Khi Vua George V, ông nội của Nữ hoàng Elizabeth II, qua đời cách đây 86 năm, nhiều ngôi nhà ở Anh hầu như không có điện. Phần lớn dân số vẫn sống trong các khu ổ chuột, theo AP.
Cuộc sống ở Anh ngày nay đã rất khác so với năm 1936. Tuy nhiên, bất chấp gần một thế kỷ thay đổi, những hình ảnh về việc linh cữu nữ hoàng Anh được quàn tại một tòa nhà của nhà nước để công chúng thăm viếng trong tuần này gần như là bản sao chính xác của những hình ảnh trong lễ thăm viếng của Vua George V.
Nghi thức không đổi
Linh cữu của họ đều được quàn tại Đại sảnh Westminster rộng lớn, với một bệ đỡ màu tím. Một cây thánh giá bằng đồng nằm ở một đầu của quan tài, cùng những chân nến cao được cẩn thận đặt xung quanh.
Các nhà sử học nói rằng việc duy trì những truyền thống như vậy một cách nhất quán qua thời gian là điều cốt yếu để duy trì sự tôn kính đối với chế độ quân chủ.
"Khi bạn nhìn vào các bức ảnh, điều đó giống như việc tìm điểm khác biệt phải không?", nhà sử học Tracy Borman, tác giả cuốn "Crown and Scepter: 1000 years of Kings and Queens” (Tạm dịch: Vương miện và Quyền trượng: 1.000 năm của các vị vua và nữ hoàng), đặt câu hỏi.
Người dân viếng thăm nữ hoàng Anh hôm 18/9. Ảnh: Reuters. |
“Mọi người muốn nhìn thấy vương miện và quyền trượng, họ thích chứng kiến những nghi lễ này được diễn ra theo cách giống nhau”, bà nói thêm.
“Mọi người tìm thấy sự thoải mái và an toàn nhất định từ bản chất không thay đổi đó. Đó dường như là những gì mọi người đánh giá về chế độ quân chủ: Không có gì thay đổi”, nhà sử học Borman nhận định.
Nữ hoàng Elizabeth II, vị quân vương trị vì lâu nhất của Vương quốc Anh, đại diện cho sự ổn định trong cuộc sống của người Anh trước khi bà qua đời vào ngày 8/9 ở Scotland. Những hình ảnh tráng lệ sau sự ra đi của bà gợi lên những nghi thức phức tạp trong tang lễ, vốn dường như không thay đổi theo thời gian.
Trước Nữ hoàng Elizabeth II, linh cữu 5 vị vua và hoàng hậu của Anh đã được đặt tại Đại sảnh Westminster, một tòa nhà 900 năm tuổi ở trung tâm chính trị và quyền lực của Anh trong nhiều thế kỷ. Đại sảnh này cũng là nơi tổ chức nhiều bữa tiệc đăng quang thời Trung cổ.
Truyền thống quàn linh cữu trải dài từ thời của dòng tộc Stuarts, trị vì trong giai đoạn 1603-1714, khi linh cữu các vị vua được quàn trong một số ngày. Tuy nhiên, Vua Edward VII đã đặt ra truyền thống hiện đại là quàn ở Đại sảnh Westminster vào năm 1910.
Ý nghĩa đằng sau
Các đoạn phim lưu trữ cho thấy giống như ngày nay, đám đông đã xếp thành hàng dài đi qua trung tâm London để có cơ hội vào viếng vị vua của họ.
Nhà sử học Ed Owens tin rằng đó là một động thái khôn ngoan của Vua Edward VII nhằm củng cố mối quan hệ giữa quân vương và thần dân của mình.
Ông Owens nhận định Vua Edward VII xem việc quàn linh cữu là thời điểm quan trọng để đưa ông, với tư cách là một quân vương, tiếp xúc chặt chẽ với người dân của mình - một cơ hội cuối cùng cho họ nói lời từ biệt.
Linh cữu của Vua George VI được quàn tại Đại sảnh Westminster vào năm 1936. Ảnh: AP. |
“Đây là một khoảnh khắc sẽ được ghi lại bằng các công nghệ nhiếp ảnh và phim mới”, ông Owens nói. Theo ông, đó là một cách để nói với đất nước và thế giới rằng quốc vương, cùng với người dân đang ở trong giao cảm thiêng liêng.
Linh cữu của các thành viên hoàng gia khác từng được quàn tại Đại sảnh Westminster bao gồm Vua George VI, cha của Nữ hoàng Elizabeth, vào năm 1952 và Nữ hoàng Mary vào năm 1953. Vợ của Vua George VI, tức mẹ của Nữ hoàng Elizabeth, là người gần nhất được quàn linh cữu tại Anh. Mỗi sự kiện như vậy đều thu hút hàng chục nghìn người.
Hai cựu thủ tướng Anh - William Gladstone vào năm 1898 và Winston Churchill vào năm 1965 - cũng được quàn linh cữu tại Đại sảnh Westminster. Người dân Anh cũng từng tổ chức tang lễ cấp nhà nước cho ông Churchill.
Theo nhà sử học Borman, hoàng gia đã "hoàn toàn tận tâm" trong việc duy trì bản chất không thay đổi của các nghi lễ như vậy.
“Tôi nghĩ điều đó đã được cân nhắc kỹ càng. Tôi đoán trọng tâm của điều đó là ngăn mọi người từ bỏ chế độ quân chủ”, bà nói thêm.