“Nổi loạn. Không có sự khiêm tốn. Tấn công nhóm nghị sĩ quốc hội. Nói tóm lại chúng ta đã làm điều đúng đắn”, nhà báo Anh Aubrey Allegretti của tờ Guardian trích ý kiến của một nghị sĩ trên Twitter.
“Thật kỳ cục. Không nhìn lại bản thân chút nào”, một nhà lập pháp khác nói.
“Không có bất kỳ tình cảm hoặc lòng trung thành nào đối với đảng Bảo thủ”, một nghị sĩ khác nhận định.
Ông Johnson bước vào Văn phòng Thủ tướng Anh ở số 10 phố Downing, London sau bài phát biểu từ chức ngày 7/7. Ảnh: AP. |
Trong khi đó, dù không chỉ trích ông Johnson, Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho rằng ông đã “đúng đắn” khi từ chức.
“Thủ tướng đã ra quyết định đúng đắn”, bà Truss nói, theo Reuters. “Chúng ta lúc này cần sự bình tĩnh và đoàn kết, cũng như tiếp tục cầm quyền đến khi tìm ra nhà lãnh đạo mới.
Trong bài phát biểu tại số 10 phố Downing, ông Johnson tuyên bố sẽ từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ, đồng thời sẽ từ chức thủ tướng sau khi đảng chọn ra người kế nhiệm.
Ông cũng tuyên bố đây chỉ là “quãng nghỉ”. “Thật buồn khi phải từ bỏ công việc tuyệt vời nhất thế giới”, ông nói.
Một số chính trị gia cũng đã lên tiếng phản đối việc ông Johnson sẽ tiếp tục giữ cương vị thủ tướng Anh cho tới mùa thu năm nay, bao gồm cựu Bộ trưởng Brexit David Frost.
Theo chính trị gia này, ông Johnson không thể đảm nhận vai trò thủ tướng tạm quyền khi cuộc bầu cử lãnh đạo đảng Bảo thủ mới diễn ra. Thay vào đó, người nắm vai trò tạm quyền nên là Phó thủ tướng Dominic Raab.
Về phần mình, cựu Thủ tướng Anh John Major cho rằng việc giữ ông Johnson lại là “không khôn ngoan”. Theo ông, đảng Bảo thủ có hai lựa chọn: để Phó thủ tướng Raab trở thành thủ tướng tạm quyền, hoặc thay đổi luật giúp các nghị sĩ có toàn quyền chọn lãnh đạo mà không cần ý kiến của các đảng viên phổ thông.