Điều động nhân lực để phong tỏa cư dân, xây dựng bệnh viện dã chiến,... đều là những biện pháp dập dịch của Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, nơi bùng phát đợt dịch mới nhất không phải là đại lục, mà là đặc khu Hong Kong.
Hôm 16/2, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có một động thái bất thường khi trực tiếp kêu gọi các quan chức Hong Kong thực hiện "mọi biện pháp cần thiết" để kiểm soát dịch bệnh tại thành phố này.
Sự can thiệp của ông Tập đã làm dấy lên lo ngại rằng sẽ sớm xảy ra các hạn chế tương tự ở Trung Quốc đại lục, bao gồm cả việc phong tỏa toàn thành phố, theo CNN.
Không còn lựa chọn nào khác
Cho đến nay, chính quyền Hong Kong đã kiên quyết bác bỏ khả năng phong tỏa hoàn toàn, đồng thời khẳng định sẽ không thực tế nếu phong tỏa hơn 7 triệu dân.
Tuy nhiên, những bình luận của ông Tập cho thấy rõ rằng Hong Kong không có lựa chọn nào khác ngoài việc tuân thủ chiến lược Zero Covid-19 cứng rắn của Trung Quốc, với bất kể giá nào.
Trong gần hai năm, Hong Kong đã dựa vào sự kết hợp của các biện pháp cách ly nghiêm ngặt và nỗ lực truy vết để giữ cho số trường hợp nhiễm ở mức thấp, ngay cả khi phần còn lại của thế giới bắt đầu nới lỏng các hạn chế. Song những biện pháp đó không còn đủ khả năng chống chọi khi đối mặt với làn sóng Omicron mới nhất, điều mà giới chức đã mô tả là "sóng thần".
Hong Kong đã kiên quyết chuyển tất cả ca dương tính đến bệnh viện, bất kể mức độ nghiêm trọng. Biện pháp này khiến ít nhất một bệnh viện bị quá tải đến mức buộc phải di chuyển bệnh nhân ra bãi đậu xe.
Trong khi đó, một loạt hạn chế được thắt chặt đã khiến nhiều chuyên gia và người dân đặt câu hỏi về tính bền vững của cách tiếp cận này, khi thành phố bước vào năm thứ ba của đại dịch.
Hong Kong vẫn tiếp tục bám trụ với chính sách Zero Covid-19. Ảnh: AP. |
New York Times nhận định rằng phản ứng của Hong Kong đã bộc lộ một điểm yếu quan trọng trong khả năng đối phó dịch bệnh. Thành phố này không thể lựa chọn sống chung với virus, song cũng khó có thể áp dụng những chính sách chặt chẽ của Trung Quốc để loại bỏ chuỗi lây nhiễm.
Làn sóng mới nhất bắt đầu vào tháng một và nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát, bất chấp những nỗ lực ngày càng tuyệt vọng của nhà chức trách.
Vào giữa tháng 1, chính quyền đã giết hơn 2.500 chuột hamster và nhiều động vật nhỏ khác sau khi phát hiện một ca mắc Covid-19 có liên quan đến cửa hàng thú cưng, làm dấy lên sự phẫn nộ của công chúng.
Vài ngày sau, một ổ dịch đã khiến chính quyền buộc phải đóng cửa nhiều tòa nhà, vốn là nơi sinh sống của hàng nghìn người. Cư dân sau đó bắt đầu phàn nàn về việc rác thải chất đống ở hành lang, và việc nhiều người bị cắt giảm lương do không thể làm việc trong thời gian phong tỏa.
Đó là một dấu hiệu ban đầu cho thấy sự hỗn loạn sắp xảy ra.
Theo số liệu của Hong Kong, cho đến nay, chưa đến 70% dân số thành phố đã được tiêm chủng đầy đủ. Tỷ lệ tiêm chủng ở người cao tuổi vẫn tương đối thấp mặc dù đã có vaccine từ tháng 2/2021.
Với số ca mắc tăng lên, giới chức áp dụng lại một loạt hạn chế quen thuộc: đóng cửa trường học, quán bar, phòng tập thể dục và nhiều không gian công cộng; tạm dừng việc ăn uống tại chỗ từ 18h, hạn chế các cuộc tụ tập,...
Nhưng những biện pháp này, vốn nằm trong chính sách Zero Covid-19, đã không thể ngăn chặn số ca mắc gia tăng. Hôm 16/2, thành phố báo cáo một kỷ lục 4.285 ca nhiễm mới. Trước làn sóng này, Hong Kong chưa từng chứng kiến hơn 200 ca mắc mới trong một ngày.
Nhiều quy tắc được xây dựng với mục tiêu đưa số ca nhiễm về 0 có thể đã phát huy tác dụng khi Hong Kong chỉ xử lý vài chục ca mắc cùng lúc. Tuy nhiên, quy mô của đợt bùng phát mới nhất đã đưa hệ thống đến giới hạn.
Áp lực từ Bắc Kinh
Nhưng thay vì xem xét các cách tiếp cận khác nhau, Hong Kong - dưới áp lực từ Bắc Kinh - đã cố gắng hơn bao giờ hết để kiềm chế dịch bệnh bùng phát.
"Tại thời điểm này, chúng tôi vẫn cảm thấy rằng (Zero Covid-19 năng động) là chiến lược tốt nhất cho Hong Kong", lãnh đạo thành phố Carrie Lam cho biết vào tuần trước.
Khi dịch bệnh bùng phát, bà Lam ban đầu cố gắng vạch ra ranh giới rõ ràng giữa Hong Kong và đại lục, ngay cả khi bà cam kết tuân thủ chính sách "Zero Covid-19 năng động". Trong tháng này, bà từng cho biết "sẽ không thực tế" nếu mời nhân lực của đại lục thực hiện xét nghiệm tại Hong Kong, một phần vì sự khác biệt về ngôn ngữ.
Lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam phải lên tiếng xin lỗi vì để người dân xếp hàng dài tại khu xét nghiệm. Ảnh: AP. |
Nhưng trong những tuần gần đây, khi dịch bùng phát vượt khỏi tầm kiểm soát, những lời kêu gọi Hong Kong "xích lại gần hơn" với chiến lược của đại lục đã tăng lên.
Ngay cả thời điểm trước khi có chỉ thị của ông Tập, chính quyền trung ương Trung Quốc đã vào cuộc vào đầu tuần này. Họ dường như ngày càng mất kiên nhẫn với việc Hong Kong không có khả năng tự kiềm chế dịch bệnh.
Các quan chức cho biết Trung Quốc sẽ cử các chuyên gia và đưa vật tư y tế đến Hong Kong, đồng thời giúp đỡ đặc khu xây dựng các cơ sở cách ly mới.
Bà Lam đã công khai hoan nghênh sự hỗ trợ của chính quyền đại lục. Hôm 17/2, bà thừa nhận rằng Hong Kong đã phải vật lộn để đối phó với số ca mắc gia tăng theo cấp số nhân.
“Vấn đề mà chúng tôi đang phải đối mặt là, với cường độ, tốc độ và mức độ nghiêm trọng của làn sóng dịch này, nó đã vượt quá khả năng đối phó của chúng tôi”, bà nói.