Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Cuộc chiến khốc liệt trong gia tộc tỷ phú bí ẩn nhất nước Anh

Nhà Barclay, một trong những gia tộc quyền lực và bí ẩn nhất nước Anh, rơi vào cuộc chiến pháp lý đình đám xung quanh bê bối nghe lén và tranh giành tài sản.

Nhà Barclay, một trong những gia tộc quyền lực và bí ẩn nhất nước Anh, rơi vào cuộc chiến pháp lý đình đám xung quanh bê bối nghe lén và tranh giành tài sản.

30 năm trước, hai người đàn ông giàu nhất nước Anh, cặp sinh đôi tỷ phú Frederick và David Barclay, hội ngộ trên du thuyền siêu sang có tên Lady Beatrice, cùng nhau phân chia đế chế tỷ USD của mình cho con cháu.

Thỏa thuận tỷ USD được ký ngoài khơi công quốc Monaco năm nào, giờ đây đang đẩy một trong những gia tộc bí ẩn và quyền lực nhất nước Anh vào cuộc chiến pháp lý đình đàm, với bê bối về gián điệp, tranh cãi về quyền bán khách sạn Ritz nổi tiếng ở thủ đô London, cũng như dấu chấm hết cho mối quan hệ tưởng chừng không thể chia cắt của cặp song sinh từng đạt tới đỉnh cao danh vọng từ hai bàn tay trắng.


Cặp sinh đôi 85 tuổi của gia tộc Barclay nổi tiếng nhờ sở hữu khách sạn Ritz và tờ Telegraph, tờ báo đầy ảnh hưởng tại Anh, nơi đương kim Thủ tướng Boris Johnson từng làm việc. Tài sản của anh em nhà Barclay, theo tính toán của The Sunday Times Rich List, vào khoảng 8,8 tỷ USD, phần lớn nằm ngoài tầm mắt của công chúng.

Trong nhiều năm, hai anh em nhà Barclay sinh sống ở lâu đài trên một hòn đảo nhỏ ngoài khơi nước Anh, công việc kinh doanh của gia tộc Barclay được vận hành thông qua mạng lưới phức tạp các công ty con, trong đó nhiều thực thể nằm ở các thiên đường thuế nước ngoài.

Đổ vỡ giữa gia đình hai anh em song sinh nhà Barclay chỉ được công chúng biết tới khi tỷ phú Frederick và con gái Amanda khởi kiện 3 người con của ông David, cùng hai giám đốc điều hành các công ty thuộc sở hữu của gia tộc, với cáo buộc sử dụng trái phép thông tin cá nhân, phá vỡ cam kết giữ bí mật và vi phạm quy định của luật pháp Anh về bảo vệ dữ liệu.

Tỷ phú Frederick Barclay có lẽ là người hối tiếc nhất khi đồng ý ký vào thỏa thuận phân chia tài sản, văn kiện khiến con gái ông chỉ được thừa hưởng phần nhỏ trong gia tài kếch xù của gia tộc, một nguồn tin thân cận với nhà Barclay tiết lộ.

"Frederick đặt niềm tin lớn vào hai người cháu trai trong điều hành đế chế kinh doanh mà ông và em song sinh xây dựng nên. Ông ấy chứng kiến sự phản bội bởi các cháu ruột, và con gái bị đối xử với định kiến bởi chính những người anh em họ", Hefin Rees, luật sư của tỷ phú Frederick, nói trước tòa.

Ngược lại, gia đình David Barclay cáo buộc tỷ phú Frederick cố gắng can thiệp vào công việc kinh doanh mà ông này cam kết rút lui nhiều năm trước. Tình hình trở nên tồi tệ hơn khi nhà David lắp thiết bị ghi âm tại khách sạn Ritz để nghe lén các cuộc thảo luận giữa tỷ phú Frederick và con gái.

Ba người con của tỷ phú David là Aidan, Howard, Alistair, cùng các bị cáo khác, thừa nhận đã phá vỡ cam kết bảo mật và sử dụng trái phép thông tin đời tư. Tuy nhiên, những người này bác bỏ các cáo buộc khác, khẳng định không gây ra bất cứ thiệt hại kinh tế nào cho gia đình tỷ phú Frederick.

Các bị cáo cho rằng ông Frederick đã không tham gia trực tiếp vào công việc kinh doanh trong 30 năm qua nhưng lại có những cuộc trò chuyện với thông tin nhạy cảm, có nguy cơ làm tổn hại tới công việc kinh doanh của gia tộc.

be boi gia toc ty phu Barclay anh 1
be boi gia toc ty phu Barclay anh 1

David và Frederick sinh ra tại London trong gia đình với người cha sở hữu một cửa hàng bánh ngọt. Hai anh em phải sơ tán về nông thôn khi Đức Quốc xã đánh bom miền Nam nước Anh trong Thế chiến II. Cha của cặp song sinh qua đời khi cả hai còn nhỏ, do di chứng từ chiến tranh sinh học trong Thế chiến I ở châu Âu.

Vào năm 16 tuổi, hai anh em nhà Barclay bỏ học đi làm thợ sơn. Vài năm sau, hai anh em tích lũy đủ tiền để mua một số ngôi nhà giá rẻ, và cuối cùng biến chúng thành khách sạn.

David và Frederick thâu tóm các khách sạn và nhanh chóng đa dạng hóa hoạt động kinh doanh, mở ra thời kỳ mua bán đủ loại tài sản kéo dài hàng chục năm của gia tộc do chính mình gây dựng nên. Những doanh nhân từng làm ăn với anh em nhà Barclay cho biết David và Frederick là cặp đôi đàm phán rắn tay, mỗi người có một phong cách đặc trưng và bổ khuyết ăn ý với nhau.

Năm 1993, cặp đôi mua một hợp đồng thuê đất tại đảo Brecqhou, hòn đảo rộng 300km2 thuộc quần đảo Channel, ngoài khơi nước Anh. Tại đây, hai anh em nhà Barclay xây dựng một lâu đài lớn và đặt tên là Pháo đài Brecqhou.

Hai năm sau đó, anh em nhà Barclay mua lại khách sạn Ritz ở thủ đô London. Bước đi này đã đưa cặp song sinh với khối tài sản kếch xù bước vào tầng lớp cao nhất trong xã hội Anh. David và Frederick được phong tước hiệp sĩ bởi Nữ hoàng Anh vào năm 2000.

Sau khi sở hữu khối tài sản khổng lồ, gia tộc Barclay chuyển hướng sang giới truyền thông và thu mua hàng loạt tờ báo. Tới năm 2004, anh em nhà Barclay thâu tóm thành công nhật báo Telegraph, một trong những ấn phẩm nổi tiếng nhất trong giới bảo thủ tại Anh.

"Hai người đàn ông có nhiều điểm chung, kể cả quan điểm chính trị, cả hai tôn thờ chủ nghĩa cá nhân và thị trường tự do của Margaret Thatcher, cựu thủ tướng Anh từng được mệnh danh là Bông hồng thép đã qua đời khi làm khách của nhà Barclay tại khách sạn Ritz", Wall Street Journal bình luận.

Nhưng đồng thời, hai tỷ phú song sinh cũng có những sở thích rất riêng. Trong khi tỷ phú Frederick yêu thích khiêu vũ trong những khán phòng lộng lẫy, người em trai lại chú tâm vào tôn giáo và hứng thú với các cuộc thảo luận về thần học.

Hai anh em nhà Barclay và các con cháu thường nghỉ lễ cùng nhau, tại Pháo đài Brecqhou, hoặc ở một loạt bất động sản mà gia tộc này sở hữu tại Thụy Sĩ, Monaco, London.

Những người đàn ông của gia tộc Barclay cũng có thói quen tụ họp trong phòng hút xì gà ở khách sạn Ritz, nơi họ cùng thảo luận công việc kinh doanh.

Năm 2004, một đoàn chính trị gia thuộc đảo Sark, hòn đảo gần với đảo Brecqhou, tới thăm hòn đảo nơi gia tộc Barclay đặt pháo đài của mình.

Cặp song sinh tỷ phú khi đó đang mua các tài sản trên đảo Sark, khiến nhiều chính trị gia, trong đó có doanh nhân Paul Armorgie, lo ngại nhà Barclay sẽ thay đổi hiến pháp của đảo Sark, chế độ phong kiến cuối cùng ở châu Âu. Arrmorgie và đồng minh kiên quyết phản đối các đề xuất sửa đổi hiến pháp đảo Sark của gia tộc Barclay.

"Tôi nhớ lúc đó giống như phải nói chuyện với một sinh vật hai đầu, một người bắt đầu cuộc đàm phán, người kia kết thúc các vấn đề. Họ rất ăn ý nhau", ông Armorgie nói.

Dù tìm mọi cách bảo vệ bí mật đời tư ở nước Anh, cặp đôi tỷ phú quyền lực vẫn mở rộng cửa đón tiếp các chính trị gia máu mặt, trong đó có Michael Howard, người khi đó là lãnh đạo đảng Bảo thủ.

"Công chúng hẳn sẽ rất ngạc nhiên về mối quan hệ của họ. Theo tôi biết thì họ cực kỳ thân thiết", ông Howard nói.

Mối quan hệ tưởng chừng không gì có thể phá vỡ giữa cặp tỷ phú song sinh đi tới bước ngoặt, khi anh em nhà Barclay đồng ý ký kết thỏa thuận phân chia tài sản.

Các nguồn tin thân cận với gia đình Barclay tiết lộ tỷ phú Frederick đã luôn tiếc kể từ khi đồng ý với đề nghị của người em trai David. Thay vì tiến hành đơn giản theo công thức 50-50, tỷ phú người Anh chấp nhận phân chia theo hình thức, lợi nhuận từ công việc kinh doanh của gia tộc sẽ được chia cho 3 người con của người em trai David và con gái của ông là Amanda, mỗi người nhận 25%.

David khi đó cho rằng tỷ lệ 75% nghiêng về các con của ông là hợp lý, bởi gia đình ông có nhiều con cháu hơn, và thực tế là khi đó người con cả Aidan đã tiếp quản việc điều hành công việc kinh doanh của gia tộc. Amanda, con gái của Frederick, chỉ mới 11 tuổi khi thỏa thuận phân chia tài sản được hai tỷ phú thống nhất.

Trước tình cảnh người em trai bệnh nặng, Frederick đã mềm lòng và đồng ý với thỏa thuận phân chia tài sản. Năm 2012, trong bản khai liên quan tới tiến trình pháp lý về quyền sở hữu khách sạn London, tỷ phú Frederick cho biết người em trai "bị bệnh nặng trong một thời gian với chứng đau thắt ngực".

be boi gia toc ty phu Barclay anh 2
be boi gia toc ty phu Barclay anh 2

Một nguồn tin cho biết đôi khi tỷ phú Frederick nhắc lại về thỏa thuận phân chia tài sản như một trong những sai lầm lớn nhất cuộc đời.

Khoảng 4 năm trước, xung đột trong gia tộc ngày càng gay gắt khi gia đình tỷ phú David đề nghị phân chia lại quyền sở hữu miếng bánh kinh doanh của gia tộc. Tỷ phú Frederick và con gái, trong khi đó, ngày một lo ngại vì lợi nhuận trên đà giảm tại trong nhiều lĩnh vực kinh doanh của gia tộc Barclay.

Vài năm qua, một số lĩnh vực kinh doanh của gia tộc Barclay chao đảo. Tại Shop Direct, doanh nghiệp thương mại điện tử, lợi nhuận lao dốc không phanh. Mặc dù vậy, người phát ngôn của Shop Direct cho biết những kết quả kinh doanh mới đây cho thấy doanh nghiệp này đang "đứng vững" trước đại dịch Covid-19.

Trong khi đó, công ty vận tải cung ứng và giao nhận hàng hóa của gia tộc Barclay có tên Yodel ghi nhận khoản thua lỗ 145 triệu USD trong năm 2018. Công ty này phải tiếp nhận 115 triệu USD hỗ trợ từ doanh nghiệp khác thuộc gia tộc Barclay để đối phó với cái được miêu tả là "môi trường bán lẻ đầy thách thức".

Trong bối cảnh ngành báo chí hứng chịu những thiệt hại lớn về doanh thu, nhật báo Telegraph cũng không ngoại lệ. Công ty quản lý tờ Telegraph cho biết chỉ thu được 1 triệu USD lợi nhuận trong năm 2018, so với khoản lợi nhuận 43 triệu USD của năm 2015.

Một trong những tài sản mang lại lợi nhuận bền vững nhất cho nhà Barclay là khách sạn Ritz danh tiếng bậc nhất tại Anh. Khách sạn khai trương năm 1906 và nhanh chóng trở thành nơi tụ họp của giới lãnh đạo chính trị, các ngôi sao giải trí như Charlie Chaplin và Noel Coward.

Trong thông cáo đưa ra hồi tháng 2, tỷ phú Frederick cho biết khách sạn Ritz là một trong những niềm tự hào của cuộc đời ông. Theo một nguồn tin thân cận với gia đình Barclay, Frederick thường ngủ trong căn phòng siêu sang yêu thích của ông tại tầng 3 của khách sạn.

Trong những năm qua, tỷ phú Frederick ngày càng lo lắng về tương lai của người con gái Amanda sau khi ông qua đời.

Tỷ phú này tìm cách giúp con gái tham gia nhiều hơn vào công việc kinh doanh của gia đình. Năm nay ở tuổi 42, Amanda cho biết bà cảm thấy bị phe cánh gia đình người chú David cô lập, bản thân bà có quan hệ tồi tệ với người anh họ Aidan.

Aidan, con trai cả của tỷ phú David, từ lâu được những người từng cộng tác với gia đình Barclay miêu tả là nhà quản lý đầy năng lực. Khi còn nhỏ, Aidan đã có kết quả dẫn đầu tại trường trung học tư thục ở thủ đô London nơi tất cả con cháu nhà Barclay theo học.

Aidan được miêu tả là có quan hệ gần gũi với cả người cha David và người bác Frederick, luôn chăm chỉ và làm việc nhiều giờ đồng hồ ngay từ khi còn trai trẻ. Năm nay đã 64 tuổi, Aidan là người đứng mũi chịu sào khi các tiền bối đã lớn tuổi và dần buông tay khỏi công việc kinh doanh.

Một nguồn tin cho biết Aidan có hứng thú đặc biệt với tờ Telegraph, ông thường trò chuyện qua điện thoại với các biên tập viên của tờ báo, chủ đề là những câu chuyện sẽ được tờ nhật báo đăng tải.

Vào tháng 6/2019, Amanda lúc đó đang đảm nhận vị trí giám đốc tại một số công ty có liên quan tới khách sạn Ritz. Khi khách sạn Ritz bị rao bán cuối năm 2019, tỷ phú Frederick lập tức can thiệp. Người tỷ phú anh trai cho biết ông nhận được vài đề nghị hấp dẫn từ những người mua tiềm năng.

Gia đình người em trai David chỉ trích những cuộc đàm phán riêng của tỷ phú Frederick với các đối tác. "Ông ấy đôi lần thảo luận không chính thức với các bên thứ ba về những vấn đề kinh doanh nhạy cảm liên quan tới tập đoàn", Ellerman, công ty mẹ của gia tộc Barclay, tuyên bố.

Theo hình ảnh camera an ninh do luật sư của tỷ phú Frederick cung cấp, con trai út của tỷ phú David là Alistair đã có mặt tại nhà kính mái vòng tại khách sạn Ritz hôm 13/1. Đây là địa điểm yêu thích nơi ông Frederick hút xì gà. Alistair dường như đã thay thế thẻ nhớ điện tử của một thiết bị ghi âm được gắn vào ổ điện.

Trong vòng 2 tháng, con bọ đã nghe lén những cuộc trò chuyện, trong đó có các vấn đề thương mại nhạy cảm và thông tin riêng tư, giữa Frederick và con gái Amanda, hồ sơ khởi kiện của tỷ phú Frederick cho biết.

Các đoạn ghi âm, được Alistair và người anh trai Aidan gọi là "những tập tin âm thanh" trong trao đổi tin nhắn qua WhatsApp, chứa hơn 1.000 đoạn hội thoại dài 94 giờ đồng hồ, các luật sư của tỷ phú Frederick tiết lộ.

Alistar lưu trữ bản sao một số đoạn ghi âm trong máy tính xách tay, tài liệu biện hộ của các bị cáo cho biết. Con trai út của tỷ phú David sau đó đã phá hủy chiếc máy tính này, trước khi giao phần còn lại của chiếc máy cho người giúp việc, người này sau đó vứt chiếc máy và thiết bị ghi âm trong thùng rác.

Khi nghi ngờ bị nghe lén, tỷ phú Frederick đã đến gặp bộ phận an ninh của khách sạn Ritz, nơi đã cấp phép cho việc lắp đặt camera an ninh.

Theo hồ sơ pháp lý phía tỷ phú Frederick gửi tới tòa án, một trong các nội dung được thiết bị nghe lén ghi lại là các cuộc thảo luận liên quan tới đấu giá khách sạn Ritz. Tỷ phú Frederick cho biết những đề nghị đấu giá này đã được ông chuyển tới các cháu trai, nhưng bị phớt lờ.

Hồi tháng 3, khi đại dịch Covid-19 khiến hàng loạt khách sạn khắp thế giới phải đóng cửa, công ty Ellerman, đại diện của gia tộc Barclay sở hữu khách sạn Ritz, cho biết đã bán khách sạn này. Người mua và giá bán không được tiết lộ.

Một nguồn tin thân cận với vụ việc cho biết một thương nhân Qatar có tên Abdulhadi Mana Al-Hajri, có liên quan tới gia đình hoàng gia, đã mua lại khách sạn Ritz với giá khoảng 800 triệu USD, chỉ bằng khoảng 50% giá thị trường. Tuy nhiên, độ khả tín của thông tin này chưa thể xác nhận, do cả khách sạn Ritz và thương nhân Abdulhadi Mana Al-Hajri đều không phản hồi đề nghị bình luận về vụ việc.

Duy Anh

Đồ họa: Hà My

Bạn có thể quan tâm