"Cái gọi là quyền lịch sử của họ trong khu vực bao trùm bởi đường 9 đoạn không hề tồn tại, ngoại trừ trong trí tưởng tượng của chính họ", Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đêm 23/8 trả lời báo chí.
Căng thẳng Manila - Bắc Kinh về bãi cạn Scarborough leo thang trở lại sau khi tàu hải cảnh Trung Quốc bắt giữ một tàu cá Philippines gần khu vực và tịch thu trang thiết bị. Bộ Ngoại giao Philippines tuần qua đã gửi công hàm phản đối hành động "tịch thu bất hợp pháp" của tàu hải cảnh Trung Quốc.
Tàu tuần duyên Philippines BRP Langgam hoạt động song song với tàu hải cảnh Trung Quốc gần bãi cạn Scarborough vào tháng 5/2019. Ảnh: AFP. |
Bãi cạn Scarborough bị Trung Quốc chiếm đóng từ năm 2012 sau giai đoạn đối đầu căng thẳng. Đây là một trong những ngư trường có lượng cá dồi dào nhất vùng, cách đảo chính Luzon của Philippines khoảng 240 km về phía tây. Trong khi đó, điểm đất liền gần nhất của Trung Quốc trên đảo Hải Nam cách bãi cạn đến 650 km.
"Tàu và máy bay chúng tôi thực hiện tuần tra cũng ở trong khu vực. Họ mới là phía khiêu khích thời gian qua bằng cách chiếm đóng bất hợp pháp một số thực thể trong EEZ của chúng tôi. Vì vậy họ không có quyền tuyên bố đang thực thi luật pháp của mình", ông Lorenzana tuyên bố.
Đáp lại công hàm phản đối của Manila về vụ tịch thu thiết bị tàu cá Philippines, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 21/8 biện hộ tàu hải cảnh nước này chỉ tiến hành hoạt động chấp pháp và "có thể hiểu được hành động của họ".
Bắc Kinh cáo buộc máy bay quân sự Philippines tiến vào không phận Trung Quốc ở một vùng biển khác, theo AFP.
Người phát ngôn của Tổng thống Rodrigo Duterte, ông Harry Roque, ngày 21/8 vẫn nói giảm về mức độ nghiêm trọng của vụ việc. Ông cho biết các nhà ngoại giao Philippines thường xuyên gửi công hàm phản đối nếu nhận thấy quyền chủ quyền Philippines bị xâm phạm.
"Tuy nhiên, điều này sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ tổng thể tốt đẹp giữa nước ta và Trung Quốc", ông nói.