Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nghiên cứu đường sắt tốc độ cao

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, đang có tâm lý e ngại do dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam từng bị Quốc hội bác bỏ.

Chiều 4/8, Bộ GTVT họp bàn về kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển đường sắt. Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, đang có tâm lý e ngại do dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam từng bị Quốc hội bác bỏ. Tuy nhiên, đường sắt là “xương sống” cần phát triển, không thể né tránh.

Vụ phó Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT) Trần Minh Phương báo cáo: Các cơ quan liên quan đang tập hợp ý kiến của Quốc hội, cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) về đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao. Việc đưa thành dự án nghiên cứu sẽ được thực hiện từ năm 2016. Giai đoạn 2017-2018 đưa ra lấy ý kiến và trình Quốc hội vào cuối năm 2018. Nếu Quốc hội thông qua sẽ triển khai thí điểm xây dựng các đoạn ngắn.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, phụ trách đường sắt, bổ sung: Quyết định của Thủ tướng giao sau năm 2020 sẽ triển khai xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Theo đó, sau thời điểm đó xây dựng đường sắt tốc độ cao (160-180 km/h); sau đó sẽ nâng lên thành đường sắt cao tốc. 

Để tránh “vết xe đổ” của dự án đường sắt cao tốc trước đây, ông Đông đề nghị triển khai các giải pháp huy động vốn qua xã hội hóa và làm tốt công tác lấy ý kiến, hội thảo, tuyên truyền như sân bay Long Thành vừa qua.

GS Lã Ngọc Khuê cho rằng, nếu làm các đoạn ngắn sẽ khó “thắng” được đường bộ; nhất là cao tốc. “Đường sắt chỉ phát huy hiệu quả trên tuyến dài, nên xem đường sắt tốc độ cao thành một chương trình quan trọng quốc gia, huy động các lực lượng trong xã hội tham gia” - GS Khuê nói.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, với đất nước dài như Việt Nam, đường sắt là loại hình vận tải xương sống, đầu tư ít, chậm đổi mới là thiếu sót. Ông Thăng yêu cầu cơ quan trực thuộc nghiên cứu trình Chính phủ, Quốc hội giải pháp tổng thể trước 2020. 

Trong đó cần nêu lộ trình sớm đầu tư đường sắt tốc độ cao ở các đoạn cần thiết ngay sau 2020; từ năm 2020 đến 2040 nối thông toàn tuyến Bắc Nam; từ năm 2040 - 2050 phát triển thành đường sắt cao tốc. Ông Thăng chỉ đạo, từ nay đến năm 2020 cần đưa ra các kế hoạch cụ thể, “dễ, ít tiền làm trước”, chẳng hạn như hàn đường ray để nâng cao tốc độ, tàu chạy êm.    

Hành trình đường sắt Bắc - Nam sẽ chỉ còn 5-6 tiếng

Trong giai đoạn đầu khai thác, tốc độ từ Hà Nội vào TP HCM là 100-200 km/h thì sẽ mất khoảng 8 tiếng. Nhưng sau khi hoàn thành toàn tuyến sẽ khai thác ở tốc độ cao 300 km/h.

http://www.tienphong.vn/xa-hoi/nghien-cuu-duong-sat-toc-do-cao-892383.tpo

Theo Sỹ Lực/Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm