Bé gái ở làng Njala Ngiema, Messi Boa đã mất cả cha lẫn mẹ trong đợt Ebola quét qua. |
Khi đến làng Njala Ngiema, Sierra Leone người ta có thể thấy rõ dấu vết của một cuộc chiến với thần chết còn sót lại nơi đây.
Rải rác xung quanh những ngôi nhà trống hoác sau khi dịch Ebola quét qua là những vỏ thuốc, những bịch nước truyền đã qua sử dụng nằm chỏng chơ. Tất nhiên, từng đó thuốc và nước truyền không đem lại hiệu quả đối với người dân làng Njala Ngiema. Có chăng những chuyến cấp cứu đến bệnh viện thì cũng quá muộn. Ở đây, ai nhiễm Ebola cũng chết.
Ngôi làng 'ma'
Hiện nay nhiều người còn sinh sống trong các ngôi nhà của làng Njala Ngiema nhưng nhìn chung nó đã trở thành một khu vực "đông cứng". Bên trong những căn nhà tối tăm là một ít đồ đạc còn sót lại của những nạn nhân, đống quần áo, giày dép đã rách, sờn cũ, hay những chiếc đài hiếm hoi.
Dù gần một tháng trở lại đây, không có thêm trường hợp nhiễm bệnh nào mới được phát hiện ở đây nhưng mối lo ngại về sự tồn tại của virus vẫn lẩn khuất đâu đây. Không có gì cho thấy sự thay đổi kể từ sau khi cơn đại dịch quét qua làng.
Quá trình kiểm dịch của chính phủ Sierra Leone ở làng Njala Ngiema bị New York Times cho là quá muộn. Bây giờ ở đây, những ngôi nhà chi chít những vết đánh dấu cảnh báo, ở khắp mọi nơi trên con đường lầy lội chạy xuyên qua khu rừng cọ.
Phía trước ngôi nhà có 5 người chết vì bệnh dịch còn lại một chiếc quần màu xanh treo lơ lửng từ khi dịch Ebola tràn qua. Bên trong một ngôi nhà từng có hai phụ nữ sinh sống vẫn còn một bọc ni lông quần áo, đang sẵn sàng cho chuyến đi tới bệnh viện nhưng không thực hiện được.
Ánh mắt trống rỗng của những người còn sống, cũng như hiện trạng của làng Njala Ngiema. |
Ở một nơi khác, chỗ ở của Foday Joko cùng vợ và con gái, mọi thứ vẫn còn nguyên, như thể họ chỉ đi làm đồng chưa về. Khăn mặt, quần áo, đồ lót vẫn còn treo nguyên trên dây phơi.
Phía sau ngôi nhà của Alhaji Abbah, nơi có 16 người phải gục ngã trước Ebola vẫn còn những bộ quần áo làm đồng treo trên dây, quần jeans và áo phông sờn cũ còn đó, không ai dám bỏ. Thậm chí, chăn chiếu trên giường của Abbah vẫn còn nhăn nhú. Chiếc gối nằm xiêu vẹo trên đó. Lấp ló phía dưới tấm giường gỗ đơn sơ là đôi dép nhựa đơn giản của người đã chết.
Người dân địa phương nói ông từ chối đến bệnh viện, ông ấy sợ phải đi. Sau khi Abbah qua đời, người ta tìm thấy ông ngồi nép chặt ở mép giường, người gập lại và đầu gục xuống.
James Baion, một giáo viên khác trong làng hiện làm cộng tác viên cho nhóm đặc biệt đối phó với Ebola của chính phủ Sierra Leone nói: “Người dân ở đây đang hoảng sợ. Chúng tôi đang yêu cầu được đốt hết để tránh virus lây lan”.
Cái chết ở khắp nơi
Bên trong những ngôi nhà nối tiếp nhau, dấu vết của Ebola để lại là những con số, đó là số người đã chết ở đó khi nó đi qua. Nhà này 10 người, nhà kia 4 người, trong đó có 3 trẻ em. Cách đó vài mét, một người đàn ông đang sống cô độc trong ngôi nhà mà chỉ cách đó vài ngày, vợ ông đã vật lộn với con virus nguy hiểm Ebola.
Xung quanh đó, một nhà có 7 người chết, nhà khác chết đến 16 người. Một gia đình chỉ còn lại hai chị em gái, đứa lớn 7 tuổi, đứa bé mới lên 6, cha mẹ chúng đều đã chết vì Ebola. Và còn rất, rất nhiều người đã chết ở đây. Sheku Jaya, thày giáo trường làng, năm nay 35 tuổi nắm chặt bàn tay bé nhỏ của cô con gái và nói: “Quá nhiều, chúng tôi đã mất quá nhiều người”.
Thi thể một người đàn ông chết vì Ebola ở Tây Phi. |
Sierra Leone là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Tây Phi trong đại dịch Ebola hiện nay và làng Njala Ngiema là nơi nghèo khổ nhất của đất nước này. Các quan chức y tế địa phương và quốc tế đều đồng ý rằng, đây là ngôi làng bị tàn phá nặng nề nhất trong đại dịch, tờ New York Times cho hay.
Tổng số dân làng chưa đến 500 người nhưng cơn đại dịch quét qua đã cướp ít nhất 61 mạng sống. Một cộng đồng sống trong những ngôi nhà đắp bằng bùn, trồng lúa và sắn làm lương thực trong rừng sâu đã không thoát khỏi lưỡi hái thần chết do Ebola mang đến.
Thày giáo Jaya thú nhận rằng: “Chúng tôi muốn bỏ làng ra đi”.