Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành dài hơn 57,1 km đi qua Long An (2,7 km), TP HCM (26,4 km) và Đồng Nai (28 km) do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư. Tổng vốn đầu tư ban đầu là 31.320 tỷ đồng (giai đoạn 1) - tương đương hơn 1,6 tỷ USD. Đây là dự án trọng điểm quốc gia thuộc trục cao tốc Bắc - Nam, được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A với 4 làn xe lưu thông và 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 100 km/h.
Chi phí cao bất thường
Nhiều người đã giật mình khi nhìn vào suất đầu tư xây dựng 1 km đường cao tốc của dự án này bởi ngốn đến 25,8 triệu USD (khoảng 554 tỷ đồng), cao nhất so với những dự án đường cao tốc đã từng xây dựng ở khu vực phía Nam.
Trong dự án này, suất đầu tư cũng có sự chênh lệch lớn khi gần 11 km đường trong tổng chiều dài có suất đầu tư là 60,7 triệu USD/km, hơn 46,9 km còn lại là 17,84 triệu USD/km.
Theo lãnh đạo VEC, suất đầu tư khoảng 60,7 triệu USD/km do toàn bộ là cầu và cầu cạn, trong đó có 2 cầu dây văng 2 mặt phẳng dây khẩu độ lớn (cầu Bình Khánh và cầu Phước Khánh), tĩnh không cao 55 m với kết cấu móng vòng vây cọc ván thép, sử dụng hơn 30% vật liệu có nguồn gốc từ Nhật Bản (theo điều kiện khoản vay). Tuyến đường đi qua địa phận TP HCM và Đồng Nai có chi phí giải phóng mặt bằng cao cũng góp phần làm suất đầu tư của đoạn này cao hơn…
Hướng đi của đường cao tốc Bến Lức - Long Thành. |
Đây không phải lần đầu tiên chi phí xây dựng đường cao tốc ở mức đắt đỏ mà hầu hết dự án đường cao tốc trong nước đều quá cao. TS Phạm Xuân Mai (Trường ĐH Bách khoa TP HCM) cho rằng chủ đầu tư lý giải suất đầu tư 1 km đường cao tốc cao một phần bởi chi phí giải phóng mặt bằng cao khi qua TP HCM và Đồng Nai.
Nhưng dự án thật sự đi qua đâu? “Khu vực dự án đi qua đều nằm ở vùng ven TP HCM và Đồng Nai, qua đồng ruộng…, làm sao tốn nhiều chi phí giải phóng mặt bằng? Ở các nước, xây đường cao tốc vượt biển, qua đèo, hầm xuyên núi nhưng chi phí cũng không cao như Việt Nam, chỉ từ 5-15 triệu USD/km.
Chi phí làm đường cao tốc ở Việt Nam đắt đỏ phải chăng do chúng ta chưa giám sát chặt chẽ khâu thiết kế, thi công? Không phải chủ đầu tư nói sao, nghe vậy”! - TS Mai phân tích.
Ngày càng tăng
Điều bất thường nữa của một số tuyến đường cao tốc ở Việt Nam là trong cùng một điều kiện tự nhiên nhưng chi phí cho 1 km đường cao tốc lại vênh nhau. Chẳng hạn, chi phí cho 1 km đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây gấp đôi đường cao tốc TP HCM - Trung Lương. Và nay, chi phí cho 1 km đường cao tốc Bến Lức - Long Thành gấp đến 3 lần tuyến TP HCM - Trung Lương.
Chuyên gia giao thông - TS Phạm Sanh dẫn chứng: Tuyến đường cao tốc đầu tiên ở phía Nam là TP HCM - Trung Lương có vốn đầu tư ban đầu 4.900 tỷ đồng nhưng khi quyết toán, con số này đội lên 9.800 tỷ đồng. Lúc đó, nhiều chuyên gia phản ứng chi phí đầu tư quá cao, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) trả lời do đất yếu, nhiều vùng phải làm cầu cạn và công nghệ về đường cao tốc chưa có nhiều… nên đẩy suất đầu tư lên cao.
Phối cảnh dự án cầu cáp Phước Khánh trên đường cao tốc Bến Lức - Long Thành. |
“Lần đầu tiên còn đổ thừa khách quan, đến khi đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây cũng dài khoảng 50 km nhưng chi phí đầu tư nhảy vọt lên khoảng 20.000 tỷ đồng. Quốc hội phản ứng, bộ lại dẫn chứng những con số về suất đầu tư đường cao tốc ở Việt Nam rẻ hơn Nhật, Hàn Quốc và xấp xỉ Trung Quốc.
Bộ GTVT rất thích so sánh tiêu chuẩn đường cao tốc Việt Nam với nước ngoài mà không biết rằng đường cao tốc nước ngoài chỉ đi khoảng 10 km là có trạm dừng chân, có chỗ xử lý tai nạn; còn ở mình không có chỗ đi vệ sinh! Nay, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành dài chỉ khoảng 57 km nhưng chủ đầu tư “nặn” ra con số vốn đầu tư hơn 31.000 tỷ đồng. Mà đây chỉ là giai đoạn 1, nghĩa là tuyến đường này sẽ còn tốn kém hơn nhiều” - ông Sanh nêu.
Vì sao cao? Ai gánh?
Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho rằng chi phí xây đường cao tốc cao sẽ dẫn đến phí lưu thông rất cao và chi phí vận tải của hàng hóa Việt Nam sẽ tăng lên rất nhiều so với các nước trong khu vực. Hàng Việt sẽ bị đội giá và giảm khả năng cạnh tranh. Cuối năm nay, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) mở cửa, hàng hóa các nước tràn vào mà lại rẻ hơn hàng Việt thì nguy cơ chúng ta thua ngay trên sân nhà là rất gần.
Đang có quan điểm xem đường cao tốc là “cây đũa thần” mà bỏ mặc các tuyến quốc lộ trong khi nhiệm vụ của nhà nước là phải dùng ngân sách tu sửa quốc lộ cho người dân vận chuyển hàng hóa, dịch vụ; còn đường cao tốc chỉ là lựa chọn thứ hai.
Chuyên gia tài chính - TS Đinh Thế Hiển
“Một số nhà thầu nói với tôi rằng phải có phí “bôi trơn” , đẩy chi phí làm đường tăng lên. Nếu họ không thanh toán được khoản phí này, họ sẽ tìm cách bớt xén từ công trình, bằng chứng là đường cao tốc ở Việt Nam luôn trong tình trạng “giá cao, chất lượng kém”, vừa xây dựng xong đã hư hỏng, thậm chí có hố tử thần…” - ông Doanh nói.
Vừa rồi, Bộ GTVT tuyên bố đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chỉ đầu tư khoảng 20.000 tỷ đồng nhưng bán được 40.000 tỷ đồng là có lời lớn, chứng tỏ chi phí làm đường cao tốc ở nước ta còn thấp. TS Phạm Sanh phản biện: Đây là so sánh rất khập khiễng, bởi anh bán bao nhiêu tôi cũng mua, quan trọng là tôi sẽ lấy lời bao nhiêu và thu phí trong bao nhiêu năm? Nhà đầu tư họ không quan trọng xây dựng tốn bao nhiêu, chỉ quan tâm sau khi mua xong sẽ thu phí trong bao nhiêu năm để đủ thu lời…
Nhà nghèo, xài “thả ga”!
“Ngân sách eo hẹp mà cứ vung tay kiểu này thì... Có đường thông thoáng ai cũng mừng nhưng rồi gánh nặng thu phí sẽ đè lên người dân, gián tiếp phân bổ ra cho các hoạt động kinh tế khác và vô tình tác động hết sức tiêu cực đến sản xuất toàn xã hội trong 5-10 năm tới.
Hiện một số nước đang phát triển đã bắt đầu dè dặt chuyện đầu tư đường cao tốc dạng BOT thu phí” - TS Phạm Sanh lo ngại.