Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Nghịch cảnh ở thành phố giàu có nhất Trung Quốc

Nhiều nhân viên giao hàng đã trở thành người vô gia cư trong bối cảnh Thượng Hải phong tỏa và các khu dân cư cấm người ra vào vì sợ họ mang virus trở lại.

nguoi Thuong Hai ngu ngoai duong anh 1

Lệnh phong tỏa ở Thượng Hải đã khiến hàng chục triệu người bị mắc kẹt trong nhà suốt một tháng rưỡi. Trong khi đó, hàng nghìn người khác ở thành phố giàu có nhất Trung Quốc lại rơi vào cảnh ngược lại: Sống ngoài đường.

Nhiều người trong số họ là lao động nhập cư đến từ vùng nông thôn. Trước khi dịch bùng phát, những người này phải chật vật để kiếm miếng ăn mỗi ngày và chấp nhận ở chung phòng với nhiều người khác. Thế nhưng, lệnh phong tỏa đã khiến các doanh nghiệp phải đóng cửa.

Trong bối cảnh đó, một số người đã chọn trở thành nhân viên giao hàng cho các nền tảng trực tuyến như Ele.me hay Meituan.

Nhưng thu nhập đi kèm với sự kỳ thị do những đối tượng này được cho là có khả năng mắc Covid-19 cao hơn.

Trong khi chính quyền Thượng Hải đã miễn trừ hạn chế cho nhân viên giao đồ ăn, một số khu dân cư có quy định riêng, cấm những người này về nhà vì sợ họ sẽ mang theo virus trở lại, theo Wall Street Journal.

Không có tiền cũng như các mối quan hệ để tìm chỗ ở khác, nhiều nhân viên đã mua những chiếc lều đơn giản hoặc ngủ dưới gầm cầu chỉ với một tấm ga trải giường hoặc chăn.

nguoi Thuong Hai ngu ngoai duong anh 2

Một nhân viên giao hàng bên ngoài khu dân cư bị phong tỏa ở Thượng Hải. Ảnh: Reuters.

Sống trong cảnh “màn trời chiếu đất”

Với hy vọng kiếm được nhiều tiền hơn ở trung tâm tài chính hàng đầu cả nước, một người lái xe họ Wang cho biết anh chuyển đến Thượng Hải vào ngày 5/3, sau khi làm công việc giao đồ ăn ở một thành phố khác.

Thế nhưng, chưa đầy một tháng sau, hôm 1/4, khu dân cư anh sống bị phong tỏa và người dân không được phép rời khỏi nơi này trong hơn ba tuần.

Ngày 24/4, Wang bắt đầu lại công việc giao hàng - cách kiếm sống duy nhất của anh hiện nay. Điều này có nghĩa là từ bị hạn chế ở yên trong khu nhà, giờ anh bị hạn chế không được vào đây.

Không còn cách nào, Wang phải sống dưới gầm cầu.

Những nhân viên giao đồ ăn khác cho biết họ tụ tập lại dưới bất cứ cây cầu nào họ có thể tìm thấy để tránh gió mưa. Một người lao động cho biết anh đã sống dưới một cây cầu với hơn 30 người khác, hầu hết đều chạy giao hàng như anh.

"Có bao nhiêu người có thể hiểu được hoàn cảnh của chúng tôi?", anh Wang nói. "Nỗi khổ của chúng tôi là có thật nhưng rất khó giải thích".

Trong những tuần gần đây, chính quyền địa phương cho biết họ đã tăng cường hỗ trợ cho khoảng 20.000 tài xế giao hàng ở Thượng Hải.

Giới chức đã phối hợp với các khách sạn và tổ chức khác để thiết lập trạm dịch vụ lái xe, cung cấp nệm, bữa ăn và nơi để sạc các thiết bị.

nguoi Thuong Hai ngu ngoai duong anh 3

Nhiều nhân viên giao hàng đã ngủ dưới gầm cầu chỉ với một tấm ga trải giường hoặc chăn. Ảnh: AP.

Dù vậy, trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 vẫn còn cao, một số người cho rằng việc phong tỏa có thể diễn ra lâu hơn và tình trạng trên sẽ tiếp tục kéo dài.

Mọi chuyện càng tồi tệ hơn khi trong hai tuần qua, cảnh sát đã bắt đầu đến vào lúc nửa đêm để giải tán các khu vực tụ tập dựng lều đông đúc.

Giới chức trách cũng đưa ra quy định mới đối với nhân viên giao hàng, yêu cầu họ phải có chứng nhận kỹ thuật số, bao gồm kết quả xét nghiệm Covid-19 và giấy phép cho phép họ ở bên ngoài.

Trong khi chờ đơn xin thông hành được xử lý, anh Wang một lần nữa phải tạm dừng việc giao hàng.

Anh trốn trong một công viên để tránh khỏi tầm mắt của cảnh sát, dựa vào những người bán hàng rong hoặc nhờ đồng nghiệp để mua đồ ăn.

Khó tìm kiếm phòng trống

Người lao động cho biết các nền tảng giao đồ ăn, thuê họ dưới hình thức lao động hợp đồng, đã phải vật lộn để cung cấp chỗ ở khác cho họ.

Trong một văn bản, Meituan - hãng giao đồ ăn lớn nhất Trung Quốc - cho biết họ đã phối hợp với các khách sạn kể từ tháng 3 để cung cấp chỗ ở tạm thời cho nhân viên của mình.

Trong khi họ đã tìm được nơi ở cho khoảng 15.000 công nhân, Meituan đang kêu gọi thêm nhiều khách sạn hỗ trợ hơn. Họ cũng làm việc với các nhà hàng để cung cấp bữa ăn miễn phí cho nhân viên.

Dù vậy, nhiều người lao động cho rằng như vậy là chưa đủ, đồng thời mô tả khó khăn trong việc tìm kiếm một phòng trống nếu không có quan hệ.

nguoi Thuong Hai ngu ngoai duong anh 4

Nhiều nhân viên giao hàng gặp khó khăn khi không thể tìm chỗ ở khác. Ảnh: AFP.

Một người lái xe tên Nie cho biết anh đã tránh được cảnh sống ngoài đường dựa vào mạng lưới bạn bè của mình, những người đã hỗ trợ và chỉ cho anh biết khách sạn nào còn chỗ trống và có khả năng tiếp nhận thêm người.

“Tôi biết rất nhiều người”, anh nói. "Nhưng những người khác không quen bất cứ ai".

Một tài xế khác tên Liang cho biết Meituan ban đầu cung cấp cho anh chỗ ở tại một khách sạn. Nhưng sau khi chính quyền trưng dụng khách sạn, anh đã mất gần một tháng lang thang trên các con phố trước khi tìm được phòng khác thông qua một người bạn.

“Tôi đã gặp may”, anh nói.

Một số người lại bày tỏ nỗi lo lắng về việc bị cách ly trong khách sạn nếu một khách có kết quả xét nghiệm dương tính với virus.

Một người giao hàng cho biết anh bắt đầu làm việc cho một cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống vào ngày 2/3, nhưng bị yêu cầu ở yên trong nhà vào ngay sáng hôm sau vì một trường hợp dương tính được báo cáo trong khu.

Một người khác đến Thượng Hải vào tháng 10/2021 để làm việc trong nhà máy, nhưng nơi này đã đóng cửa vào cuối tháng 2. Anh cũng bị hạn chế ở trong khu nhà trước khi có thể tìm thấy cơ hội việc làm khác.

Trong bối cảnh đó, cả hai người đều chuyển sang làm công việc giao đồ ăn ngay khi có thể ra khỏi nhà và hiện sống ngoài đường thay vì nhà mình do tính chất công việc.

"Họ không cho tôi vào lại"

Không chỉ nhân viên giao hàng bị buộc phải thay đổi chỗ ở tạm thời, nhiều người khác cũng rơi vào cảnh không nhà cửa, bị bỏ quên giữa các quy tắc hạn chế nghiêm ngặt.

Anna Xu, 42 tuổi, nhiếp ảnh gia ở Thượng Hải, đã tạm thời sống trong một khách sạn sau khi trở về từ chuyến du lịch nước ngoài, bị mắc Covid-19 và được đưa đến cơ sở cách ly. Một khi cô ra ngoài, khách sạn sẽ không cho cô vào lại.

Anna đã phải ở hai đêm ngoài đường, trên một tấm nệm tạm bợ cùng với tất cả hành lý của mình, trong tâm trạng sợ hãi.

“Có rất nhiều người ngủ dưới mái hiên cửa sổ”, cô nói. "Các điều kiện vệ sinh thật tồi tệ".

nguoi Thuong Hai ngu ngoai duong anh 5

Một người quét rác gần bến xe buýt trống trong khu trung tâm thương mại ở quận Triều Dương, Bắc Kinh. Ảnh: AP.

Vào ngày thứ ba, Anna cho biết cô đã đến bệnh viện vì cô cần điều trị vấn đề về thận. Điều này cho phép cô ấy ngủ trên sàn phòng chờ bệnh viện. Anna nói rằng cô ấy đã tìm được chỗ ở khác kể từ đó.

Anh Liang cho biết những người lao động nhập cư có nhiều khả năng phải đối mặt với tình trạng sống ngoài đường, bao gồm đối tượng từng sống trong các nhà ở tập thể và có thể không khai báo cá nhân với nhà chức trách khu phố.

Nếu bạn bị đưa đến cơ sở cách ly, "họ chắc chắn sẽ không để bạn trở lại", anh nói.

Cảnh hoang vắng khác lạ ở Bắc Kinh Trung tâm mua sắm trên khắp Bắc Kinh chìm trong bóng tối từ hôm 9/5, khi thành phố thắt chặt các hạn chế về Covid-19 để đối phó với số ca nhiễm ngày càng tăng.

Cư dân Thượng Hải tải 30 ứng dụng nhưng không đặt được đồ ăn

Sau nhiều tuần sống trong cảnh phong tỏa, một cư dân Thượng Hải cho biết tình hình ngày càng căng thẳng khi nhu yếu phẩm dần cạn kiệt và bức xúc gia tăng.

Điều giúp Đài Loan tránh được 'cơn ác mộng Thượng Hải'

Sau bài học từ Thượng Hải, giới chức Đài Loan dần dần từ bỏ chính sách "Zero Covid-19" và gỡ bỏ các hạn chế ngay cả khi số ca mắc tăng cao kỷ lục.

Minh An

Bạn có thể quan tâm