Chiều 8/11, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp người có công cùng lãnh đạo các đơn vị đã làm việc với Văn phòng tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam.
Phó thủ tướng cho biết Chính phủ đang xây dựng Đề án cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội, Trung ương Đảng dự kiến xem xét, thông qua vào tháng 5/2018.
Đề án liên quan đến những người đang lao động và đã nghỉ hưu, bao gồm khu vực công, tổ chức nhà nước, khu vực sản xuất.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi làm việc. Ảnh: N.B. |
Ban chỉ đạo Đề án mong nhận được kinh nghiệm và khuyến cáo của các chuyên gia quốc tế. Qua đó xây dựng Đề án thành công, giúp cơ quan quản lý ban hành chủ trương, chính sách cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội của Việt Nam.
Tiến sĩ Chang-Hee Lee, Giám đốc Văn phòng ILO, đánh giá không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội là chính sách then chốt, có ảnh hưởng đến sự phát triển.
Ông Chang-Hee Lee cho rằng lương tối thiểu chỉ có chức năng nhất định. Mức lương thương lượng mới là then chốt của từng doanh nghiệp. Ở Việt Nam, thương lượng tập thể chưa phát triển, trong khi đó yêu cầu của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU là được phê chuẩn công ước của ILO, Công ước 98.
Đại diện ILO tại Việt Nam. Ảnh: N.B. |
"Đây là yếu tố để thúc đẩy thương lượng từ đó thúc đẩy vấn đề xác lập thương lượng tiền lương trong nền kinh tế thị trường", ông Chang-Hee Lee nhấn mạnh.
Giám đốc Văn phòng ILO Việt Nam khuyến nghị cần có một công thức để điều chỉnh tiền lương tối thiểu, qua đó xác định việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu có thể dự báo trước.
Tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã đề nghị ILO tiếp tục đề xuất cụ thể liên quan đến tiền lương, nhất là trả lương theo cấp bậc, vị trí. Phó thủ tướng cũng đề nghị ILO cung cấp tài liệu về mô hình tiền lương, bảo hiểm xã hội của một số nước để Việt Nam tham khảo.