Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Nghệ thuật 'mang tiếng cười' khi đi xin việc

Một số chuyên gia cho rằng việc khoe khoang một cách hài hước, tinh tế sẽ giúp ứng viên vừa chứng minh khả năng, vừa tạo được thiện cảm trong mắt nhà tuyển dụng.

Khoe khoang một cách duyên dáng là "nghệ thuật" khi đi phỏng vấn. Ảnh minh họa: Mikhail Nilov/Pexels.

Bầu không khí của các cuộc phỏng vấn xin việc thường khá khó xử. Số đông luôn cố gắng hết mình để thể hiện năng lực, kinh nghiệm làm việc nhằm tạo ấn tượng tốt.

Nếu sa đà, các ứng viên dễ bị gắn mác kiêu ngạo, dẫn đến cái nhìn tiêu cực trong mắt nhà tuyển dụng. Trong khi đó, chia sẻ quá ít về kinh nghiệm và thành tích lại khiến họ trở nên mờ nhạt.

Việc tìm kiếm điểm cân bằng trong các cuộc phỏng vấn là vấn đề khó khăn nhiều ứng viên đi xin việc gặp phải.

Nhưng theo một nghiên cứu mới được đăng tải trên tạp chí Personality And Social Psychology Bulletin của Hiệp hội Tâm lý Xã hội Mỹ (SPSP), có một cách khác giúp giải quyết vấn đề này, đó là “khoe khoang một cách hài hước” (humourbragging), Stylist Magazine đưa tin.

Nghệ thuật hài hước

"Humourbragging" là một từ ghép tiếng Anh, gồm "humour" (hài hước) và "bragging" (khoe khoang). Thuật ngữ này dùng để chỉ hành động khoe khoang một cách hài hước, thường là về bản thân hoặc thành tích của mình.

phong van xin viec,  meo tuyen dung,  di xin viec,  mang tieng cuoi,  nha tuyen dung anh 1

Các buổi phỏng vấn thường khá căng thẳng, một chút hài hước sẽ giúp chúng ta điều hướng cuộc trò chuyện. Ảnh minh họa: Cottonbro Studio/Pexels.

Theo Jieun Pai, Phó giáo sư tại Trường Kinh doanh Imperial College (Mỹ), đồng tác giả nghiên cứu The Humor Advantage: Humorous Bragging Benefits Job Candidates and Entrepreneurs, việc khoe khoang hài hước trong quá trình tuyển dụng không chỉ khiến ứng viên trở nên dễ mến, mà còn làm tăng đáng kể cơ hội được nhận việc làm.

Nghiên cứu giải thích rằng con người có xu hưởng sử dụng sự hài hước một cách tự nhiên để vượt qua sự khó xử trong một cuộc hẹn hò, mối quan hệ bạn bè hay tại nơi làm việc.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc phỏng vấn, sự hài hước duyên dáng được sử dụng như một chiến lược để điều hướng cuộc trò chuyện và là điểm cân bằng khi ứng viên mong muốn thể hiện năng lực bản thân, nhưng đồng thời cũng không quá khoa trương.

Vừa có năng lực, vừa dễ mến

Nghiên cứu đã chỉ ra sự khoe khoang hài hước có thể ảnh hưởng đến cảm nhận của mọi người về ứng viên.

Nhằm tìm hiểu xem cách "humourbragging" ảnh hưởng như thế nào, những tình nguyện viên tham gia nghiên cứu được yêu cầu mô tả theo hai cách khác nhau về khoảnh khắc nhận được khoản tiền boa lớn từ khách hàng sau khi bán một chiếc bánh kem hình quả bóng đá.

Với người dùng cách nói đơn thuần, họ đáp lại rằng: “Đó là khoản tiền boa lớn nhất mà tiệm bánh từng nhận được và sẽ chẳng có khoản nào lớn hơn thế”.

Nhưng với người có khiếu hài hước, họ trả lời: “Tôi mừng vì chỉ phải tạo ra một quả bóng, chứ không thực sự chơi môn thể thao này". Câu nói đùa này phần nào thể hiện cảm giác nhẹ nhõm của họ khi đã làm khách hàng hài lòng.

Kết quả cho thấy tình nguyện viên "hài hước" được đánh giá là người có năng lực và tính cách ấm áp hơn. Điều này cũng khiến họ có khả năng được tuyển dụng cao hơn so với những người tham gia khác.

phong van xin viec,  meo tuyen dung,  di xin viec,  mang tieng cuoi,  nha tuyen dung anh 2

Các ứng viên duyên dáng, có khiếu hài hước nhận được nhiều sự quan tâm hơn từ nhà tuyển dụng. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Bên cạnh đó, "nghệ thuật hài hước” cũng được áp dụng khi bàn đến CV.

Các nhà nghiên cứu đã so sánh hai bản lý lịch đơn giản, như "Tôi là một người bán hàng năng động, chú trọng chi tiết và có kinh nghiệm", với một bản lý lịch mang yếu tố hài hước, như "Tôi có thành tích được chứng minh trong việc chuyển đổi lượng caffeine nạp vào người thành năng suất làm việc. Càng cung cấp nhiều cà phê, tôi càng tạo ra nhiều sản phẩm".

Họ phát hiện rằng bản CV sau nhận được gấp 3 lần lượt truy cập và liên hệ từ các nhà tuyển dụng so với bản CV còn lại.

Môi trường làm việc chuyên nghiệp thường có thể mang lại cảm giác ngột ngạt, nhưng nghiên cứu này chứng minh một chút hài hước nhẹ nhàng ở công sở sẽ có lợi cho tất cả.

“Điểm mấu chốt từ nghiên cứu của chúng tôi là chỉ ra hiệu quả của việc sử dụng sự hài hước khi đi xin việc ở một môi trường chuyên nghiệp. Cách tiếp cận này cho phép các cá nhân nêu bật năng lực và thành tích của họ theo cách dễ gần hơn mà không hề làm giảm đi nhận thức của người tuyển dụng về năng lực của họ", phó giáo sư Pai nói.

Trào lưu mở tiệc mừng thất nghiệp của người trẻ

Sau khi nộp đơn xin nghỉ việc, Phương Mai (24 tuổi, Hà Nội) tổ chức tiệc tùng cùng bạn bè, ăn mừng quãng thời gian nghỉ ngơi đầu tiên từ khi bước vào thị trường lao động.

Niềm vui và nỗi buồn của công việc

Tập truyện ngắn của nữ tác giả Jang Ryu Jin mang đến cái nhìn khác về cuộc sống của tầng lớp thanh niên ở Hàn Quốc. Chúng ta thường quen với hình ảnh những nam thanh nữ tú, chỉn chu trong bộ trang phục công sở, làm việc trong những cao ốc văn phòng sang trọng. Thực tế, áp lực công việc và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, khiến nhiều người trẻ không còn thiết tha với tình yêu, chuyện kết hôn hay sinh con. Các nhân vật của Jang Ryu Jin đều là những thanh niên bình thường mà người ta có thể gặp ở bất cứ đâu. Mỗi câu chuyện là một mảng màu sáng-tối đan xen, tạo nên bức tranh đa chiều về những khó khăn của người trẻ trong xã hội hiện đại.

Thiên An

Bạn có thể quan tâm