Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nghi vấn mảnh vỡ tên lửa Trung Quốc rơi xuống Malaysia và Indonesia

Một số mảnh vỡ nghi là của tên lửa Trường Chinh 5B nặng 23 tấn rơi không kiểm soát xuống Trái Đất cuối tuần trước được phát hiện tại nhiều địa điểm ở Malaysia và Indonesia.

Tờ Guardian đưa tin một mảnh vỡ kim loại lớn có đường kính khoảng 5 m đã được tìm thấy ở Kalimantan, Indonesia và những mảnh vỡ khác cũng được phát hiện tại Sarawak, Malaysia. Số mảnh vỡ này có kích thước đủ lớn để gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc thương tích nếu rơi trúng thành phố hoặc làng mạc.

Vào hôm 31/8, hai gia đình đã buộc phải rời nơi cư trú tại Sarawak, Malaysia do lo ngại về nhiễm phóng xạ sau khi nhiều mảnh vỡ tên lửa rơi được tìm thấy gần đó, truyền thông địa phương đưa tin.

ten lua Trung Quoc,  manh vo,  Truong Chinh 5B anh 1

Cảnh sát kiểm tra mảnh vỡ kim loại lớn nghi của tầng lõi tên lửa Trung Quốc ở Kalimantan, Indonesia. Ảnh: Borneo Post.

Trước đó, một số người dân tại Sarawak đã ghi lại hình ảnh bộ phận tên lửa khổng lồ bị vỡ trong lúc lao qua khí quyển và chia sẻ lên mạng xã hội.

“Ban đầu chúng tôi tưởng đó là sao băng”, anh Aizul Sidek, một người dân ở Kuching, Sarawak, chia sẻ vật thể sáng trắng di chuyển kèm theo vệt đuôi dài hình thành từ nhiều mảnh vỡ.

Một cư dân địa phương khác cho biết anh tình cờ nghe thấy tiếng nổ lớn như sấm và một cơn chấn động làm rung chuyển căn nhà vào khoảng 12h40 (giờ địa phương).

Ông Jonathan McDowell, chuyên gia theo dõi vệ tinh ở Trung tâm vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian, cho rằng rất khó để xác định liệu đây có phải là những mảnh vỡ từ tên lửa Trường Chinh 5B hay không do chất lượng của những bức ảnh.

Tuy nhiên, chuyên gia này nhận định những mảnh vỡ lớn này có kích thước tương tự với tầng lõi của tên lửa Trường Chinh 5B. Ông cũng cho biết thời điểm và địa điểm phát hiện trùng khớp với đường bay của tầng lõi tên lửa.

ten lua Trung Quoc,  manh vo,  Truong Chinh 5B anh 2

Tên lửa Trường Chinh 5B được phóng từ Trung tâm Phóng vũ trụ Wenchang ở tỉnh Hải Nam, miền Nam Trung Quốc vào ngày 24/7. Ảnh: AP.

Hôm 31/7, cơ quan hàng không vũ trụ Trung Quốc thông báo đa số mảnh vụn đã cháy hết trong quá trình trở lại Trái Đất và gây ít rủi ro va chạm.

Thông báo từ phía Trung Quốc bị một quan chức Mỹ chỉ trích. “Trung Quốc đã không chia sẻ thông tin quỹ đạo chi tiết trong lúc tên lửa Trường Chinh 5B rơi trở lại Trái Đất”, Tổng giám đốc NASA Bill Nelson nói trong một tuyên bố.

“Tất cả quốc gia thực hiện du hành vũ trụ cần tuân thủ theo các phương pháp tốt nhất đã được thiết lập và làm tròn bổn phận chia sẻ loại thông tin này từ sớm để tạo điều kiện cho việc dự đoán rủi ro va chạm có thể xảy ra, đặc biệt là đối với thiết bị có trọng tải nặng như Trường Chinh 5B”, ông Nelson nói.

Ông cho rằng: “Làm như vậy là rất quan trọng trong việc sử dụng không gian có trách nhiệm và đảm bảo sự an toàn của những con người trên Trái Đất”.

Tên lửa Trường Chinh 5B được phóng đi hôm 24/7 để đưa module phòng thí nghiệm Vấn Thiên lên trạm vũ trụ mới mà Trung Quốc đang xây dựng trên quỹ đạo. Tên lửa Trường Chinh 5B được sử dụng để phóng bộ phận mới của trạm vũ trụ Trung Quốc vào quỹ đạo vào ngày 29/4. Nhưng sau đó, tên lửa rơi vào tình trạng mất kiểm soát cho tới khi dần bị trọng lực Trái Đất kéo xuống đất.

Năm 2020, các mảnh vụn của một tên lửa Trường Chinh 5B từng rơi xuống Bờ Biển Ngà, gây thiệt hại cho một số tòa nhà ở nước này nhưng không gây ra thương tích.

NASA chỉ trích Trung Quốc để mảnh vỡ tên lửa rơi xuống Trái Đất

NASA đã chỉ trích Trung Quốc về việc coi thường các tiêu chuẩn an toàn sau khi mảnh vỡ của một tên lửa lao qua bầu khí quyển và rơi xuống biển ngoài khơi Philippines hôm 30/7.

Mảnh vỡ tên lửa Trung Quốc rơi xuống Ấn Độ Dương

Mảnh vỡ từ tên lửa Trường Chinh 5B nặng 23 tấn của Trung Quốc đã rơi trở lại Trái Đất vào ngày 30/7 tại Ấn Độ Dương, quan chức hàng không vũ trụ của Mỹ và Trung Quốc xác nhận.

Hương Vũ

Bạn có thể quan tâm