Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 30/1 đã bắt đầu chuyến thăm chính thức kéo dài 3 ngày ở khu vực Trung Đông với mục tiêu củng cố mối quan hệ với chính quyền của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và hạ nhiệt căng thẳng giữa Palestine và Israel. Ảnh: Anadolu Agency. |
Sau khi tới Ai Cập, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cùng ngày 30/1 sẽ di chuyển đến thành phố Jerusalem để gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Theo Guardian, tới hôm 31/1, vị ngoại trưởng Mỹ sẽ tới thành phố Ramallah để gặp nhà lãnh đạo Palestine Mahmud Abbas.
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken đã được lên kế hoạch từ trước với mục tiêu xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với chính phủ cánh hữu mới của Israel. Tuy nhiên, tầm quan trọng của chuyến thăm đã được nâng lên mức độ mới do tình trạng bạo lực gia tăng tại Israel.
Hôm 26/1, 10 người đã thiệt mạng trong cuộc đột kích của quân đội Israel vào một trại tị nạn ở thành phố Jenin. Đây là cuộc đột kích có thương vong lớn nhất trong nhiều năm qua.
Chính quyền Israel cho biết mục đích của cuộc đột kích hôm 26/1 là để loại bỏ các phần tử Hồi giáo cực đoan.
Đáp trả lại vụ tấn công của Israel, một người Palestine hôm 27/1 đã xả súng vào đám đông đang tụ tập trước hội đường Do Thái ở phía Đông thành phố Jerusalem, khiến 8 người thiệt mạng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel đã lên án các vụ tấn công trên, đồng thời cho biết chuyến đi tới Trung Đông của Ngoại trưởng Blinken sẽ có mục tiêu "kêu gọi các bên liên quan có biện pháp nhằm giảm leo thang căng thẳng".
Những vụ tấn công gần đây giữa Israel và Palestine nhiều khả năng cũng nằm trong nội dung cuộc gặp ngày 30/1 giữa Ngoại trưởng Blinken và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi.
Ai Cập trong nhiều năm qua đã đóng vai trò bên hòa giải cho những căng thẳng và xung đột ở khu vực Trung Đông.
Giới chuyên gia nghi ngờ việc chuyến thăm của ông Blinken có thể tạo ra bước đột phá trong việc hạ nhiệt căng thẳng giữa Israel và Palestine.
"Điều tốt nhất mà phái đoàn của ông Blinken có thể làm là ngăn chặn cuộc xung đột quân sự quy mô lớn giống như vụ việc xảy ra vào tháng 5/2021", ông Aaron David Miller, nhà đàm phán kỳ cựu của chính phủ Mỹ, cho biết.
Vấn đề Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này…
>>Độc giả có thể đọc thêm tại đây.