Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngoại trưởng Malaysia: ‘Đường lưỡi bò’ của Trung Quốc là nực cười

Malaysia đang thể hiện lập trường cứng rắn trước Trung Quốc trong tranh chấp trên biển, lên án cái gọi là “đường chín đoạn” của Bắc Kinh.

Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah tối 20/12 nói Kuala Lumpur có “quyền chủ quyền đối với mọi nơi nằm trong vùng biển của chúng tôi”.

“Việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên toàn Biển Đông là nực cười”, ông Saifuddin trả lời câu hỏi của đài Al Jazeera về quyết định của Malaysia vào tuần trước, đưa vụ việc lên Liên Hợp Quốc.

“Đó là tuyên bố chủ quyền mà chúng tôi đưa ra, và chúng tôi sẽ bảo vệ tuyên bố của mình. Nhưng tất nhiên, tôi đã nói rồi, ai cũng được phép tranh luận, không có gì là lạ”.

Duong 9 doan bi bac bo anh 1
“Việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên toàn Biển Đông là nực cười”, Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah nói. Ảnh: AFP.

Ngày 12/12, Malaysia chính thức đệ trình lên Liên Hợp Quốc yêu cầu thiết lập giới hạn thềm lục địa của nước này trên Biển Đông.

Động thái này khiến Trung Quốc tức giận. Bắc Kinh tuyên bố có quyền lịch sử trên Biển Đông và đổ lỗi cho Mỹ đã làm gia tăng căng thẳng.

Phản ứng lại, Đô đốc John Aquilino, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, cáo buộc Trung Quốc “bắt nạt” các nước láng giềng Đông Nam Á.

Malaysia và Trung Quốc đều ký Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1992, luật hóa quyền và nghĩa vụ của các nước trong việc sử dụng biển.

Theo Công ước, mọi quốc gia đều có thể tuyên bố Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) cách bờ biển của họ 200 hải lý. Ngoài ranh giới đó là biển cả (high sea), chung cho mọi quốc gia.

Dựa vào UNCLOS, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan năm 2016 bác bỏ yêu sách chủ quyền dựa vào “đường 9 đoạn” (còn gọi là "đường lưỡi bò") của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, Trung Quốc không công nhận phán quyết ở The Hague, và kể từ đó tiếp tục quân sự hóa đảo nhân tạo, xây đường băng và lắp đặt hệ thống tên lửa.

Ngoài Malaysia, Việt Nam và Philippines cũng bác bỏ cái gọi là “đường 9 đoạn” của Trung Quốc.

Khi được hỏi động thái mới nhất của Malaysia có củng cố nỗ lực của ASEAN nhằm thúc đẩy Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hay không, Ngoại trưởng Saifuddin trả lời: “Chắc chắn sẽ có tranh luận”.

Duong 9 doan bi bac bo anh 2
10 năm nay, Trung Quốc là bạn hàng lớn nhất của Malaysia. Ảnh: AFP.

Tháng 8, ông Saifuddin nói ông “rất lạc quan” rằng ASEAN và Trung Quốc có thể đạt thỏa thuận trong vòng ba năm hoặc sớm hơn, nhằm giảm căng thẳng, theo Bloomberg.

Tháng 9, ông Saifuddin cũng gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị nhằm thiết lập “cơ chế tham vấn song phương trong các vấn đề biển”. Thỏa thuận này được ông gọi là “kênh đối thoại và hợp tác mới”.

Trung Quốc đã muốn các thỏa thuận về tranh chấp trên biển diễn ra song phương, thay vì đàm phán với cả khối ASEAN, theo Al Jazeera.

Tháng 10, ông Saifuddin nói trước Quốc hội Malaysia rằng nước này cần được “nâng cấp” để “kiểm soát tốt hơn vùng biển nếu có xung đột giữa các cường quốc ở Biển Đông”.

10 năm nay, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia. Năm 2018, thương mại song phương ước đạt 76,6 tỷ USD, chiếm 16,7% tổng thương mại Malaysia, theo bộ thương mại nước này.

Tàu sân bay mới của Trung Quốc có thể đối đầu các nước ở Biển Đông

Truyền thông nhà nước Trung Quốc cảnh báo về những va chạm trực diện có thể xảy ra liên quan đến hoạt động tự do hàng hải của các nước khác, bao gồm Mỹ.

Quốc hội Mỹ ra lệnh điều tra TQ dùng vệ tinh Mỹ giám sát Biển Đông

Quốc hội Mỹ vừa ra lệnh cho Bộ Thương mại nước này điều tra lỗ hổng pháp lý cho phép Trung Quốc sử dụng các vệ tinh của Mỹ để hỗ trợ quân đội ở Biển Đông.

Trọng Thuấn

Bạn có thể quan tâm