Nước Mỹ hậu chiến tranh lạnh, như cách Andrew Bacevich viết trong "The Age of Illusion" (Tạm dịch: Kỷ nguyên của ảo tưởng), như một người trúng số độc đắc của chương trình Mega Millions: Tài lộc trên trời rơi xuống, ngoài sức tưởng tượng, và ẩn chứa tiềm năng thảm họa. Mọi việc cũng không quá tệ.
Tuy nhiên, gần 3 thập kỷ sau 1991, chiến thắng ngày đó lại được tiếp nối bằng những nỗi thất vọng.
Nước Mỹ lao vào những cuộc chiến không hồi kết, liên tiếp gặp phải những kết quả thất vọng với hệ giá trị mình theo đuổi ngày một suy yếu ngay trong đất nước. Ảnh: AP. |
Kỷ nguyên Chiến tranh lạnh kết thúc với nước Mỹ thiết lập vị thế quốc gia hùng mạnh nhất lịch sử. Lực lượng vũ trang không đâu sánh bằng, triết lý quản trị của họ dường như không đối thủ.
Thế nhưng, siêu cường này lại gặp khó khăn trong nỗ lực đánh bại từ những nhóm vũ trang bộ lạc, những nhà lãnh đạo bị cô lập mà họ xem là độc tài, đến việc tìm ra cách đối phó với một nước Nga ngày càng quyết liệt hay sự trỗi dậy của Trung Quốc trên trường quốc tế.
Giữa lúc đại dịch bùng phát, những đồng minh có thể đã kỳ vọng Mỹ đứng ra điều phối nỗ lực ứng phó toàn cầu. Thay vào đó, mọi việc đã diễn ra theo chiều ngược lại.
Nước Mỹ bất ngờ tự rơi vào vòng xoáy chia rẽ và cay độc, tích tụ dần dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump - người đã đắc cử bằng cách bác bỏ nhiều giá trị từng đưa nước Mỹ đến với chiến thắng trong cuộc đối đầu giữa hai siêu cường.
Trong quyển sách Do Morals Matter? (Tạm dịch: Liệu đạo đức có quan trọng), Joseph Nye, cựu hiệu trưởng Trường Chính trị Kennedy của Havard, chia sẻ nhìn nhận các đời tổng thống Mỹ đã gặp khó khăn như thế nào trong việc trở thành hiện thân chuẩn mực cho đạo đức lãnh đạo.
Còn quyển The Abandonment of the West (Tạm dịch: Xa rời phương Tây), Michael Kimmage, nhà nghiên cứu cho Quỹ German Marshall, mỉa mai những mâu thuẫn trong ý tưởng "phương Tây" do Mỹ dẫn dắt.
Với The Age of Illusion, Andrew Bacevich, cựu giáo sư của Đại học Boston, đã mô tả cụ thể học thuyết hậu chiến tranh lạnh của sức mạnh Mỹ hình thành như thế nào và theo ông nó đã tàn lụi ra sao.
Dù chưa phải là lời giải cuối cùng, mỗi quyển sách vẫn cung cấp cho người đọc những những góc nhìn sâu sắc và trăn trở cho cho câu hỏi bằng cách nào thắng lợi đã trở nên chua chát.
Tổng thống Mỹ George H. W. Bush (trái) và Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev gặp nhau ở Moscow năm 1991. Ảnh: Reuters. |
Phương Tây lo âu
Trước khi xét đến ứng xử luân lý của mỗi tổng thống, tính từ thời Franklin D. Roosevlet, Joseph Nye bắt đầu những lập luận xoay quanh tựa đề tác phẩm của mình: Liệu đạo đức có quan trọng.
Mục tiêu mà ông hướng đến là những nhà hiện thực trong chính sách đối ngoại, vốn lập luận mọi quốc gia dù khoát lên mình tấm áo nào đều là những chủ thể phi luân lý và đặc lợi ích của chính mình lên trước.
Joseph Nye phản biện việc phần lớn lãnh đạo Mỹ tự cho rằng họ khác biệt với những nhà lãnh đạo châu Âu đa nghi và chủ trương cân bằng quyền lực. Nye dẫn lời của Theodore Roosevelt: "Sự hữu ích của chúng ta với nhân loại tùy thuộc vào việc chúng ta kết hợp quyền lực với mục đích cao cả".
Phần còn lại trong câu nói nổi tiếng của tổng thống thứ 26 trong lịch sử Mỹ là: "Quyền lực không được chỉ đường bởi mục đích cao cả sẽ đồng nghĩa với tai họa, và bản thân mục đích cao cả cũng hoàn toàn vô dụng nếu thiếu quyền lực để thực hiện nó".
Joseph Nye, nhà tư tưởng đã xây dựng học thuyết về quyền lực mềm trong thập kỷ 1980, cũng nhấn mạnh bản thân "mục đích cao cả" cũng là một thành tố quan trọng trong sức ảnh hưởng của Mỹ.
Trật tự quốc tế mà Mỹ đã xây dựng được dựa trên tính chính danh, và theo cách giải thích của Nye, tính chính danh này này dựa trên một loạt các giá trị.
Dĩ nhiên mọi tổng thống đều có những khuyết điểm riêng. Nye đã quan sát thế giới đủ lâu để không ảo tưởng về điều này. Tuy nhiên, ông nhận định chưa từng có tổng thống nào từ bỏ những ngôn từ vĩ mô hay các phân định đúng - sai trong chính sách đối ngoại như Tổng thống Donald Trump.
Cũng chưa từng có tổng thống nào nhiệt thành thể hiện tình cảm với những nhà chuyên quyền và lý tưởng sức mạnh là chân lý của trường phái Thomas Hobbes đến như vậy.
Chỉ có ông Trump và những quan chức bổ nhiệm mới tìm cách phá vỡ trật tự quốc tế mà chính những người tiền nhiệm đã xây dựng và duy trì, với ý nghĩ của Nhà Trắng rằng trật tự đó đã khiến nước Mỹ trở thành "Gulliver" bị trói buộc ở xứ sở tí hon ("Gulliverising" America).
Khác với cách Joseph Nye nhìn nhận về những nền tảng của lãnh đạo luân lý, Michael Kimmage lại cho rằng "phương Tây" không phải là một nơi chốn, mà là một loạt tư tưởng được diễn giải tại Mỹ từ cuối thế kỷ XIX khi nước này sắp tự nhận lãnh trách nhiệm của một cường quốc.
"Phương Tây" ở đây là chủ nghĩa tư bản, khoa học, Thời kỳ Khai sáng, là nền pháp quyền và nhân quyền. Tất cả được mang đến từ châu Âu bởi Christopher Columbus, một nhân vật đã được huyền thoại hóa, và đặt nền móng cho một liên minh xuyên Đại Tây Dương sau này.
Trong The Abandonment of the West, Kimmage lập luận rằng, theo góc nhìn của cánh tả, "phương Tây" từ lâu đã bị nhìn nhận là nguồn cơn của đạo đức giả và phân biệt chủng tộc. Columbus được vẽ lại như một nhà chinh phạt và là một kẻ cướp.
Martin Luther King, mục sư và nhà hoạt động nhân quyền da màu nổi tiếng tại Mỹ, từng chỉ ra thực tế đầy trớ trêu rằng: Trong khi Nhà Trắng cổ vũ tự do bầu cử ở những nước Đông Âu, một bộ phận lớn người dân Mỹ cùng thời điểm lại không được hưởng quyền lợi này.
Edward Said, một giáo sư gốc Palestin tại Đại học Columbia, lên án "những xung đột tồi tệ mang tính tối giản đã lùa mọi người vào những khối rubic thống nhất nhưng sai bản chất như 'người Mỹ', 'phương Tây' hay 'Hồi giáo'".
Theo lập luận của Kimmage, một khi không còn được bảo vệ bởi sự thù địch với Liên Xô, khái niệm "phương Tây" lập tức bị thất sủng và không còn là ngọn cờ đoàn kết ý thức hệ. Cánh tả ngày càng nhìn nhận khái niệm này "có lịch sử quá da trắng và nặng nam tính, đậm chất của tầng lớp tinh hoa, và là sự đồng lõa với hành động xâm lược của Âu-Mỹ trong kỷ nguyên tiền Khai sáng".
Cánh hữu tại Mỹ thích ý tưởng về di sản văn hóa của "phương Tây", nhưng lại không thoải mái với thực tế rằng châu Âu là một phần thiết yếu của nó. Họ cho rằng khái niệm này "quá xa rời dân tộc tính, quá nặng về nhà nước phúc lợi, quá hòa bình và nặng tính thế tục".
Giữa lúc Trung Quốc và Nga thách thức khái niệm dân chủ, còn những tác phẩm kinh điển từ Thời kỳ Khai sáng dần biến mất khỏi danh sách đọc ở các trường đại học, theo Kimmage, khái niệm "phương Tây" không những đang lung lay mà thậm chí có lẽ đã đến hồi kết.
Kẻ thù từ bên trong
Andrew Bacevich lại đưa ra một góc nhìn khác. Ông không quan tâm đến việc những tư tưởng về "phương Tây" dần biến mất khỏi giảng đường đại học và các tổ chức tư vấn chính sách, mà tập trung vào cách khái niệm này được cổ súy hết mực bởi giới tinh hoa chính trị.
Bacevich dẫn lời Tổng thống George W. Bush phát biểu trước các thiếu sinh quân học viện quân sự Westpoint năm 2002: "Thế kỷ XX kết thúc với chỉ duy nhất một mô hình tiến bộ của nhân loại sống sót. Nó dựa trên những nhu cầu không thể tranh cãi về nhân phẩm con người, nền pháp quyền, giới hạn quyền lực nhà nước, tôn trọng phụ nữ, tài sản tư nhân, tự do ngôn luận, công lý bình đẳng và khoan dung tôn giáo".
Tuy nhiên, trong The Age of Illusions, Andrew Bacevich phê bình rằng giới tinh hoa quân sự, chính trị và thương mại Mỹ đã quá tự tin rằng những động cơ thúc đẩy hành động của nước Mỹ vượt lên trên mọi phán xét (bất khả trì), và thế giới quan của họ chắc chắn thắng lợi.
Họ tự nhận về mình trách nhiệm làm người hành pháp toàn cầu. Họ xây dựng một hệ thống vận hành mới, thiết kế để củng cố sự ưu việt của Mỹ, dựa trên toàn cầu hóa, sức mạnh quân sự vượt trội, mưu cầu hưởng thụ cá nhân chủ nghĩa và "tổng thống chế mang tính đế quốc" (Imperial presidency).
Tuy nhiên, theo Bacevich, hệ thống này đã kéo theo hàng loạt hệ quả ngoài ý muốn. Toàn cầu hóa đáng lẽ phải tạo nên thịnh vượng, nhưng nhiều người Mỹ lại than thở về bất bình đẳng.
Sự vượt trội về quân sự kéo nước Mỹ vào những cuộc chiến không hồi kết, trả giá bằng con cái của những gia đình có thu nhập thấp. Mưu cầu hưởng thụ dẫn đến sự xói mòn về trách nhiệm và một xã hội ích kỷ, cá nhân hóa. Quyền lực tối thượng của tổng thống lại trở thành công thức cho những thất vọng của cử tri.
Tất cả hệ quả đó lên đến đỉnh điểm khi Tổng thống Donald Trump đắc cử. Trong The Age of Illusions, Bacevich nhận định sự xuất hiện của ông Trump trong Phòng Bầu dục là thông điệp bác bỏ hệ thống vận hành hậu chiến tranh lạnh và tất cả những gì mà hệ thống này đại diện.
Cách giới tinh hoa chăm chăm vào các khuyết điểm của ông Trump giúp tầng lớp này né tránh nỗi đau khi phải thừa nhận dự án hậu chiến tranh lạnh đã thất bại.
Cả ba quyển sách đều cố lý giải điều gì đã xảy ra với Mỹ sau khi Liên Xô sụp đổ thông qua tự vấn về các vấn đề nội tại, trong bản chất của chính nước Mỹ, chứ không tìm kiếm một lý do ở bên ngoài biên giới.
Qua nhiều phương diện nhìn nhận, các tác giả đều ít nhiều chỉ trích Tổng thống Trump. Trong khi Joseph Nye nghi ngờ về giá trị luân lý của nhà lãnh đạo, Michael Kimmage xem ông Trump là tổng thống Mỹ "bài xích" phương Tây đầu tiên.
Trong khi đó, theo nhận định của Andrew Bacevich, dù không thể đi đến định nghĩa về nước Mỹ thời hậu Chiến tranh lạnh thông qua trường hợp của Tổng thống Trump, siêu cường này cũng không thể quay đầu được nữa.
Đó cũng là bài học cho cựu phó tổng thống Joe Biden, ứng viên tranh cử tổng thống năm nay của đảng Dân chủ, vốn đang khơi gợi những cảm giác rằng ông sẽ đưa nước Mỹ trở lại như xưa.