Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngoại giao văn hóa góp phần xây dựng thông điệp quốc gia Việt Nam

Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Sanh Châu khẳng định chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2020 tạo sự lan tỏa và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của ngoại giao văn hóa.

Zing.vn xin giới thiệu bài phỏng vấn của Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Sanh Châu về tầm quan trọng của ngoại giao văn hóa và Chiến lược về Ngoại giao Văn hóa đến năm 2020. Ngày 24/7, ông Châu được bổ nhiệm chức vụ Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Cộng hòa Ấn Độ kiêm nhiệm Cộng hòa Dân chủ Liên bang Nepal và Vương quốc Bhutan.

- Ngoại giao văn hóa được coi là một trụ cột của nền ngoại giao toàn diện Việt Nam, xin trợ lý bộ trưởng cho biết trọng tâm của công tác này trong thời gian tới?

- Ông Phạm Sanh Châu: Năm 2011, Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2020 được Thủ tướng chính phủ ban hành đề ra các định hướng, trọng tâm cụ thể làm nền tảng giúp công tác ngoại giao văn hóa trong thời gian qua đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.

Hiện nay Bộ Ngoại giao đã bước đầu chuẩn bị tổng kết, đánh giá biện pháp, cách làm nào tốt để phát huy, cách làm nào chưa phù hợp để điều chỉnh hoặc loại bỏ, từ đó tiến tới bổ sung cho Chiến lược trong giai đoạn sau 2020.

Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối với ngành ngoại giao, nhiệm vụ chính của ngoại giao văn hóa trong thời gian tới cũng sẽ nằm trong nhiệm vụ tổng thể của cả Ngành ngoại giao, đó là phục vụ đắc lực cho mục tiêu phát triển của đất nước. Để thực hiện được nhiệm vụ này, ngoại giao văn hóa sẽ tập trung vào 5 nội dung sau:

Một là, xây dựng kế hoạch ngoại giao văn hóa gắn kết chặt chẽ hơn nữa với các mục tiêu đối ngoại, yêu cầu chính trị, phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa; tiếp tục đẩy mạnh việc đưa nội hàm ngoại giao văn hóa vào các chương trình hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo cấp cao cũng như của các bộ, ngành, địa phương.

Hai là, tiếp tục tham mưu xây dựng cơ chế chính sách, tạo dựng môi trường, đồng hành và hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương, người dân triển khai ngoại giao văn hóa, trong đó có việc xây dựng hình ảnh quốc gia, thương hiệu địa phương, qua đó thu hút du lịch, đầu tư, cũng như đưa sản phẩm của Việt Nam ra quốc tế.

Ba là, tích cực tham gia có trách nhiệm và hiệu quả tại các tổ chức, diễn đàn đa phương về văn hóa, qua đó tận dụng ý tưởng, trí tuệ, nguồn lực cho phát triển đất nước và nâng cao vai trò, xây dựng hình ảnh Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Bốn là, vận động các danh hiệu quốc tế, học hỏi mô hình bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa; tăng cường tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, nhất là các ý tưởng, sáng kiến trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học, thông tin, các mô hình phát triển bền vững… phục vụ đắc lực cho việc phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và nhất là đóng góp vào việc định hướng, xây dựng chính sách lớn của quốc gia.

Năm là, tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo và phát hiện những xu hướng lớn về ngoại giao văn hóa, về giáo dục, khoa học, xã hội... có thể ảnh hưởng đến an ninh và phát triển của thế giới và đất nước, từ đó nắm bắt cơ hội và chủ động đối phó với thách thức. Ngoài ra, chú trọng công tác rà soát, đôn đốc việc triển khai “Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2020” và việc thực hiện các thỏa thuận quốc tế về lĩnh vực văn hóa giữa Việt Nam với các nước.

Tro ly Bo truong Bo Ngoai giao Pham Sanh Chau anh 1
Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Sanh Châu. Ảnh: Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO.

- Xin ông chia sẻ về vai trò, vị trí của ngoại giao văn hóa trong việc xây dựng thông điệp quốc gia, thương hiệu địa phương.

- Ông Phạm Sanh Châu: Xây dựng thông điệp quốc gia và thương hiệu địa phương không còn là câu chuyện mới trên thế giới. Rất nhiều quốc gia đã và đang tiến hành, trong đó nhiều quốc gia xây dựng thành công thông điệp nổi bật, ghi đậm dấu ấn trong nhận thức của người dân toàn cầu.

Thông điệp quốc gia, thương hiệu địa phương giúp các quốc gia tăng cường sự hiểu biết và đặc biệt là sự tin tưởng lẫn nhau, qua đó củng cố những nền tảng hợp tác trên mọi lĩnh vực và cấp độ. 

Khi bạn nghĩ tới Paris lãng mạn, Tokyo hiện đại, Hong Kong sôi động, Bhutan thanh bình, Singapore năng động... là ví dụ về một vài thông điệp địa phương mà các quốc gia đã xây dựng và truyền tải thành công tới người dân toàn cầu. Ở Việt Nam, câu chuyện xây dựng thông điệp quốc gia hay thương hiệu địa phương tuy đã có những bước đi ban đầu nhưng vẫn còn nhiều điều mới mẻ đối với cả chính quyền, doanh nghiệp lẫn người dân.

Cho đến nay, thông điệp quốc gia hay thương hiệu địa phương thường được gắn với hình ảnh du lịch quốc gia. Điều này là đúng nhưng chưa toàn diện vì thông điệp quốc gia và thương hiệu địa phương còn bao gồm nhiều thành tố khác như lịch sử, văn hóa, con người, đường lối, chính sách…. Ngoại giao văn hóa những năm gần đây đã có những đóng góp thiết thực trong quá trình xây dựng thông điệp quốc gia và thương hiệu địa phương.

Qua những chương trình, hoạt động cụ thể, ngoại giao văn hóa góp phần chuyển tải tới bạn bè quốc tế hình ảnh về một đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, thân thiện, cởi mở, một dân tộc Việt Nam anh dũng, bất khuất, nhân văn, một lịch sử hào hùng, một nền văn hóa đậm đà bản sắc, một quốc gia có nhiều di sản văn hóa, thiên nhiên, nhiều phong cảnh đẹp...

Ngoại giao văn hóa đã xây dựng, gìn giữ và lan tỏa hình ảnh của người Việt Nam tiêu biểu thông qua đề án “Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất, ở nước ngoài”. Đây là cách làm của nhiều quốc gia trên thế giới khi đưa hình ảnh của lãnh tụ thành biểu tượng thể hiện hoài bão, tâm thế, ý chí của cả một dân tộc.

Ngoài ra, ngoại giao văn hóa góp phần đưa các thương hiệu du lịch, thương hiệu sản phẩm của Việt Nam đến với đông đảo bạn bè quốc tế. Thông qua các hoạt động giao lưu, trao đổi, tiếp xúc đối ngoại, xúc tiến đầu tư ở trong và ngoài nước, các địa phương có thể xác định được điểm mạnh, yếu của mình và định vị được hình ảnh mong muốn xây dựng trong tương lai.

Ngoại giao văn hóa hỗ trợ, đồng hành cùng địa phương trong nhiều chương trình lễ hội có tính nước ngoài như Festival Huế, Festival hoa Đà lạt, Festival pháo hoa Đà Nẵng… Các lễ hội này đã trở thành thương hiệu của địa phương, thu hút đầu tư, du lịch của người dân ở trong và ngoài nước. Bản thân các địa phương này cũng được nâng tầm trở thành ‘thương hiệu’.

Việc xây dựng thông điệp quốc gia và thương hiệu địa phương là quá trình dài, liên quan đến phạm trù công việc rộng. Vì vậy, cần có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa khối công và tư, giữa quốc gia và địa phương để huy động thành công sức mạnh tổng thể. Ngoại giao văn hóa đang nỗ lực thực hiện tốt các mảng việc của mình để trở thành một trong những “mắt xích” trọng yếu góp phần vào tổng hòa sức mạnh này.   

Tro ly Bo truong Bo Ngoai giao Pham Sanh Chau anh 2
Ông Phạm Sanh Châu làm Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Ấn Độ kiêm nhiệm Cộng hòa Dân chủ Liên bang Nepal và Vương quốc Bhutan. Ảnh: Bích Hà/TTXVN.

- Xin trợ lý bộ trưởng cho biết quan hệ hợp tác Việt Nam - UNESCO đã có những đóng góp như thế nào cho công tác Ngoại giao Văn hóa?

- Ông Phạm Sanh Châu: UNESCO được thành lập vào năm 1945 với tôn chỉ “Chiến tranh nảy sinh từ ý nghĩ của con người. Vì vậy, cần xây dựng thành lũy hòa bình trong chính tâm trí của con người”. Cùng chung ý tưởng nhân văn đó, Việt Nam đã chính thức tham gia UNESCO ngay sau khi thống nhất đất nước (1976).

Đây là giai đoạn Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, bị bao vây, cấm vận từ nhiều phía. Vào thời điểm đó, UNESCO là kênh ngoại giao đa phương duy nhất giúp Việt Nam mở cửa ra với thế giới, khai thông quan hệ với các nước, giúp cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về đất nước và con người Việt Nam.

UNESCO là diễn đàn giúp Việt Nam bảo vệ lợi ích, nâng cao vị thế và uy tín quốc gia, chủ động triển khai có hiệu quả hội nhập quốc tế trên lĩnh vực văn hóa. Việt Nam 4 lần được tín nhiệm bầu vào Hội đồng chấp hành UNESCO, 1 lần vào Ủy ban di sản thế giới, đã và đang có các đại diện tại các tổ chức, chương trình chuyên môn quan trọng của UNESCO, thể hiện Việt Nam là một thành viên tích cực, có trách nhiệm, sẵn sàng tham gia đảm nhận những vị trí trọng trách, đóng góp cho hoạt động và sự phát triển của tổ chức.

Việt Nam đã từng tham gia xây dựng luật chơi mới tại UNESCO khi đề xuất thành công quy trình mới liên quan đến việc chuyển một di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại (đối với Hát Xoan).

Trong quá trình hợp tác hơn 40 năm qua, Việt Nam đã phát huy tốt “chất xám” của UNESCO - tổ chức được coi là “Ngôi nhà trí tuệ” của thế giới, tiếp thu kinh nghiệm và thu hút các nguồn tài chính quốc tế phục vụ phát triển đất nước, xây dựng chính sách và hoàn thiện hệ thống pháp lý, thay đổi tư duy và nâng cao năng lực trên các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, khoa học và thông tin - truyền thông.

UNESCO cũng là “kênh” ngoại giao văn hóa quan trọng, góp phần quảng bá hữu hiệu về đất nước và con người Việt Nam thông qua việc công nhận 38 danh hiệu thế giới tại Việt Nam và ra các Nghị quyết tham gia kỷ niệm các danh nhân Nguyễn Trãi, Nguyễn Du và Hồ Chí Minh. Những vinh danh đó góp phần khơi dậy lòng tự hào, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, bảo về và phát huy các giá trị di sản, đồng thời tô đậm và làm phong phú hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Chúng ta tin tưởng rằng những thành tựu trong hợp tác Việt Nam - UNESCO và sự tương đồng giữa các nội dung của đường lối đổi mới, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam với các phương hướng hoạt động của UNESCO trong thời gian tới là những cơ sở quan trọng cho tương lai tốt đẹp của mối quan hệ hợp tác này.

- Trên cương vị là người gắn bó với công tác ngoại giao văn hóa trong suốt 10 năm qua, xin Trợ lý Bộ trưởng cho biết điều tâm đắc nhất của mình với công tác này và nhắn nhủ điều gì đối với đội ngũ làm công tác ngoại giao văn hóa hiện nay. 

- Ông Phạm Sanh Châu: Tôi đã gắn bó với ngoại giao văn hóa suốt 10 năm qua, dành nhiều tâm huyết với công tác này. Tôi tâm đắc 2 việc tạo nên vai trò công tác Ngoại giao Văn hóa ngày nay:

Thứ nhất là việc đưa ngoại giao văn hóa trở thành trụ cột trong chính sách ngoại giao toàn diện của Việt Nam năm 2006 tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 25. Đây là một bước ngoặt quan trọng với ngoại giao văn hóa khi Nguyên Phó Thủ tướng Bộ trưởng Phạm Gia Khiêm thời kỳ đó là người rất quan tâm đến công tác ngoại giao văn hóa và sau đó đã chọn chủ đề công tác năm 2009 là “Năm Ngoại giao Văn hóa” để tạo động lực thúc đẩy nâng cao nhận thức và triển khai những hoạt động ngoại giao văn hóa thiết thực như tổ chức các  hội thảo quốc gia về ngoại giao văn hóa, hội thảo với cộng đồng doanh nghiệp… sau nỗ lực đó Bộ Ngoại giao đã hình thành và trình Thủ tướng Chính phủ thông qua Chiến lược về Ngoại giao Văn hóa đến năm 2020.

Với sự ra đời của Chiến lược này, công tác ngoại giao văn hóa đã có bài bản, quy trình và được giao nhiệm vụ cụ thể về cho từng đơn vị tổ chức, tạo sự lan tỏa và nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của ngoại giao văn hóa.

Thứ hai là việc triển khai Đề án Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với các công tác ngoại giao văn hóa. Đây là đề án quan trọng được trực tiếp chỉ đạo của Ban Bí Thư. Tôi luôn tâm niệm, hình ảnh vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam một nhà văn hóa lớn, luôn gắn liền với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước và Người luôn là nhà tư tưởng vĩ đại cho sự phát triển Việt Nam.

Cho đến nay Đề án đã được triển khai trên toàn thế giới, không chỉ ở những nơi Bác đã từng đến mà ở tất cả các nơi Việt Nam có CQĐD, những nơi tư tưởng, hình ảnh của Bác được tôn kính, với nhiều hình thức thực hiện đa dạng.

Thực sự với chỉ hơn 10 năm thúc đẩy công tác ngoại giao văn hóa, đây vẫn là lĩnh vực mới mẻ và còn nhiều khó khăn thách thức với chúng ta. Chính vì vậy tôi mong rằng đội ngũ cán bộ làm công tác ngoại giao văn hóa cần tiếp tục kiên trì, nỗ lực từng bước nâng tầm ngoại giao văn hóa, tạo nhận thức chung một cách rộng rãi về tác dụng quan trọng của công tác ngoại giao văn hóa và cách mà các nước lớn đang sử dụng ngoại giao văn hóa một cách hiệu quả như thế nào.

Trong tương lai khi quan hệ quốc tế ngày càng rộng mở, và nhu cầu hợp tác, đa phương hóa của Việt Nam đang phát triển như ngày nay thì công tác ngoại giao văn hóa ngày càng đảm nhiệm vai trò quan trọng.

Các cán bộ làm công tác ngoại giao văn hóa cần nhanh nhạy, sáng tạo tìm phương pháp mới hiệu quả hơn trong công việc quảng bá đất nước, mở rộng đối tác triển khai không chỉ ở các bộ ngành, địa phương mà các doanh nghiệp tư nhân nhằm nâng cao nguồn lực. Đồng thời luôn chú trọng tiếp thu có chọn lọc giá trị tinh hoa Văn hóa thế giới để làm giàu bản sắc dân tộc Việt Nam, phục vụ hiệu quả cho công tác xây dựng, phát triển đất nước.

Phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Đại sứ Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2021

Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại các nước nhiệm kỳ 2018-2021.

ĐS Phạm Sanh Châu vào vòng 3 tranh cử Tổng giám đốc UNESCO

Bằng những câu trả lời tự tin và thuyết phục trong buổi phỏng vấn trực tiếp, ông Phạm Sanh Châu đã tiến thêm một bước nữa trong cuộc thi giành vị trí tổng giám đốc UNESCO.



Chi Mai

Bạn có thể quan tâm