Tại Hội nghị An toàn giao thông trên đường cao tốc ngày 10/12, ông Nguyễn Mạnh Thắng - Quản trị diễn đàn Otofun cho hay, theo phản ánh của các thành viên, trên một số đường cao tốc hệ thống biển báo chưa hoàn thiện, nhiều biển báo quá nhỏ, chỉ dẫn ra vào chưa rõ ràng, gây khó khăn cho lái xe.
Các trạm dừng nghỉ trên cao tốc rất thiếu, không đồng bộ, dịch vụ cung cấp rất hạn chế. Khi có sự cố, số điện thoại “đường dây nóng” phát huy hiệu quả không cao.
Mua an toàn hay mua tai nạn?
"Đã có thành viên của diễn đàn bị nổ lốp trên cao tốc nhưng gọi đến số dịch vụ trên cao tốc lại được cung cấp một dịch vụ khác và đã phải mất 800.000 đồng cho một lần thay lốp", đại diện diễn đàn Ôtô - xe máy lớn nhất Việt Nam nói.
Sau khi chỉ ra một loạt những bất hợp lý trên cao tốc, ông Thắng nhấn mạnh: "Chúng tôi bỏ tiền mua phí, thì phải được tham gia giao thông an toàn, nhưng hiện nay có cảm giác bất an vì đường cao tốc đang xuống cấp".
Biển báo giới hạn tốc độ trên cao tốc Hà Nội - Lào Cai được cắm ở bên phải đường, rất khó quan sát khi phóng tốc độ cao, nhất là ban đêm. Ảnh: Hoàng Hà. |
Đồng tình với ý kiến này, thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh, Cục phó Cục CSGT (Bộ Công an) nói: "Đường tốc độ cao nhưng lại không có đèn chiếu sáng, biển báo quá nhỏ, mặt đường xuống cấp. Như vậy người ta mua tai nạn chứ không phải mua sự thuận lợi, an toàn".
Theo thiếu tướng Dánh, đường cao tốc, đặc biệt tuyến Hà Nội -Lào Cai quá nguy hiểm khi có nhiều xe đi ngược chiều.
"4h sáng tôi đi kiểm tra từ Lào Cai xuống Yên Bái đã thấy biển báo nhiều chỗ bất hợp lý, biển báo quá nhỏ. Nhiều xe đi qua nút giao mới biết, dẫn tới việc lùi xe hoặc đi ngược chiều rất nguy hiểm", ông Dánh dẫn chứng.
Theo Cục phó Cục CSGT đường bộ, lái xe phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình nhưng xét về lỗi lại do cơ quan quản lý.
"Rõ ràng chúng ta phải tính toán lại", thiếu tướng Dánh nói và cho hay, yếu tố cấu thành nên an toàn trên cao tốc là con đường, con người, phương tiện tham gia và môi trường xã hội, môi trường tự nhiên.
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh, Cục phó Cục CSGT. Ảnh: Công Khanh. |
Dân tập thể dục buổi sáng trên cao tốc
Nói về nguyên nhân tai nạn giao thông, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, từ trước tới nay vẫn chủ yếu làm rõ trách nhiệm của người điều khiển phương tiện nhưng nguyên nhân do kết cấu hạ tầng ít được nhắc tới. Vì vậy phải có quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý khai thác đường, phải có chế tài cụ thể.
Theo ông Hùng, trên tuyến đường mà biển báo nhỏ, mờ, không nhìn thấy, vạch sơn mờ nhạt, cát sỏi, bùn rơi, nước đọng trên mặt đường là trách nhiệm từ phía cơ quan quản lý cao tốc.
Việt Nam có hơn 700 km đường cao tốc, nhưng ông Hùng cho hay, nhiều phương tiện bị cấm vẫn đi trên cao tốc. Trên đường từ Hà Nội lên Lào Cai, tại đoạn qua Vĩnh Phúc, ông còn thấy buổi sáng người dân tập thể dục trên cao tốc.
Sau khi đặt câu hỏi "nếu tai nạn xảy ra với người đi bộ, người đi xe máy trên đường cao tốc, ai phải chịu trách nhiệm?", ông tự trả lời: Đây là các phương tiện bị cấm lưu thông trên cao tốc, vì vậy rõ ràng lỗi trước tiên thuộc về các phương tiện này.
Cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình... chỉ có đèn cao áp ở một số đoạn, gây hạn chế tầm nhìn vào buổi tối. Ảnh: Hoàng Hà. |
Để giải quyết tình trạng mất an toàn cao tốc, ông Hùng đề nghị Cục Quản lý đường bộ cao tốc cần tham mưu thành lập đoàn đi khảo sát kiểm tra ATGT trên các tuyến. Thành phần đoàn phải có người chịu trách nhiệm quyết định được vấn đề. Trước tiên sẽ kiểm tra Km6-Km54 cao tốc Nội Bài - Lào Cai để từ 1/1/2016 sẽ tiến hành xử phạt nguội.
“Không thể chỉ đòi hỏi từ lực lượng tuần tra kiểm soát, chính quyền địa phương, người tham gia giao thông mà chính các đơn vị quản lý, khai thác đường cao tốc cần phải duy trì chất lượng kết cấu hạ tầng, vì đây là môi trường để người dân thực hành các quy tắc giao thông", Phó chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia nói.
Cũng theo ông Hùng, việc cần làm ngay, từ nay đến trước Tết Nguyên đán là rà soát lại biển báo, vạch sơn kẻ đường trên tất cả các tuyến cao tốc để người dân đi lại được an toàn.
“Sau cuộc họp này, Uỷ ban ATGT Quốc gia sẽ xây dựng kế hoạch chung để đảm bảo ATGT trên đường cao tốc để cho tất cả các cơ quan chức năng, các địa phương vào cuộc và sẽ được triển khai trong năm 2016”, ông Hùng khẳng định.
Tai nạn xảy ra ở nơi không có đèn
Ông Trần Văn Vũ, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Long An cho biết, cao tốc TP HCM - Trung Lương thông xe tháng 2/2010, và đến nay 30 km cao tốc qua tỉnh này đã xảy ra 212 vụ tai nạn giao thông làm chết 33 người, bị thương 149 người, hư hỏng 83 ôtô.
Nguyên nhân tai nạn chủ yếu do thiếu quan sát, trong đó lái xe ngủ gật chiếm 51%, phương tiện không đảm bảo an toàn (nổ lốp) chiếm 31%... Tai nạn cũng xảy ra nhiều ở đoạn cao tốc không có đèn, tầm nhìn bị hạn chế.