Quan điểm trên được Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jnr đưa ra trong chương trình buổi sáng của kênh truyền hình ANC phát sóng vào ngày 26/8.
Nhận xét của Ngoại trưởng Locsin đánh dấu lần đầu tiên chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte công khai kêu gọi Washington giúp đỡ, trong bối cảnh căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh trong vùng biển tranh chấp diễn biến phức tạp, theo SCMP.
Ngoại trưởng Locsin cho biết Manila sẽ tiếp tục các cuộc tuần tra trên không và trên biển ở Biển Đông.
Ngoại trưởng Locsin trong một cuộc họp của ASEAN. Ảnh: AP. |
“Họ có thể gọi đó là hành động khiêu khích bất hợp pháp, bạn không thể thay đổi ý định của họ. Họ đã phủ nhận phán quyết của Tòa trọng tài Thường trực quốc tế. Nhưng nếu có điều gì đó xảy ra ngoài sự xâm lấn chủ quyền, chẳng hạn như một cuộc tấn công vào tàu hải quân Philippines, khi đó tôi sẽ gọi cho Washington”, Ngoại trưởng Locsin nói.
Khi người dẫn chương trình nhấn mạnh về tình huống có thể buộc Philippines phải cầu cứu Mỹ, Ngoại trưởng Locsin từ chối đi vào chi tiết: “Tôi sẽ không thảo luận về điều đó vì bản chất của lý thuyết răn đe là sự không chắc chắn”, ông nói.
Kỳ trăng mật với Bắc Kinh đã kết thúc
Kể từ khi lên nắm quyền ở Philippines vào năm 2016, Tổng thống Duterte dành nhiều sự khen ngợi đối với Trung Quốc và tuyên bố ý định rời khỏi sự bảo hộ của Mỹ, đồng minh lâu năm của Manila.
Tổng thống Duterte nhiều lần nói rằng ông có thể gác lại chiến thắng của Philippines trong phán quyết của Tòa trọng tài Thường trực quốc tế liên quan đến vụ kiện chống lại Trung Quốc, để ủng hộ quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với Bắc Kinh.
Ông cũng thu hẹp các cuộc tập trận với Mỹ và tuyên bố có thể hủy bỏ Hiệp ước Phòng thủ chung. Thậm chí trong tháng 2, Tổng thống Duterte nói rằng sẽ rút khỏi Thỏa thuận lực lượng viếng thăm (VFA) với Mỹ. Nó được xem là thành phần quan trọng trong Hiệp ước phòng thủ chung.
Nhưng vào tháng 6, Tổng thống Duterte đã đình chỉ việc rút khỏi VFA. Ngoại trưởng Locsin nói VFA mang lại lợi ích cho Philippines. Ông Locsin nói: “Tôi rất kiên định về những gì là của chúng tôi, tôi kiên quyết không bao giờ quỳ gối trước Trung Quốc”.
Một quan chức cấp cao của Manila nói: "Với sự leo thang trong cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung, Philippines có nguy cơ bị cuốn vào xung đột. Rất khó để dự đoán tình hình sẽ diễn biến như thế nào, nhưng lợi ích chiến lược của chúng ta là đảm bảo sự tồn tại và phát triển của quốc gia".
Các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Philippines giảm mạnh dưới thời Tổng thống Duterte. Ảnh: Reuters. |
"Dù muốn hay không, chúng ta không thể đứng ngoài cuộc đối đầu quân sự nếu có giữa Mỹ và Trung Quốc. Philippines không có lựa chọn nào khác ngoài việc đứng về phía chúng ta (ngụ ý liên minh với Mỹ)", Lauro Baja, người từng hai lần giữ chức trưởng đại diện Philippines tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nói.
Dù giọng điệu của Manila đã khác với những năm trước, Philippines vẫn tìm cách cân bằng mối quan hệ với Trung Quốc. Bắc Kinh đã hứa ưu tiên cho Manila khi vaccine ngừa Covid-19 được sản xuất hàng loạt.
Đảng Cộng hòa mạnh tay với Trung Quốc
Đầu tháng này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có cuộc hội đàm với ngoại trưởng 10 nước Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trong đó, Ngoại trưởng Locsin và người đồng cấp Mỹ đã có cuộc thảo luận riêng về sự thay đổi gần đây trong chính sách của Washington đối với các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Mỹ bày tỏ sự ủng hộ đối với ASEAN, cũng như mở rộng các cơ hội hợp tác hàng hải giữa Mỹ và Philippines. Người dẫn chương trình của kênh ANC đã hỏi về cuộc hội đàm, nhưng Ngoại trưởng Locsin nói rằng “thời cơ chưa chín muồi để tiết lộ”.
Khi được hỏi về nhận xét của Ngoại trưởng Locsin, Aaron Jed Rabena, nhà nghiên cứu tại tổ chức Con đường Tiến bộ châu Á - Thái Bình Dương, cho biết Bắc Kinh có thể xem đó là tín hiệu của sự tiếp tục liên kết chiến lược giữa Manila và Washington.
Ngoại trưởng Locsin "trách móc" chính quyền cựu Tổng thống Obama quá nhún nhường với Trung Quốc. Ảnh: AP. |
Khi Ngoại trưởng Pompeo đến thăm Philippines vào tháng 3/2019, ông đã nói rằng “nếu Trung Quốc tấn công vũ trang vào bất kỳ thành viên nào trong lực lượng vũ trang, tàu hoặc máy bay của Philippines trên Biển Đông, Hiệp ước Phòng thủ chung sẽ được kích hoạt”.
Hiệp ước Phòng thủ chung được ký kết vào năm 1951. Nhưng dưới thời Tổng thống Barack Obama, Mỹ đã lùi bước trước cam kết.
"Chính quyền đảng Dân chủ của cựu Tổng thống Obama có xu hướng xoa dịu và họ đã cúi đầu trước Trung Quốc. Đó là lý do chúng tôi mất rạn san hô”, Ngoại trưởng Locsin nói, ám chỉ bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc chiếm của Philippines năm 2012.
Bãi cạn nằm cách đảo Luzon của Philippines 240 km về phía tây và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc tới 650 km. Đây là một trong những ngư trường phong phú nhất khu vực.
Ngược lại, Ngoại trưởng Locsin nói chính quyền đảng Cộng hòa của Tổng thống Donald Trump luôn tỏ ra quyết đoán về cam kết của Mỹ đối với độc lập và tự do của các nước.
Ông nói rằng chính quyền Tổng thống Trump đã xoay trục sang châu Á để khẳng định những quyền cơ bản như tự do hàng hải, độc lập và chủ quyền của các quốc gia, chống lại yêu sách phi lý của Trung Quốc.
Một quan chức cấp cao trong chính quyền Philippines (đề nghị giấu tên), cho biết đây là một phần của việc điều chỉnh lại chính sách đối ngoại, làm cho nó trở nên độc lập hơn. Về tổng thể nó vẫn theo đường lối cũ nhằm duy trì quan hệ hữu nghị và hợp tác với Trung Quốc, nhưng có thể đảo ngược bất kỳ lúc nào có sự cố liên quan đến chủ quyền Philippines.
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines trở nên phức tạp khi Bộ Ngoại giao Philippines gửi công hàm phản đối lần thứ 57, về việc Trung Quốc tịch thu ngư cụ của ngư dân Philippines gần bãi cạn Scarborough.