Thượng nghị sĩ Pat Toomey, đảng Cộng hòa, bang Pennsylvania nói dự luật của ông sẽ “trừng phạt các ngân hàng hợp tác với việc làm xói mòn sự tự trị của Hong Kong và đặt lợi nhuận lên trên các quyền con người căn bản”, theo Bloomberg.
Người Hong Kong thắp nến tưởng niệm ngày 4/6. Ảnh: Bloomberg. |
Tuy nhiên, không phải tất cả thượng nghị sĩ đều ủng hộ dự luật này. Một số đặt câu hỏi tại Ủy ban Ngân hàng Thượng viện là liệu trừng phạt đơn phương của Mỹ có tác động được lên tình hình ở Hong Kong hay không, hay sẽ phản tác dụng.
“Tôi sẽ ủng hộ thêm các biện pháp trừng phạt có tính toán và hiệu quả, nhưng việc quá chú trọng vào trừng phạt đơn phương, bao gồm trừng phạt các ngân hàng lớn, có thể sẽ thiếu hiệu quả và có hậu quả khó lường gây hại cho lợi ích chiến lược của chúng ta”, ông Sherrod Brown, nghị sĩ Dân chủ có ảnh hưởng trong Ủy ban Ngân hàng Thượng viện, cho biết.
Tương tự, Thượng nghị sĩ Jack Reed, đảng Dân chủ, từ bang Rhode Island, cũng nói trừng phạt đơn phương không thực sự hiệu quả.
Giáo sư Peter Harrell của Trung tâm An ninh Mỹ mới cũng nói trừng phạt đơn phương, nhất là đối với nền kinh tế lớn như Trung Quốc, không hiệu quả bằng trừng phạt đa phương.
Ông Toomey đề ra dự luật trừng phạt ngân hàng cùng với Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Van Hollen của bang Maryland.
“Việc có các công cụ trừng phạt đầy đủ như vậy là rất quan trọng”, ông Van Hollen nói. “Quốc hội cần xúc tiến dự luật này”.
Ông Toomey nói dự luật sẽ là đòn giáng “chưa từng có” lên các quan chức Trung Quốc, và nhằm tạo ra rào chắn để ngăn sự quá đáng từ phía Trung Quốc - “những rào chắc mà trước đó chưa tồn tại”, ông nói.
Nhưng ông Brown nói Nhà Trắng đã có một số công cụ có thể sử dụng, như Luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong năm 2019, vốn cũng có trừng phạt dành cho quan chức Trung Quốc liên quan tới việc tước đi sự tự trị của Hong Kong.
“Tổng thống Trump có thể dùng các quyền hạn đó ngay ngày mai”, ông Brown lập luận. “Quốc hội nên gây áp lực để Nhà Trắng làm đúng những gì cần làm, với cách tiếp cận đầy đủ và đa phương”.