Hai chị em bà Nguyễn Hồng Ngọc và bà Nguyễn Hồng Đào, đã có thâm niên gần 30 năm gắn bó với nghề sửa giày, dép. Tay thoăn thoắt luồn từng mũi kim may lại đôi giày cho khách, bà quay ngang nói với chúng tôi: "Nhờ nghề này mà mấy chục năm nay tôi đã nuôi các con khôn lớn và giờ này cũng nhờ có nó mà tôi kiếm sống qua ngày, không làm bận lòng con cháu".
Quan sát bà Ngọc sửa lại đế một đôi giày, các công đoạn nhìn khá đơn giản. Trước tiên, bà phủ một mảnh vải lên ngang đùi, gót đôi giày được cắt cho vừa, chà qua chà lại, rồi một miếng cao su có phết keo dính vào bên bị mòn nhiều hơn để tạo sự cân bằng. Bà Ngọc dùng con dao nhỏ cắt, gọt, tỉa phần vừa dính, ngắm lại kỹ càng rồi tiếp tục cắt một miếng cao su khác dính chắc vào toàn bộ phần gót và dùng keo dán cho thật chặt phần đế với phần thân giày.… Vậy là chiếc giày có gót mòn, một bên thấp, bên cao trước đây đã trở lại hình dáng ban đầu, phẳng lỳ chỉ sau vài công đoạn đơn giản của bà Ngọc.
Góc mưu sinh bên hè phố của anh Hải với chút ít đồ nghề đơn giản. |
Tại chỗ sửa giày, dép của anh Trần Hoàng Hải, anh đang thoăn thoắt đánh bóng đôi giày của khách hàng vừa mang tới. Vừa làm anh Hải vừa nói: Làm nghề này không giàu, đủ để trang trải chi phí sinh hoạt hằng ngày là mừng rồi.
Đầu tư cho nghề sửa giày vỉa hè không quá lớn: Vài ba chiếc ghế nhựa, cái kệ nho nhỏ để đủ các loại giày cũ, một miếng da, dao, kéo, keo, kìm, kim chỉ,… tất cả chỉ khoảng 500.000 đồng, cùng một chỗ ngồi đúng quy định, dễ dàng cho người ta nhìn thấy là đã có thể hành nghề được.
Theo anh Hải, hầu hết những người thợ sửa giày ở Mỹ Tho đều có điểm chung là mưu sinh bằng nghề truyền thống của gia đình. Tuy nhiên, nếu những thế hệ trước có thể "ăn nên làm ra" bằng nghề đóng giày, thì nay con cháu chỉ có thể mưu sinh được bằng nghiệp sửa chữa, khâu vá.
Dù chỉ là “nghề mọn” mưu sinh trên vỉa hè, đường phố nhưng sửa giày, dép mang lại thu nhập khá ổn định cho những người thợ. Bình quân thu nhập cho mỗi ngày lao động của anh Hải, bà Ngọc, bà Đào, chị Nga đều đặn vào khoảng 100.000 - 200.000 đồng.
Bà Ngọc cho biết đang truyền nghề cho 2 - 3 đứa cháu nhỏ: “Nghề này cũng bình đẳng như bao nghề khác thôi, phải học mới làm được. Tôi cho mấy đứa cháu nhỏ học nghề, hy vọng sau này nó phát triển được nghề, thành một thợ giỏi, hoặc khá hơn nữa là tạo mẫu giày, mẫu dép thì tốt quá”.
Anh Hải trải lòng: "Tuy không giàu, nhưng nghề này đủ để trang trải chi phí sinh hoạt hằng ngày, nuôi gia đình, nuôi con cái ăn học được".