Hà Nội quán xá phố phường là tập tản văn của Uông Triều viết về những điều bình dị mà tinh tế của Hà Nội, từ những món ăn, quán hàng, con phố tới sinh hoạt văn hóa. Được sự đồng ý của Sống - đơn vị giữ bản quyền - Zing.vn trích đăng một phần nội dung sách.
Hồ Trúc Bạch nguyên là một phần của Hồ Tây và là một trong ba cái hồ nổi tiếng nhất của Hà Nội, cùng Hồ Gươm và Hồ Tây. Về tên hồ, ngày trước vùng hồ vốn thuộc địa phận làng Trúc Yên, một làng có nghề biên mành trúc, sau lại có thêm nghề dệt lụa. Tiếng Hán gọi lụa là bạch, Trúc Bạch nghĩa là lụa làng Trúc, hồ nằm trên đất làng nên có tên gọi ấy.
Sách Hà Nội quán xá phố phường. |
Thế nhưng nghề dệt lụa ở Trúc Bạch không chỉ đơn giản có vậy. Xưa chúa Trịnh Giang (1711-1762) là một tay ăn chơi khét tiếng, có nhiều cung tần mĩ nữ. Thấy vùng ven hồ yên tĩnh, thắng cảnh đẹp, Trịnh Giang lập ra một tòa biệt viện đặt tên là Trúc Lâm và đưa các cung nữ ra đấy hành lạc. Nhưng chỉ được mấy năm, biệt viện trở thành một lãnh cung dùng để an trí các cung nữ mắc tội. Với các cung nữ này, nhà chúa hầu như không chu cấp gì cả, ngoài một ít tơ tằm, khung cửi, coi như cấp vốn ban đầu, các cung nữ phải tự chăn tằm, dệt lụa để kiếm sống. Các cung nữ làm ra thứ lụa chất lượng tốt và được nhiều người ưa thích, có câu ngợi ca rằng:
“Lụa làng Trúc vừa thanh vừa bóng
May áo chàng cùng sóng áo em
Chữ tình gắn với chữ duyên
Xin đừng thay áo mà quên lời nguyền".
Ngôi đền thiêng
Về đặc điểm địa lý, hồ Trúc Bạch không quá lớn nhưng có hai hòn đảo, đó là đảo Châu Chử và đảo Ngũ Xã. Đảo Châu Chử tuy rất nhỏ nhưng liên quan tới tín ngưỡng của người Việt thờ linh vật chó. Điều này đã được chép trong Tây Hồ chí, một cuốn sách viết về vùng hồ:
“Cẩu Nhi là chó con, mẹ là Cẩu Mẫu. Đền ở trên bến Châu Chử góc tây bắc hồ. Khi Lý Công Uẩn rời đô ra Thăng Long, truyền rằng ở chùa Thiên Tâm trên núi Ba Tiêu châu Bắc Giang có một con chó trắng có chửa bỗng bơi qua sông Cái rồi lên ở núi Khán. Sau đó đẻ được một chó con. Đến năm Nhâm Tuất hai chó đều hóa. Khi Lý Công Uẩn rời đô ra Thăng Long nghe chuyện này bèn bảo: ‘Đó là chó thần’ rồi sai dựng miếu thờ chó mẹ trên núi Khán, miếu thờ chó con ở trên hồ. Nay miếu Cẩu Nhi còn đó thuộc địa phận thôn Trúc Yên, miếu Cẩu Mẫu sau là chùa Khán Sơn".
Đền Cẩu Nhi nay được gọi là đền Thủy Trung Tiên. |
Tín ngưỡng thờ chó tồn tại từ lâu đời trong đời sống các dân tộc Việt. Chó là một linh vật với ý nghĩa cầu phúc, trừ tà, đuổi ma quỷ quấy nhiễu. Không khó để tìm thấy các tượng chó đá ở các cổng chùa, đền, các bệ thờ trên khắp nước Việt. Người Cơ Tu coi con chó là vật tổ, người Dao thờ Bàn Hồ vốn là một con chó thần. Truyền thuyết và tục thờ phụng chó còn thấy ở nhiều dân tộc khác như Xê Đăng, Chăm, Tày, Dao... Theo tín ngưỡng phương Đông, chó là một trong mười hai vật chủ trong hệ Can Chi. Tín ngưỡng thờ chó đá khá phổ biến trong các vùng nước Việt, người ta gọi chó đá là “thần Cẩu”, “cụ Thạch”, “quan lớn Hoàng Thạch”…
Quay lại hồ Trúc Bạch, một cái đảo nữa thuộc vùng hồ mà ít người để ý. Đó là đảo Ngũ Xã, nổi tiếng với nghề đúc đồng, tổ nghề là thiền sư Nguyễn Minh Không. Xưa kia, vùng đảo tách rời với đất liền và trong các bản đổ cũ của Hà Nội thì thấy rất rõ sự tách bạch này, dấu vết hiện giờ là vào khu vực Ngũ Xã vẫn phải đi qua hai cây cầu nối đất liền với vùng đảo.
Tôi đã ra hồ Trúc Bạch một buổi chiều muộn ngắm hoàng hôn. Chiều muộn ngắm Trúc Bạch từ phía Ngũ Xã rất đẹp. Đường Trấn Vũ thanh vắng, cong cong uốn lượn. Đứng ở bên phía Ngũ Xã ngắm Trúc Bạch có cái thú là không bị không gian rộng lớn, rợn ngợp của Hồ Tây chi phối. Trúc Bạch một mình cũng đủ các cung bậc lãng mạn, hào hoa của một vùng hồ nước thơ mộng bậc nhất đất kinh kỳ.
Những dấu lịch sử của Trúc Bạch
Nhưng Trúc Bạch không chỉ thơ mộng, Trúc Bạch có những dấu ấn lịch sử đáng nhớ. Ngày 26/10/1967, quân dân Hà Nội đã bắt sống Thiếu tá phi công John McCain ngay trên mặt hồ này. John McCain là ai? Đó là một trong những phi công Mỹ nổi tiếng nhất từng bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội, người có cả ông nội và bố đều là đô đốc trong lực lượng hải quân Mỹ. Và chính John McCain sau này trở thành thượng nghị sĩ của bang Arizona, người nổi tiếng với những quan điểm độc lập, thẳng thắn, từng hai lần ra tranh cử tổng thống Mỹ. Ông cũng chính là một trong những chính khách Mỹ có công trong việc ủng hộ việc dỡ bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.
John McCain bị bắt ở hồ Trúc Bạch sáng ngày 26/10/1967. Nhiều người Hà Nội còn nhớ buổi sáng hôm ấy, chiếc máy bay A-4E Skyhawk bị trúng đạn tên lửa, John McCain nhảy dù xuống hồ Trúc Bạch. Viên thiếu tá gãy cả hai tay và một chân, gần như chết đuối, nhờ sự cứu giúp của quân dân Việt ông ta mới thoát chết. Thêm một chi tiết thú vị nữa, khi John McCain ở trong Quân y viện 108 điều trị vết thương, chính nhà văn Nguyễn Tuân là người phỏng vấn ông ta để viết bài bút ký “Đèn điện phố phường Hà Nội vui sáng hơn bất cứ lúc nào”. Một nhà văn nổi tiếng của Hà Nội phỏng vấn viên tù binh nổi tiếng, bài bút ký có tên như vậy vì John McCain bị bắn hạ trong khi đang ném bom nhà máy điện Yên Phụ.
Hồ Trúc Bạch, về sự thơ mộng thì không thua kém bất kì hồ nào ở Hà Nội. Đường Thanh Niên chia Hồ Tây và hồ Trúc Bạch ra làm hai, con đường được trồng nhiều hoa phượng, bằng lăng. Mùa hè hoa phượng đỏ thắm và đến tận mùa đông, những quả phượng vẫn còn lúc lỉu như những thanh gươm đu đưa trong gió là những hình ảnh đáng nhớ về con đường.
Hồ Trúc Bạch và Hồ Tây nhìn từ trên cao. |
Bây giờ, quanh hồ Trúc Bạch có rất nhiều khách sạn, nhà hàng. Những món ăn nổi tiếng mà Trúc Bạch sở hữu là bánh tôm, kem. Gọi là bánh tôm Hồ Tây, kem Hồ Tây nhưng thực ra những nhà hàng này đều nằm bên phía hồ Trúc Bạch. Và còn thú gì hơn khi ăn một đĩa bánh tôm nóng giòn vào ngày đông se lạnh. Hay thưởng thức một que kem mát lạnh vào mùa hè, dựa vào lan can hồ, nói chuyện với người yêu. Ngoài bánh tôm và kem, quanh hồ còn những quán cà phê rất lãng mạn và một loại bia danh tiếng của Hà Nội được đặt theo tên hồ: bia Trúc Bạch.
Đền Cẩu Nhi trong truyền thuyết nay đã được xây mới với cái tên Thủy Trung Tiên (tiên trong nước) thờ cả thần chó và mẫu. Ngôi đền là một điểm nhấn tinh tế bồi đắp cho sự lãng mạn và lịch sử lâu đời của vùng hồ.