Kinh doanh đa cấp đã xuất hiện tại Việt Nam vào đầu thập niên 2000, nhưng đến năm 2006-2010, mô hình này mới được nhiều người biết đến khi có sự tham gia của các công ty đa cấp nước ngoài như Amway, Herbalife và Oriflame. Thời điểm ấy, bán hàng đa cấp nhanh chóng thu hút sự chú ý của đông đảo người tham gia nhờ hứa hẹn về cơ hội làm giàu nhanh chóng.
Đáng chú ý, trong giai đoạn 2015-2016, mô hình này bùng nổ mạnh mẽ, tạo ra mạng lưới phân phối rộng khắp cả nước và mang lại thu nhập cao cho những người tham gia ở vị trí cao trong hệ thống.
Hơn 2/3 công ty đa cấp bị "xóa sổ"
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển này, nhiều vấn đề tiêu cực cũng bắt đầu nổi lên. Một số doanh nghiệp lợi dụng mô hình đa cấp để thực hiện các hành vi lừa đảo, tập trung vào việc tuyển dụng ồ ạt hơn là bán sản phẩm.
Điển hình như vụ việc của Công ty Liên Kết Việt vào năm 2015 bị phát hiện lừa đảo hơn 60.000 người tại 27 tỉnh, thành, với tổng số tiền lên đến 2.000 tỷ đồng.
Sự kiện này đã gây chấn động dư luận, cơ quan quản lý sau đó đã phải tăng cường giám sát và kiểm soát hoạt động kinh doanh đa cấp.
Sau những vụ lừa đảo đình đám và sự can thiệp quyết liệt từ phía cơ quan chức năng, hoạt động kinh doanh đa cấp tại Việt Nam dần suy thoái từ năm 2016. Đến nay, số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã giảm mạnh, từ hơn 67 doanh nghiệp vào năm 2016 về còn 20 doanh nghiệp vào cuối năm 2023.
Một số doanh nghiệp lợi dụng mô hình đa cấp để thực hiện các hành vi lừa đảo, tập trung vào việc tuyển dụng ồ ạt hơn là bán sản phẩm. Ảnh minh họa: Hải Nam. |
Chỉ tính riêng năm 2023, Bộ Công Thương cho biết đã kiểm tra đối với 6 doanh nghiệp, xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 doanh nghiệp và một người tham gia bán hàng đa cấp với tổng số tiền 1,1 tỷ đồng.
Trên thực tế, số doanh nghiệp đa cấp bị "xóa sổ" vẫn chưa dừng lại. Cuối tháng 7 vừa qua, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) vừa có quyết định xử phạt và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty TNHH Phong Cách Sống Kim Cương Việt Nam - DLC Việt Nam (quận Phú Nhuận, TP.HCM).
Công ty này bị phạt 305 triệu đồng vì những vi phạm như chỉ định đào tạo viên không đáp ứng điều kiện, cung cấp thông tin gian dối về kế hoạch trả thưởng và lợi ích của việc tham gia bán hàng đa cấp.
Bên cạnh đó, DLC Việt Nam còn không niêm yết công khai tại trụ sở chính của công ty các tài liệu về hoạt động và hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp. Không thực hiện thông báo với Sở Công Thương địa phương khi tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo thuộc trường hợp phải thông báo theo quy định...
Không bị đình chỉ hoạt động, nhưng đầu tháng 6 vừa qua, Công ty TNHH Thương mại Lô Hội cũng đã thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp tại 19 địa phương do chưa đáp ứng được điều kiện đăng ký sửa đổi, bổ sung hoạt động bán hàng đa cấp.
Trước đó 1 tháng, doanh nghiệp này còn bị phạt 220 triệu đồng do không cập nhật giấy phép, hoạt động bán hàng đa cấp chưa được Sở Công Thương xác nhận, không báo cáo đầy đủ và vi phạm quy tắc xuất hóa đơn theo quy định...
Công ty Lô Hội thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp tại 19 địa phương. Ảnh: S.T. |
Công ty Lô Hội được bà Trương Thị Nhi sáng lập và dẫn dắt từ năm 2021. Tuy nhiên, từ tháng 11 năm ngoái, bà Nhi đã không còn là Tổng giám đốc kiêm Người đại diện pháp luật của công ty. Vị trí này hiện do bà Trương Võ Hoàng Ý (sinh năm 1992) đảm nhiệm.
Ngoài Lô Hội, bà Nhi còn đứng tên tại nhiều doanh nghiệp khác. Đáng chú ý, bà Nhi cũng vừa tái đắc cử vị trí Chủ tịch Hiệp hội Bán hàng Đa cấp Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025.
Lô Hội được biết đến là công ty đa cấp đời đầu, chuyên nhập khẩu và phân phối các sản phẩm mỹ phẩm và sức khỏe mang thương hiệu Forever Living Products của Mỹ tại Việt Nam.
Gần đây, công ty này thu hút sự chú ý khi có thông tin cho rằng doanh nhân Nguyễn Quốc Vũ và vợ Đoàn Di Băng từng là quản lý cấp cao tại Lô Hội, thường xuất hiện tại các hội thảo của công ty và kêu gọi các nhà bán hàng khác tham gia hệ thống.
Nhiều công ty đa cấp vẫn sống tốt
Dù số lượng doanh nghiệp đa cấp giảm mạnh, tổng số lượng người tham gia mô hình này vẫn không ngừng tăng lên. Tính đến cuối năm 2023, có hơn 768.000 người tham gia bán hàng đa cấp tại Việt Nam, tăng gần 61.000 người so với năm 2017.
Đáng chú ý, một số công ty lớn trong ngành vẫn đạt kết quả kinh doanh ấn tượng đến năm 2022.
Điển hình, New Image Việt Nam - doanh nghiệp đa cấp thành lập năm 2013 - ghi nhận doanh thu năm 2022 đạt gần 4.900 tỷ đồng, tăng gần 9% so với năm 2021 và 39% so với năm 2020.
Một công ty đa cấp chuyên cung cấp các thực phẩm chức năng khác là Amway Việt Nam ghi nhận doanh thu năm 2022 đạt gần 2.400 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2021 và 56% so với năm 2020.
Trong khi đó, Oriflame Việt Nam, dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch, vẫn đạt doanh thu gần 580 tỷ đồng trong năm 2022, tăng 22% so với năm 2021.
Herbalife Việt Nam - công ty đa cấp lớn nhất Việt Nam - cũng chứng kiến tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ trong giai đoạn 2018-2022. Năm 2022, doanh nghiệp này đạt đỉnh lợi nhuận là 299 triệu USD, chiếm 1/3 tổng doanh thu của ngành bán hàng đa cấp tại Việt Nam, vượt trội so với các đối thủ khác như New Image, Amway và Oriflame.
HERBALIFE DẪN ĐẦU DOANH THU BÁN HÀNG ĐA CẤP | |||||
KQKD các công ty bán hàng đa cấp. Nguồn: Vietdata. | |||||
Nhãn | Herbalife | New Image | Amway | Oriflame | |
2020 | Tỷ đồng | 5400 | 3520 | 1500 | 650 |
2021 | 6730 | 4510 | 1900 | 490 | |
2022 | 7500 | 4900 | 2400 | 580 |
Tuy nhiên, nếu xét về lợi nhuận, New Image Việt Nam mới là công ty đa cấp lãi đậm nhất với lợi nhuận sau thuế năm 2022 đạt gần 420 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2021 và gấp 6 lần so với năm 2020. Amway xếp ở vị trí thứ hai với lợi nhuận sau thuế gần 90 tỷ đồng, tiếp theo là Herbalife với 72 tỷ đồng, giảm 78% so với năm liền trước.
Bước sang năm 2023, báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy doanh thu bán hàng đa cấp chỉ đạt hơn 16.800 tỷ đồng, giảm 20% so với năm trước đó. Trong ngành bán hàng đa cấp, khoảng 90% doanh số đến từ việc kinh doanh thực phẩm chức năng. Với doanh thu này, tổng số thuế các doanh nghiệp đa cấp nộp ngân sách khoảng 2.255 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính năm 2023 của Herbalife Việt Nam cho thấy doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần đạt 279 triệu USD, tương đương gần 6.700 tỷ đồng, giảm 7% so với năm 2022.
Theo lý giải của công ty, sự biến động của tỷ giá hối đoái đã tác động bất lợi lên chỉ tiêu doanh thu thuần. Đồng thời, điều kiện kinh tế vĩ mô tại Việt Nam tiếp tục tạo ra nhiều thách thức, đặc biệt là sự xáo trộn liên quan đến động thái điều chỉnh quy định về bán hàng đa cấp từ cơ quan quản lý.
Tuy nhiên, đây vẫn là con số doanh thu cao so với thị trường, cũng như so với kết quả đạt được trong các năm trước đây của Herbalife.
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.