Sau khi nghỉ hưu vài năm, cựu sĩ quan tình báo kiêm điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal xuất hiện ở Prague cho một buổi gặp bí mật với điệp viên người CH Czech. Tuy mang vẻ ngoài ốm yếu, ông vẫn vui vẻ uống rượu cùng chủ nhà và đùa rằng đã được bác sĩ kê đơn rượu whiskey để điều trị chứng cao huyết áp.
Theo New York Times, những chuyến đi kiểu này không bị coi là phạm pháp hay bất thường, nhưng chúng cho thấy ông Skripal đã gặp gỡ các nhà tình báo đối địch với Nga, mở ra khả năng vụ đầu độc diễn ra cách đây hơn hai tháng là sự trừng phạt của Moscow dành cho một người vẫn còn liên quan đến hoạt động gián điệp.
Cựu điệp viên Skripal từng có thời gian bị giam giữ trong tù vì tội danh phản quốc. Ảnh: Business Insider. |
Ông Skripal và con gái Yulia được tìm thấy trong trạng thái nguy kịch sau khi bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok ngày 4/3. Chính phủ Anh đã cáo buộc Nga sản xuất và cung cấp độc dược này cho các điệp viên do đây là chất độc hiếm do Liên Xô sản xuất vào thập niên 1980.
Tổng giám đốc Tổng cục An ninh MI5 Andew Parker đã lên tiếng chỉ trích Nga trong buổi họp lãnh đạo các cơ quan tình báo ngày 14/5 tại Berlin. Ông cáo buộc điện Kremlin là “tội phạm côn đồ” và “nói dối không biết ngượng”, đồng thời cảnh báo Nga về nguy cơ trở thành “quốc gia hạ đẳng bị cô lập”.
Ông Skripal và con gái Yulia bị đầu độc ngay trước cửa nhà ngày 4/3. Ảnh: Times. |
Người phát ngôn bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova giận dữ phủ nhận và gọi đó là “cáo buộc điên rồ chống lại nhân dân và đất nước Nga". Vụ việc đã dẫn đến cuộc đối đầu dữ dội không khác gì một bộ phim kinh dị về Chiến tranh lạnh giữa Nga và phương Tây. Trong một động thái gây áp lực với Nga, các quốc gia phương Tây đã trục xuất hơn 150 nhân viên ngoại giao nước này.
Những chuyến đi bí mật
Nước Anh cho rằng Kremlin đã tổ chức vụ mưu sát nhằm gửi đi thông điệp: Nga sẽ không bao giờ tha thứ cho những kẻ phản bội. Giới chức Anh củng cố thêm cho hướng nhìn này bằng cách mô tả ông Skripal như một nạn nhân đáng thương đang sinh sống lặng lẽ sau khi nghỉ hưu tại Salisbury, Anh Quốc.
Tuy nhiên, trong những năm trước khi vụ đầu độc xảy ra, ông Skripal dường như đã có nhiều chuyến đi nhằm cung cấp thông tin về Nga cho các cơ quan tình báo nước ngoài. Theo nguồn tin từ một quan chức giấu tên tại châu Âu, những cuộc gặp gỡ này gần như chắc chắn nhận được sự đồng thuận và khả năng cao được tổ chức bởi các nhà chức trách Anh. Họ cho rằng đây là một phương thức nhằm nâng cao trình độ cho điệp viên phe đồng minh, đồng thời giúp ông Skripal có thêm thu nhập.
Ông đã gặp gỡ các quan chức tình báo CH Czech nhiều lần và tới thăm Estonia vào năm 2016 để trò chuyện cùng điệp viên địa phương. Không có cách nào để biết chắc chắn liệu những chuyến đi của ông Skripal có phải là nguyên nhân gây ra vụ đầu độc hay không. Thông tin về buổi gặp mặt đều được bảo mật kĩ càng, và chỉ số ít các nhân viên tình báo được biết. Không một quan chức tình báo nào ở Czech hoặc Estonia dám thảo luận công khai về những cuộc gặp gỡ với ông Skripal.
“Đây là lằn ranh giới đỏ chúng tôi không thể vượt qua”, đại diện Trung tâm Tình báo Quốc gia Tây Ban Nha đã trả lời khi được hỏi về các cuộc gặp, nếu có, giữa ông Skripal và các điệp viên nước này những năm gần đây.
Cung cấp thông tin cho kẻ địch của Nga
Ông Skripal đặt chân đến Prague chỉ một thời gian ngắn sau khi vợ ông, bà Lyudmila, qua đời vì ung thư tử cung. Tuy rất đau buồn, ông vẫn trong tâm trạng tốt khi gặp gỡ các nhân viên đến từ ít nhất 3 cơ quan tình báo CH Czech. Một số chi tiết về những chuyến viếng thăm này lần đầu được đưa trên tờ nhật báo Respekt của CH Czech, sau đó được xác nhận độc lập bởi New York Times.
Ngoại trưởng CH Czech Martin Stropnicky đã trả lời trong một bài phỏng vấn rằng chuyến thăm này là một phần trong “những hoạt động hợp tác bình thường giữa Cộng hòa Czech và Vương quốc Anh”. Ông cũng cho rằng chuyến thăm của ông Skripal là rất hữu ích.
Trong chuyến thăm ngắn này, ông Skripal đã uống rượu, cười đùa, và cung cấp các thông tin về các nhà tình báo quân đội Nga hoạt động tại châu Âu. Dù ông đã không làm cho cơ quan tình báo này từ năm 1999, các quan chức CH Czech vẫn thấy được giá trị trong những kiến thức của ông do nhiều điệp viên từng làm chung với Skripal trong thập niên 1990 hiện vẫn hoạt động.
Tuy nhìn từ bên ngoài thì sức khỏe của ông Skripal có vẻ không được tốt nhưng ông vẫn vô cùng minh vẫn. Viên chức tình báo Czech đã đến nước Anh nhiều lần trong những năm sau đó để tiếp tục gặp gỡ ông Skripal.
Ông Skripal (đứng giữa hàng sau) cùng các đồng nghiệp trong Cơ quan Tình báo Quân đội Nga năm 1977. Ảnh: Times. |
Giới chức tỏ ra thận trọng hơn về chuyến đi của ông Skripal tới Estonia qua lời diễn tả “thông tin này vô cùng nhạy cảm”. Một quan chức cấp cao tại châu Âu đã xác nhận cuộc gặp giữa ông Skripal và một nhóm tình báo Estonia vào tháng 6/2016 nhưng không cho biết nội dung thảo luận. Cơ quan tình báo Anh Quốc đã giúp tổ chức buổi gặp, vị quan chức cho biết. Người đại diện của Cơ quan Chính phủ Anh từ chối đưa ra lời bình luận.
Quan hệ giữa Nga và Estonia và CH Czech, 2 nước thuộc khối Liên Xô cũ, luôn trong tình trạng căng thẳng do ảnh hưởng bởi những di chứng từ thời Chiến tranh lạnh. Đặc biệt, Estonia thường xuyên vướng phải sự chỉ trích của Nga sau những động thái mãnh mẽ như khai quật các ngôi mộ được cho là của Hồng Quân Liên Xô vào năm 2007. Với Estonia, phát hiện và bắt giữ điệp viên Nga được coi là một hành động mang đến niềm tự hào dân tộc.
“Estonia có chương trình phản gián tốt nhất châu Âu”, cựu Tổng thống Estonia Toomas Hendrik Ilves nói. “Chúng tôi đã bắt được nhiều gián điệp ngang với Đức”.
Không có gì bất bình thường trong các chuyến đi của ông Skripal. Ông John Sipher, cựu quan chức Cơ quan Tình báo Trung ương và từng điều hành chiến dịch chống lại Nga cho biết nước Mỹ thường xuyên yêu cầu những người đào tẩu từ Nga thuyết giảng cho các nhân viên tình báo của các nước đồng minh. Những cuộc họp này luôn nằm trong diện bí mật vì muốn tránh phản ứng giận dữ từ Moscow.
Đằng sau cuộc sống nghỉ hưu của cựu điệp viên
Chia sẻ hiểu biết và kinh nghiệm được coi là cách duy nhất để cựu điệp viên có thể kiếm sống, chuyên gia cho biết. Cựu tổng thống Estonia, ông Ilves, gọi những buổi gặp này là “phiên bản ma quái của buổi tham quan thuyết trình”.
Với cựu điệp viên hai mang, việc nghỉ hưu có thể khiến họ cảm thấy chán nản và thất vọng. Khoản trợ cấp của chính phủ Anh thì theo lời các cựu điệp viên, quá ít ỏi. Vào những năm cuối của thập niên 90, cựu điệp viên Victor Makarov đã đệ đơn kiện cơ quan tình báo Anh về điều kiện sống tồi tệ của mình.
Trong khi đó, nhiều gián điệp cũ khác tìm đến những phương thức sáng tạo và thậm chí bất hợp pháp để tăng thêm thu nhập. Cựu điệp viên của Cơ quan Tình báo Liên Xô (KGB) Oleg Gordievsky đào tẩu khỏi Liên Xô năm 1985 và đã có lúc trở thành người dẫn chương trình trò chơi truyền hình. Ông Mikhail Butkov, một điệp viên KGB đào tẩu khác, đã phải nhận 3 năm tù giam cho tội danh xây dựng trường kinh doanh giả và lừa 1.5 triệu bảng Anh của các sinh viên.
“Đây là vấn đề tâm lý – họ đã từng ở giữa ánh đèn sân khấu nhưng giờ lại trở nên không quan trọng”, ông Stephen Dorril, tác giả của một số quyển sách về tình báo Anh giải thích.
Thoạt nhìn, ông Skripal có một cuộc sống tương đối thoải mái nhưng giản dị sau khi nghỉ hưu. Tại thị trấn nhỏ Salisbury nơi ông sinh sống, cựu điệp viên Nga là thành viên của câu lạc bộ xã hội Railway, lái chiếc xe BMW màu đỏ sẫm và sở hữu căn nhà gạch đỏ gọn hàng tại phố Christie Miller.
Cảnh sát phong tỏa con phố ông Skripal ở ngày 7/3. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, rõ ràng ông vẫn nằm dưới sự giám sát của Nga. Theo nguồn tin của Chính phủ Anh, Cơ quan Tình báo Quân đội Nga từng đột nhập email của con gái ông năm 2013. Trong năm 2014, ông đã xuất hiện trong bộ phim tài liệu về những kẻ phản quốc mang tên “Cái giá của bí mật quân đội” do chính phủ Nga tài trợ. Trước đó, ông Skripal từng bị chính phủ nước này kết án 13 năm tù vì tội danh phản quốc nhưng được trả tự do trong một thỏa thuận về trao đổi điệp viên giữa Nga và Mỹ vào năm 2010.
Điện Kremlin sẽ không đánh giá việc chia sẻ những thông tin cũ với các nhà tình báo nước ngoài là một mối đe dọa quá lớn, cựu quan chức CIA Stipher nhận định. Tuy nhiên, sẽ là một vấn đề khác nếu ông Skripal được dùng cho các hoạt động như chiêu mộ các điệp viên Nga làm điệp viên hai mang.