Trong những ngày đầu nhiệm kỳ, Tổng thống Rodrigo Duterte đã xoay chuyển chính sách đối ngoại vốn được duy trì nhiều thập kỷ của Philippines. Ông cố tách quốc gia Đông Nam Á này khỏi đồng minh lâu năm nhất là Mỹ, để chuyển hướng chiến lược về phía Trung Quốc.
Khi đó, các quan chức Trung Quốc và Philippines hết lời tán dương quan hệ song phương đang đi vào cái mà họ miêu tả là một "giai đoạn hoàng kim". Thế nhưng, sau 4 năm ngắn ngủi, "giai đoạn hoàng kim" đang tới hồi kết, South China Morning Post dẫn lời các nhà quan sát nhận định.
Tín hiệu từ Manila
Các hoạt động quân sự ngày càng hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông, những lời hứa đầu tư không bao giờ được thực hiện, cũng với tâm lý giận dữ của người Philippines với cách Trung Quốc xử lý đại dịch Covid-19, đã buộc chính quyền Tổng thống Duterte xem xét lại mối quan hệ.
Tháng 6 vừa qua, Philippines đã đảo ngược quyết định hủy bỏ một thỏa thuận về hợp tác quân sự với Mỹ trước đó.
Tàu cá Philippines bị tàu Trung Quốc đâm chìm trên Biển Đông. Ảnh: Philstar. |
Trong động thái mạnh mẽ chưa từng có kể từ năm 2016, Philippines hôm 12/7 đã kỷ niệm 4 năm ngày Tòa Trọng tài ra phán quyết trong vụ kiện Biển Đông. Manila tái khẳng định chiến thắng pháp lý, gọi phán quyết năm 2016 là "không thể đàm phán" và kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ phán quyết này một cách "thiện chí".
Trong phán quyết năm 2016, Tòa Trọng tài đứng về phía Philippines khi bác bỏ yêu sách phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Mặc dù vậy, Bắc Kinh tuyên bố không công nhận thẩm quyền của Tòa Trọng tài và không chấp nhận phán quyết.
Các chuyên gia nhận định thông cáo hôm 12/7 là bước ngoặt bất ngờ nhất của chính quyền Tổng thống Duterte, người nổi tiếng với những phát biểu chống Mỹ. Ông Duterte trước đó đã cam kết sẽ "chia tách" khỏi nước Mỹ, gạt chiến thắng tại Tòa Trọng tài sang một bên để đổi lấy các khoản đầu tư từ Trung Quốc, thúc đẩy nền kinh tế Philippines.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana hôm 14/7 nhắc lại lời kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết năm 2016. Trước đó một ngày, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông là phi pháp.
Trong thông điệp đưa ra hôm 14/7, Bộ trưởng Lorenzana khẳng định Manila "kiên quyết nhất trí với lập trường của cộng đồng quốc tế, rằng cần có một trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông".
Bốn năm không nhiều thành quả
Giới chuyên gia nhận định những dấu hiệu gần đây cho thấy Manila đang thay đổi cách tiếp cận và từ bỏ chính sách làm hài lòng Trung Quốc "một cách vô điều kiện".
"(Người Philippines) ngày càng nhận ra, ngay cả đối với Tổng thống Duterte, những nỗ lực tìm kiếm thiện chí của Bắc Kinh đã không được đáp lại", Renato Cruz De Castro, giáo sư quan hệ quốc tế từ Đại học De La Salle ở thủ đô Manila, đánh giá.
Tổng thống Duterte đã 6 lần tới thăm Trung Quốc nhằm đạt được lời hứa của Bắc Kinh tài trợ hàng loạt dự án xây dựng trong chương trình dấu ấn nhiệm kỳ có tên "Xây dựng, Xây dựng, Xây dựng".
Nhưng khi nhiệm kỳ của ông Duterte đang dần tới hồi kết, Manila vẫn chưa thu được nhiều kết quả để minh chứng cho hiệu quả của chính sách xoay trục sang Bắc Kinh. Đa phần các khoản viện trợ tài chính của Trung Quốc vẫn chưa được giải ngân, nhiều dự án xây dựng vẫn chỉ nằm trên giấy.
Tổng thống Duterte đã 6 lần thăm Trung Quốc trong nhiệm kỳ. Ảnh: Philstar. |
Trong khi đó, nhiều người Philippines tin rằng Trung Quốc đang tiếp tục mở rộng xâm lấn trên Biển Đông. Hồi tháng 2, một tàu Hải quân Trung Quốc đã chĩa radar vũ khí vào một tàu tuần tra của Hải quân Philippines.
Ông De Castro nhận định các diễn biến gần đây cho thấy "chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông vẫn tiếp tục được triển khai như chưa hề có thay đổi".
"Họ đang nhận ra rằng Trung Quốc không hề thực hiện phần việc của mình trong cuộc ngã giá. Vậy thì còn ý nghĩa gì để tiếp tục chính sách nhân nhượng", ông De Castro nói.
Tâm lý hoài nghi đối với Trung Quốc ngày càng sâu sắc ở Philippines khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Các nhà quan sát cho rằng công chúng tại quốc gia Đông Nam Á đã phản ứng dữ dội chống lại cách tiếp cận quá mức thân thiết đối với Trung Quốc từ phía Tổng thống Duterte.
Việc Manila chậm trễ áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại đối với du khách từ Trung Quốc đã làm dấy lên những câu hỏi về chính sách từ phía các thiết chế chính trị, vốn từ lâu đã có ác cảm với Bắc Kinh.
Tháng 4 vừa qua, Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila đã vấp phải sự phản đối và chế giễu rộng rãi khi đăng tải một video âm nhạc với tên gọi "Một đại dương". Bài hát này có nội dung kỷ niệm quan hệ song phương cũng như cuộc chiến chung chống đại dịch Covid-19.
Thế nhưng, công chúng Philippines coi bài hát này là một âm mưu tẩy trắng cho các hoạt động hung hăng phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Đoạn video đã nhận hàng nghìn lượt "dislike".
Hồi đầu tháng 7, một cuộc thăm dò do tổ chức khảo sát độc lập có tên Social Weather Stations tiến hành cho thấy Trung Quốc là quốc gia bị nghi ngờ nhất ở Philippines.
Cân bằng quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc
Rommel Banlaoi, Phó chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Trung Quốc của Philippines, cho rằng Trung Quốc cần "xoa dịu nỗi sợ hãi" của người Philippines trước ý định quân sự của Bắc Kinh ở các vùng biển trong khu vực.
"Philippines có xu hướng ngả trở lại về phía Mỹ khi họ cảm thấy lợi ích an ninh bị đe dọa bởi các hành động hung hăng ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông", ông Banlaoi nói.
Tuy nhiên, ông Zhang Mingliang, giáo sư về Biển Đông tại Đại học Tế Nam, Quảng Châu, cho rằng Philippines chưa bao giờ từ bỏ quan hệ đồng minh hiệp ước với Mỹ, ngay cả dưới thời Duterte.
"Bất chấp Duterte được miêu tả là người thân thiện hơn với Trung Quốc, dưới nhiệm kỳ của ông ấy, Mỹ đã gia tăng hỗ trợ và hợp tác quốc phòng với Philippines", giáo sư Mingliang nói.
Hai tàu sân bay USS Nitmitz và USS Theodore Rooservel trên vùng biển ngoài khơi Philippines hồi tháng 6. Ảnh: AFP. |
Trong khi đó, hai chuyên gia De Castro và Banlaoi cho rằng Philippines, sẽ tiếp tục phải đi trên sợi dây mong manh giữa Mỹ và Trung Quốc, khi sự đối đầu giữa hai cường quốc ngày càng khốc liệt.
"Chính phủ Philippines sẽ tiếp tục củng cố liên minh quân sự với Mỹ, nhưng Mỹ không thể can thiệp vào chính sách của chúng tôi. Và Philippines vẫn muốn duy trì quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc", ông Banlaoi nói.