Một sự hồi tưởng kỳ lạ?
"Bài thơ Tổ quốc gọi tên, tôi viết tay năm 2008 trên một cuốn vở có bìa màu vàng tại đơn vị cũ, sau đó mang đi đánh máy và tiếp tục được chia sẻ trên blog google, trang mạng My Space, và những người bạn của tôi", anh Ngô Xuân Phúc nói với phóng viên Tiền Phong.
Ngô Xuân Phúc - người nhận là tác giả bài thơ Tổ quốc gọi tên. |
Sở dĩ đã nhiều năm liền trôi qua Ngô Xuân Phúc không nhớ gì đến tác phẩm thơ Tổ quốc gọi tên là vì anh đã quên, mãi đến năm 2013 mới hồi tưởng lại. “Năm 2013 trong một lần dọn dẹp nhà cửa, tìm thấy cuốn sổ thời sinh viên có mấy bài thơ khá hay, lật lại đọc và một đêm thức trắng tôi hồi tưởng lại được mấy chục bài thơ tôi đã viết, trong đó có bài Tổ quốc gọi tên. Tôi không thể lý giải được vấn đề này, chỉ là nhớ lại hết mà thôi”, Ngô Xuân Phúc nói.
Ngô Xuân Phúc khẳng định "khi viết bài thơ Tổ quốc gọi tên tôi đang là giáo viên dạy văn học trong quân đội. Bài thơ ra đời trong tâm trạng tôi vừa được nghe xong tin tức thời sự nội bộ trong ngành quân đội về tình hình biển Đông - một cảm xúc của lần đầu tiên về thói quen nghe tin tức thời sự mà thời sinh viên chưa bao giờ có.
Cảm xúc đó cộng với việc đã từng biết đến những vụ tai nạn tàu cá ngoài biển của ngư dân Việt Nam quá thương tâm nên tôi sáng tác bài thơ Tổ quốc gọi tên - trọng tâm bài thơ này là phần biển đảo thiêng liêng đang bị giặc đe dọa trở thành hình tượng trung tâm."
Ngô Xuân Phúc nói: “một sự hồi tưởng kỳ lạ đến với tôi mà chính tôi cũng không lý giải được. Bài này là một trong số rất ít bài thơ mà trước khi viết tôi có vạch sẵn ý định, nội dung, mục đích; đồng thời, xem xét rất kỹ, tự cân nhắc xem những bài thơ cùng chủ đề ở những giai đoạn trước đó (chủ yếu là những bài trong sách giáo khoa phổ thông trung học) để xem ở những bài thơ thành công đó tác giả đã xây dựng hình tượng đất nước như thế nào, những yếu tố, hình ảnh nào được sử dụng… rồi mới bắt tay vào viết”.
Sẽ viết thư ngỏ
Khi nói về sự phản biện của nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai gửi cho báo chí, Ngô Xuân Phúc cho rằng “mỗi người có một lý lẽ, ai cũng tự bảo vệ mình, chị Quế Mai trong trường hợp hiện tại cũng phải bảo vệ mình. Tất cả quan điểm hay lập luận của chị ấy đều phải bảo vệ mình trước tiên. Chưa nói đúng sai, chưa khẳng định, tôi khẳng định là của tôi nhưng công luận nói chung cũng chưa khẳng định được của ai hoặc nghiêng về chị Quế Mai chẳng hạn.
Tôi không bình luận về ý kiến của chị Mai, tôi hoàn toàn tôn trọng ý kiến của chị ấy, tôi không thể bác bỏ ý kiến của chị ấy được khi tôi nói một đằng và chị ấy có ý kiến khác. Đây là đang tự nói, chưa phải sự đối thoại vì vậy tôi không bình luận bất cứ điều gì về chia sẻ của chị Quế Mai”.
Gặp Ngô Xuân Phúc trong một tâm trạng buồn bã vì người anh trai vừa bị tai nạn đuối nước, vừa phải đón nhận một luồng ý kiến trái chiều vì cho rằng Phúc đang ảo tưởng, sức khỏe không bình thường khiến Phúc gầy hẳn và hốc hác. Tuy nhiên, Phúc nghẹn ngào: "Cái tâm của người cầm bút, tôi quyết đòi lại tác phẩm của chính mình mặc dù tay không đòi thơ.
Tôi sẵn sàng đón nhận và chờ đợi sự phán xét cuối cùng. Nếu chị Quế Mai muốn thưa kiện, tôi hoàn toàn tôn trọng và theo chị ấy đến cùng…”. Và Phúc nói rằng, “Cộng đồng đang lên tiếng nhưng tôi lại im lặng vì đang có chuyện buồn của gia đình. Sau khi lo xong xuôi chuyện gia đình tôi sẽ viết thư ngỏ nói lên hết những gì tôi đang nghĩ và mong muốn được sự chia sẻ thực lòng của mọi người”.
“Như vậy câu chuyện về bài thơ này chỉ còn trông chờ vào bản viết tay bị thất lạc đâu đó; vào việc tìm được chú nhà thơ đã vào đọc và khen thơ tôi hay và sự công nhận về những nội dung tôi nói với người bạn Trịnh Thông Thiện. Và cuối cùng là sự thừa nhận của chị Quế Mai”, Xuân Phúc nói.
Bài thơ Tổ quốc gọi tên từ lúc được công bố năm 2011 đến nay với tên tác giả là Nguyễn Phan Quế Mai. Đột nhiên ngày 28/9 vừa qua trên mạng xã hội Facebook có một người tên Ngô Xuân Phúc lên tiếng tự nhận là tác giả của bài thơ trên…