Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ trưởng Thăng đàm phán rút tiến độ Bến Lức – Long Thành

Bộ trưởng Thăng khẳng định việc rút ngắn tiến độ gói thầu J1 và J3 (cầu Bình Khánh, cầu Phước Khánh) thuộc dự án cao tốc Bến Lức - Long thành sẽ giúp dự án được khai thác hiệu quả.

Thay đổi thiết kế, tư vấn đề xuất tăng thời gian thi công thêm 8 tháng

Báo cáo công tác thiết kế, lập tiến độ thi công 2 gói thầu J1 (cầu Bình Khánh) và J3 (cầu Phước Khánh) - 2 gói thầu lớn quyết định tiến độ dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, ông Mai Tuấn Anh – Tổng giám đốc Tổng công ty Đâu tư phát triển đường cao tốc VN cho biết: Theo Hiệp định khoản vay được ký với JICA cũng như kế hoạch đấu thầu thì tiến độ thi công 2 gói thầu J1 (cầu Bình Khánh) và J3 (cầu Phước Khánh) đều là 40 tháng.

Theo thiết kế đã được Bộ GTVT phê duyệt, cầu Bình Khánh dài 3.783 m, khẩu độ nhịp chính là 460m. Cầu Phước Khánh dài 3.793 m, khẩu độ nhịp chính là 375 m. Cả 2 cầu đều là cầu dây văng 2 mặt phẳng dây, bề rộng cầu 24,5 m, kết cấu dầm thép liên hợp với bản mặt cầu là bê tông cốt thép (với cầu Bình Khánh) và bê tông cốt thép dự ứng lực (với cầu Phước Khánh).

Trên cơ sở các thông số kỹ thuật của dự án đã được Bộ GTVT phê duyệt, Tư vấn đã thiết kế chi tiết toàn bộ tất cả các gói thầu, tổng mức đầu tư cập nhật là 41.726 tỷ đồng, vượt so với tổng mức đầu tư được duyệt là 10.407 tỷ đồng, trong đó giá trị xây lắp gói J1 là 5.319 tỷ VNĐ, vượt 2.6767 tỷ đồng, gói J3 là 4.148 tỷ, vượt 1.694 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng bấm nút khởi công dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng bấm nút khởi công dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Đảm bảo tổng mức đầu tư không vượt quá số tiền được duyệt, Bộ GTVT đã thành lập tổ công tác rà soát thiết kế kỹ thuật của dự án. Cầu Bình Khánh sau khi điều chỉnh có chiều dài 2.763 m, cầu Phước Khánh dài 3.186 m. Cả 2 cầu đều có kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực. 

Sẽ không có gì đáng nói nếu không có chuyện dựa vào các yêu cầu kỹ thuật của dự án và khối lượng công việc chi tiết của các gói thầu, Tư vấn thiết kế đã đề xuất tiến độ thi công cho gói J1 là 48 tháng và gói J3 là 43 tháng. Nguyên nhân, theo tư vấn, tại gói J1, việc thay đổi kết cầu dầm chủ cầu Bình Khánh từ dầm liên hợp sang dầm Bê tông cốt thép dự ứng lực sẽ khiến thời gian thi công kéo dài hơn do phải chờ bê tông đủ cường độ mới có thể tiến hành căng cáp dự ứng lực. Hơn nữa, do chiều dài cả 2 gói thầu J1 và J3 đầu lớn hơn nên giá trị xây lắp lớn hơn do đó khối lượng thi công công việc chi tiết lớn hơn, đòi hỏi thời gian thi công nhiều hơn…

“Tư vấn đã khẳng định thời gian 40 tháng là không đủ cho công tác thi công gói thầu J1. Trong trường hợp tăng thiết bị thi công, rút ngắn thời gian mua vật tư bằng cách mua của nhiều nhà cung cấp cùng một lúc thì cũng chỉ có thể rút ngắn tối đa 3 tháng cho mỗi gói thầu” – ông Tuấn Anh cho biết. 

Bộ trưởng đề nghị sớm đấu thầu 2 gói J1, J3

Đàm phán với ngài Mutsuya Mori ,Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam về tiến độ 2 gói thầu J1, J3, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh: Dự án Bến Lức – Long Thành đã khởi công lâu rồi, vấn đề của cả JICA và Việt Nam là làm sao hoàn thành dự án, sớm đưa vào khai thác, góp phần tăng hiệu quả đầu tư dự án. Bộ GTVT mong muốn JICA tạo điều kiện đấu thầu sớm để lựa chọn nhà thầu cũng như tìm cách rút ngắn thời gian thi công để các gói thầu hoàn thành đồng bộ mà không làm tăng tổng mức đầu tư. 

Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định việc rút ngắn thời gian thi công gói J1, J3 sẽ giúp dự án được khai thác đồng bộ, hiệu quả.
Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định việc rút ngắn thời gian thi công gói J1, J3 sẽ giúp dự án được khai thác đồng bộ, hiệu quả.

“Trước đây, một số dự án do JICA hỗ trợ, các gói thầu không được triển khai đồng thời nên toàn bộ dự án không được khai thác đồng bộ” – Bộ trưởng cho biết.

Chia sẻ với quan điểm của Bộ trưởng về việc đẩy nhanh tiến độ dự án sẽ giúp khai thác dự án hiệu quả hơn, ngài Mutsuya Mori cũng khẳng định: Về mặt kỹ thuật, chắc chắn sẽ có cách để rút ngắn tiến độ song chắc chắn sẽ có chi phí phát sinh. 

Một lần nữa khẳng định việc rút ngắn tiến độ sẽ phát huy giá trị của toàn bộ giữ án, đỡ lãng phí một số gói thầu đã đầu tư trước, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng đồng tình với quan điểm có thể phát sinh chi phí với ngài Mutsuya Mori. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, việc rút ngắn tiến độ cũng sẽ giúp giảm bớt chi phí cho ban quản lý dự án, cho tư vấn giám sát cũng chi phí nhà thầu thi công giảm đi. 

“Thời gian thi công có thể kéo dài ra hoặc co lại nhưng tổng số giờ không đổi, chi phí không đổi, lãi vay giảm đi. Và điều quan trọng là góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội, hiệu quả chưa tính hết được bằng tiền” – Bộ trưởng phân tích.

“Muốn biết chi phí của gói thầu có tăng hay không, phải có phân tích cụ thể. Nếu không có phân tích mang tính kỹ thuật, quyết định ở đây chỉ mang tính định hướng. Ngoài ra nếu rút ngắn tiến độ thi công, nhà thầu có thể sợ không đáp ứng được tiến độ sẽ không đấu thầu hoặc sợ bị phạt tiến độ nên sẽ bỏ thầu giá cao hơn” – ngài Mori nói. “Đứng dưới góc độ nhà thầu, nếu kỹ thuật đòi hỏi 48 tháng thì khó chấp nhận thời hạn thấp hơn được nếu không tính rủi ro kèm theo” – ngài Mori bổ sung. 

Gạt vấn đề rút ngắn tiến độ ra một bên, Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị phía JICA tạo điều kiện đấu thầu sớm 2 gói thầu này. “Cứ cho đấu thầu sớm, sau đó chúng tôi sẽ đàm phán với người trúng thầu về việc giảm thời gian” – Bộ trưởng đề nghị.  “Ở VN, tiến độ chậm chủ yếu do vướng mặt bằng. 2 gói J1 và J3 thì không phải giải phóng mặt bằng do đó có thể dùng giải pháp công nghệ, kỹ thuật để rút ngắn thời gian” – Bộ trưởng tiếp lời. Đề nghị này cuối cùng cũng đã giành được sự nhất trí của phía JICA mà đại diện là ngài Mutsuya Mori.

http://giaothongvantai.com.vn/giao-thong-phat-trien/201408/bo-truong-thang-dam-phan-rut-tien-do-cao-toc-ben-luc-long-thanh-519742/

Theo Thanh Bình/Giao Thông Vận Tải

Bạn có thể quan tâm