Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Nghỉ Tết 9 ngày giúp tăng hiệu quả công việc'

"Hoán đổi ngày nghỉ giúp người lao động chủ động sắp xếp việc riêng, việc cơ quan sẽ tăng hiệu quả, tránh ngày làm việc xen kẽ giữa kỳ nghỉ", đại diện Bộ Lao động cho hay.

Dự kiến nghỉ Tết 9 ngày và nghỉ 8 ngày dịp 30/4/2015

Ngoài dịp Tết Âm lịch nghỉ 9 ngày, Bộ Lao động cũng xin ý kiến các cơ quan liên quan về việc nghỉ 8 ngày liên tục dịp lễ Chiến thắng 30/4/2015.

Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Anh Thơ (Phó cục trưởng Cục An toàn Lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) xung quanh dự thảo tờ trình Chính phủ về việc nghỉ Tết Âm lịch và hoán đổi ngày nghỉ hằng tuần vào dịp nghỉ lễ năm 2015 đối với cán bộ, công chức, viên chức.

- Một số ý kiến cho rằng việc nghỉ lễ kéo dài liên tục nhiều ngày sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người dân, nhất là khi có công việc hành chính cần liên hệ với cơ quan nhà nước. Là đơn vị chuẩn bị dự thảo tờ trình, quan điểm của ông ra sao?

- Đây mới chỉ là phương án để lấy ý kiến cho dự thảo trình Chính phủ việc nghỉ Tết Âm lịch và hoán đổi ngày nghỉ hàng tuần vào dịp nghỉ lễ năm 2015 đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Ảnh: Hoàng Hà
Thiếu nữ ngày xuân. Ảnh: Hoàng Hà.
"Dịp 30/4/2015 sẽ nghỉ 8 ngày nhưng tôi nghĩ không có vấn đề gì lớn lắm và sẽ được ủng hộ vì nó trùng cả dịp nghỉ Giỗ Tổ lịch âm"- ông Nguyễn Anh Thơ.

Đúng là việc nghỉ dài ngày trong dịp Tết âm lịch sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Vì vậy, việc hoán đổi này chỉ áp dụng với cán bộ, viên chức nhà nước không liên quan đến dịch vụ công.

Còn đối với khối các cơ quan Nhà nước liên quan tới hoạt động tiếp dân, dịch vụ công có thể không hoán đổi. Hoặc nếu có hoán đổi vẫn phải có người làm việc bình thường trong ngày nghỉ hoán đổi, việc bố trí nghỉ tại các cơ quan này có thể đổi cho nhau.

Ví dụ, các dịch vụ như hải quan, xuất nhập cảnh, sân bay, kiểm soát không lưu... họ là công chức nhà nước nhưng vẫn phải đi làm bình thường, thậm chí còn phải làm nhiều, phục vụ nhiều hơn.

Việc hoán đổi này có áp dụng thế nào với các doanh nghiệp khối nhà nước?

- Đối với khu vực doanh nghiệp không bắt buộc phải thực hiện. Doanh nghiệp có thể tùy theo điều kiện của mình để cân đối ngày nghỉ theo cán bộ công chức, viên chức hoặc theo tùy điều kiện sản xuất kinh doanh mà bố trí ngày nghỉ theo quy định của Bộ luật Lao động.

Phương án nghỉ Tết Âm lịch 9 ngày dự kiến. Ảnh: Nhật Lâm
Phương án nghỉ Tết Âm lịch 9 ngày dự kiến. Ảnh: Nhật Lâm.

- Theo ông đâu là những lý do để tờ trình hoán đổi ngày nghỉ này có tính thuyết phục?

- Như chúng tôi đã nói trong tờ trình, việc hoán đổi ngày nghỉ sẽ giúp hoạt động của các cơ quan đơn vị được liên tục, không ngắt quãng. Người lao động được nghỉ liền nhiều ngày đế chủ động sắp xếp, giải quyết công việc riêng của cá nhân.

Tôi cho rằng, với những cơ quan không liên quan đến dịch vụ công, nếu người lao động có một ngày làm việc lẫn giữa một kỳ nghỉ dài thì hiệu quả không cao. Vì ai cũng có lịch cá nhân trong kỳ nghỉ và sẽ phải ngắt quãng để đi làm. Mà lại đi làm trong một thời gian ngắn rồi lại nghỉ thì không tập trung công việc, chưa kể công việc sẽ không có tính liên tục. 

Với việc hoán đổi này, thời gian cung cấp dịch vụ công cho người dân không hề giảm. Công việc thậm chí còn tăng hiệu quả, có những dịch vụ hành chính thay vì đợi đến thứ 2 thì mọi người sẽ được giải quyết từ ngày thứ 7 đi làm bù. 

Chưa kể, việc có những ngày nghỉ lễ dài sẽ kích thích tiêu dùng, người dân sẽ tìm đến các dịch vụ du lịch, góp phần tạo việc làm. Thậm chí, một kỳ nghỉ dài trong dịp lễ Tết sẽ góp phần gắn kết gia đình về mặt xã hội, truyền thống lễ giáo được phát huy. Mọi người sẽ có thêm thời gian phục dưỡng bố mẹ, thăm hỏi quê hương, người thân, các cơ quan có thêm các hoạt động thăm hỏi, từ thiện...

-  Bao giờ phương án hoán đổi ngày nghỉ được chốt thưa ông?

- Cái này phụ thuộc vào quyết định của Chính phủ, thường những phương án như thế này sẽ phải chốt trước khi nghỉ Tết một tháng. 

Tờ trình này cũng phục vụ cả dịp nghỉ Tết Dương lịch nên tôi cho rằng, dự kiến trong tháng 11 Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ chốt phương án trình Chính phủ đề xuất phương án nghỉ Tết Âm lịch và hoán đổi ngày nghỉ hằng tuần vào các dịp nghỉ lễ năm 2015 đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Tết Âm lịch 2015 dự kiến nghỉ 9 ngày

Trong năm 2015, dịp nghỉ Tết dương lịch, ngày Giỗ tổ Hùng Vương, ngày lễ Chiến thắng 30/4, Quốc tế lao động 1/5 có tình huống 1 ngày làm việc xen kẽ giữa các ngày nghỉ. Vì thế, Bộ Lao động đề xuất phương án nghỉ Tết Âm lịch và hoán đổi ngày nghỉ hằng tuần vào các dịp nghỉ lễ năm 2015. Cụ thể:

Tết Dương lịch: đi làm thứ Bảy (27/12/2014) để nghỉ thứ Sáu (2/1/2015), sau đó sẽ nghỉ 4 ngày liên tục từ  1/1 đến hết 4/1/2015.

Tết Âm lịch: đi làm thứ Bảy (14/02/2015) để nghỉ thứ Hai (16/02/2015), sau đó sẽ nghỉ liền 9 ngày, từ 15/02/2015 đến hết 23/02/2015 (tức là từ 27 tháng chạp năm Giáp Ngọ đến hết mùng 5 tháng giêng năm Ất Mùi).

Dịp 30/4: dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, ngày Chiến thắng 30/4, ngày Quốc tế lao động 1/5 sẽ nghỉ 8 ngày liền (từ 26/4/2015 đến hết 3/5/2015). Công chức, viên chức đi làm thứ Bảy (25/4/2015) để nghỉ thứ Hai (27/4/2015); đi làm thứ Bảy (9/5/2015) để nghỉ thứ Tư (29/4/2015).

Thanh Tuyền thực hiện

Bạn có thể quan tâm