruồi bu đầy xác, hôi thối không chịu nổi. Những người khiêng thi thể người chết thường phải ở trong rừng 10 ngày mới dám trở về làng, khi trở về phải băng rừng để đi chứ không dám đi con đường cũ vì sợ ma” - ông Hùng nói.
Ông Võ Văn Ba, Phó Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phước Sơn, cho biết nhiều năm nay, huyện thường xuyên giao cho các khối đoàn thể, chính quyền các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyên người dân bỏ các hủ tục lạc hậu. Tuy nhiên, do các xã vùng cao trình độ dân trí còn thấp nên việc tuyên truyền vẫn còn gặp nhiều khó khăn.