Mối ân oán giữa Ngô Kinh và Chân Tử Đan là chủ đề được người trong ngành đồn đoán từ nhiều năm nay. Các nguồn tin khẳng định người gây hấn là Chân Tử Đan và Ngô Kinh dù đẳng cấp võ thuật không kém nhưng chỉ đành im lặng để mong "thiên hạ thái bình".
13 năm o ép câm nín
Giới trong nghề đều xếp Ngô Kinh là cao thủ võ thuật thực chiến. Xét về công phu võ học, anh theo học sư phụ Ngô Bân từ năm 6 tuổi nên không hề kém cạnh Chân Tử Đan hay Lý Liên Kiệt. Nhưng tầm ảnh hưởng, danh tiếng của anh lại thua trước các bậc đàn anh.
Chân Tử Đan chưa bao giờ xem trọng Ngô Kinh. |
Năm 2004, khi Sát Phá Lang thực hiện, đoàn phim đã ngắm mời Ngô Kinh cho vai nam chính. Nam diễn viên Chiến lang 2 có gương mặt hiền, võ công thực chiến tốt nên rất phù hợp hình tượng nhân vật.
Nhưng ngay sau đó, Hồng Kim Bảo hội ý lại với nhà sản xuất, ê-kíp quyết định thay vai nam chính bằng cái tên nặng ký với phòng vé hơn - Chân Tử Đan. Ngô Kinh bằng lòng bị hạ vai từ chính xuống thứ chính, là kẻ phản diện trên màn ảnh và chắc chắn bại dưới tay Chân Tử Đan.
"Chân Tử Đan không thích đóng phim cùng Ngô Kinh. Anh ấy đã chủ động thay đổi kịch bản, tham gia vào công tác chỉ đạo võ thuật với Hồng Kim Bảo. Nhân vật sát thủ của Ngô Kinh ngoài vài cảnh hành động đã bị cắt gọt lời thoại đáng kể", nguồn tin từ trong đoàn phim kể.
Khi giao đấu tay đôi, Ngô Kinh cùng Chân Tử Đan thể hiện tài võ thuật thực chiến. Cảnh phim không cần thị phạm, đạo diễn để mặc hai cao thủ đánh tự do.
“4 ngày quay cảnh này, Chân Tử Đan xuống tay rất nặng, còn văng côn về phía Ngô Kinh khiến anh bị thương. Ngô Kinh bị đau tay phải, Chân Tử Đan lại luôn tìm điểm yếu ở bên cổ tay phải để tấn công”, tờ Epoch Times dẫn lời nguồn tin nội bộ.
Thời điểm khi đoàn phim sang Mỹ quảng cáo, nam diễn viên Diệp Vấn đề nghị xóa ảnh Ngô Kinh trên poster. Sau phim này, Ngô Kinh cùng Chân Tử Đan chưa bao giờ tái hợp.
Ngô Kinh và Chân Tử Đan trong trận đối đầu kinh điển. |
Điều khiến giới võ thuật trong nghề không nể phục Chân Tử Đan là cách anh ứng xử sau đó. Khi nói về đồng nghiệp họ Ngô, tài tử Diệp Vấn bình thản: “Ngô Kinh là diễn viên võ thuật giỏi, động tác đẹp mắt. Nhưng tốc độ và cách ra đòn vẫn chưa nổi bật”.
Anh còn xem thường về giải thưởng quán quân võ thuật của đàn em. "Quán quân võ thuật giờ đầy đường, nhưng không phải ai cũng trở thành ngôi sao kung-fu", Chân Tử Đan ngạo mạn nói.
Ngô Kinh đối đầu Chân Tử Đan
Trước đây, mỗi khi bị hỏi về Chân Tử Đan, Ngô Kinh đều né tránh. Có chăng, trước quá nhiều thắc mắc từ truyền thông, anh lấp lửng: "Chân Tử Đan nói về quán quân võ học. Dòng phim này có nhiều người như thế, tôi không cho rằng anh ấy đang nói về tôi".
Hôm 13/8, sau thành công của Chiến lang 2 tại thị trường phòng vé, trước câu hỏi về Chân Tử Đan, Ngô Kinh thẳng thắn: "Chuyện đó ư? Hình như tôi chưa từng nghe ai đó nói thẳng với mình. Nếu đúng là vậy, tôi cảm ơn anh ta, cảm ơn anh lúc trước đã xem thường tôi".
Ngô Kinh cho rằng "quán quân võ thuật đường phố không thể là sao kung fu" là lời nói "hàm hồ". "Sư huynh Lý Liên Kiệt cũng từng là quán quân võ thuật và giờ là sao điện ảnh. Đối với tôi, đoạt giải quán quân là sự thừa nhận cho sự nỗ lực của bản thân, không cần so sánh giải thưởng võ học và mác ngôi sao kung fu", anh nói thêm.
Khi được hỏi anh có ngại nếu đối đầu một lần nữa với đàn anh, Ngô Kinh nói: "Tôi sẵn sàng".
Ngô Kinh giờ nói sao cũng được sau khi trở thành siêu anh hùng trên màn ảnh Trung Quốc. |
Trước phản ứng của Ngô Kinh, hiện Chân Tử Đan chưa đưa ra bình luận nào. Trên mạng xã hội, không ít ý kiến cho rằng tài tử Chiến lang 2 đã "vuốt râu hùm". Bởi từ xưa đến nay, Chân Tử Đan bị tiếng thù dai và gây hấn không phải với một người.
Trong một lần phỏng vấn, tài tử 54 tuổi mạnh miệng: "Cùng Thành Long đấu hai lần, đấu với Lý Liên Kiệt cũng hai lần. Nhưng đại ca Thành Long luyện võ ít, tốc độ chậm. Trận đấu với Lý Liên Kiệt cũng không thú vị, chẳng phải đánh trực chiến". Người hiếm hoi được Chân Tử Đan xếp ngang hàng với mình có chăng là Vin Diesel.
Ngô Kinh giờ là số một, nói gì chả được?
Rõ ràng, Ngô Kinh có lý khi lên tiếng ở thời điểm này. Vì năm 2017, không phải Chân Tử Đan, Lý Liên Kiệt hay Thành Long, mà Ngô Kinh mới là người vực dậy dòng phim võ thuật thực chiến đang thoái trào.
Hàng chục năm lăn lộn với nghề không được công nhận sao võ thuật hạng A. Chỉ với Lãnh Phong trong Chiến lang 2, Ngô Kinh trở thành anh hùng màn ảnh. Các tay viết phê bình ca ngợi phim là "siêu phẩm siêu anh hùng đầu tiên của Trung Quốc" mà ở đó người anh hùng "trông thực và gần gũi".
Nhà phê bình Đỗ Hà bình luận: "Chúng ta đã quá quen với hình tượng anh hùng lối mòn trên màn ảnh Trung Quốc. Nhưng Lãnh Phong mang đến cảm giác là con người thật, hoàn toàn khác biệt".
Cái tài nữa của Ngô Kinh là lồng ghép giữa chủ đề yêu nước mang tính nghệ thuật và yếu tố thương mại. Đây là điều Thành Long hay Chân Tử Đan cũng chưa bao giờ làm được. "Anh ấy không cần bán tiếng cười mua vui như Thành Long hay đánh hùng hục giống Chân Tử Đan", phóng viên tờ Shanghai Daily đánh giá.
"Tại sao chúng ta phải tách biệt giữa nghệ thuật và thương mại. Chiến lang 2 hội tụ mọi yếu tố của một bom tấn thương mại và có nội dung", Ngô Kinh tự hào.
Người yêu có, những người không thích Ngô Kinh cũng nhiều vô số. Họ chê bai phim Chiến lang 2 "nhạt nhẽo và đề cao nam chính thái quá". Họ đặt câu hỏi: "Nhân vật là người bình thường được miêu tả như siêu nhân, không chết dễ dàng".
Ngô Kinh giờ đã trở thành diễn viên quyền lực. |
"Họ hỏi tôi sao không bị giết trong phim? Tốt thôi, các bạn có thể xem một phim Mỹ với những người anh hùng đánh bại cả đội quân lính vũ trang mà không có một vết xước. Các bạn nghĩ họ thật tuyệt. Nhưng các bạn không thể chấp nhận một người lính có sức mạnh đánh bại vài tay lính đánh thuê nước ngoài", Ngô Kinh phản hồi.
"Khán giả có thể nói tất cả những gì họ suy nghĩ nhưng tôi coi thường suy nghĩ điều này người này có thể làm còn người kia tuyệt đối không thể", anh nhấn mạnh.