Hiểu về trái tim gồm 50 bài viết tâm lý trị liệu, được trình bày chân phương, dễ hiểu, thực tế, nhưng cũng rất sâu sắc với 50 chủ đề tâm lý. Đặc biệt, mỗi chủ đề được thiền sư Minh Niệm gói gọn trong hai từ như: Khổ đau, Hạnh phúc, Tình yêu, Tức giận, Ghen tuông, Ích kỷ, Tham vọng, Thành thật, Nghi ngờ, Lo lắng…
Được sự đồng ý của First News - đơn vị giữ bản quyền sách - Zing trích đăng một phần tác phẩm. Tên bài viết được đặt lại.
Khi không hiểu được sự thật, ta dễ phát sinh thái độ nghi ngờ như một loại phản ứng bảo vệ cái tôi ích kỷ của mình. Với thói quen “kinh điển” của ta là khi nghi ngờ điều gì, hầu như ta tin chắc đó là sự thật, không muốn tìm hiểu hay khám phá thêm nữa.
Thậm chí, khi được cung cấp những thông tin có cơ sở chứng minh rõ ràng để giúp ta hiểu đúng đắn hơn về đối tượng ấy, ta cũng không dễ dàng mở lòng ra tiếp nhận. Ta luôn nghĩ: Dò sông dò biển dễ dò / Nào ai lấy thước mà đo lòng người.
Ta biến lời nhắc nhở "nên cẩn thận khi đặt niềm tin" thành câu thần chú bất di bất dịch để che đậy sự sợ hãi, yếu đuối và thiếu trách nhiệm của mình. Thế nên, có khi sự thật hiện bày sờ sờ ra đó nhưng ta lại chìm đắm trong những vọng tưởng miên man, rồi rơi vào nhận thức và phán xét sai lệch.
Sác Hiểu về trái tim mới tái bản. |
Ngay khi người kia không có tín hiệu nào khả nghi cả, họ rất tốt và dễ thương, ta biết rõ điều ấy nhưng vẫn không cưỡng lại nổi cố tật nghi ngờ của mình.
Nếu không chữa trị thì sớm muộn gì nó cũng chuyển sang mức độ nặng hơn như là phán xét hay vu khống. Trong khi đó, một người có nội lực vững vàng không bao giờ nghi ngờ người khác làm điều xấu với mình. Vì họ có đủ sức ứng phó một cách bình thản trước mọi biến động.
Ta không hề biết rằng mỗi khi phát sinh ý niệm nghi ngờ kẻ khác, dù họ có xấu thật hay không, trong tâm ta đã tạo ra nguồn năng lượng rất độc hại. Nó vừa đốt sạch năng lượng an lành, vừa khiến ta đánh mất cơ hội tiếp xúc sự sống mầu nhiệm. Bởi vì lúc nào ta cũng bận tâm tìm kiếm thêm chứng cớ.
Dù ta chưa thốt ra lời nói hay hành động nào để thể hiện sự nghi ngờ, nhưng một khi ta đã hướng tâm tới người kia để gửi sự nghi ngờ, tức là đã gửi đi một năng lượng xấu. Đúng hơn là ta nợ họ một cảm xúc xấu.
Theo “quy luật cân bằng cảm xúc”, họ sẽ tìm cách trả lại ta một cảm xúc xấu khác tương ứng, nếu họ nhận ra sự nghi ngờ của ta có tính chất xấu. Còn không, vũ trụ cũng sẽ nhờ đối tượng khác trả lại ta cảm xúc xấu khác.
Tệ hại nhất là ta lỡ nghi oan cho một bậc nhân từ, đức hạnh - nơi quy tụ vô số năng lượng an lành của vũ trụ - hậu quả sẽ khôn lường.
Đó là món nợ cảm xúc khổng lồ [...]. Cho nên, đừng bao giờ dễ dãi buông ra sự nghi ngờ. Hãy tập tự hối tâm hoặc bày tỏ sự ăn năn trực tiếp khi phát hiện ra mình đã lỡ nghi oan cho ai đó để hóa giải phần nào hậu quả.
Thắp sáng ngọn đèn thiền / Giữ tâm mãi linh thiêng / Nhìn đời bằng chánh kiến / Thấu suốt cõi lòng đêm.