Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chàng trai đến trường với lá chuối, bút tre thành giám đốc

Ít người tin một giám đốc thế hệ 8X với gương mặt sáng lại có tuổi thơ nghèo khó đến mức phải dùng lá chuối, bút tre để đi học rồi thành danh.

Gặp anh tại một hội chợ ở Cung thể thao Quần Ngựa (Ba Đình, Hà Nội), anh đang chăm chú tỉa gọt những cành tre. Tập trung vào công việc tới mức khách hỏi mua sản phẩm lần thứ hai, anh mới giật mình ngẩng đầu lên, đáp lại lịch thiệp và đưa danh thiếp của mình. Anh là Nguyễn Duy Thắng, Giám đốc công ty TNHH sản xuất và thương mại chuyên về dòng sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đặc biệt với thương hiệu bút tre Việt Nam.

Ít ai biết tuổi thơ của Nguyễn Duy Thắng phải dùng lá chuối tươi làm vở, que tre làm bút viết. Ảnh: NVCC.

Tuổi thơ với bút tre, lá chuối

Anh Thắng sinh năm 1984 tại một gia đình nông dân nghèo ở xóm Chiều, Sơn Đồng, Hoài Đức, Hà Nội. Gia đình có 2 anh em trai, nhưng vì bố mất sớm, mẹ lại thường xuyên ốm đau nên khó khăn chồng chất khó khăn. Một mình mẹ phải lo tiền cho hai anh em đi học khá gian nan, chưa kể đến chuyện sắm đồ dùng học tập hay quần áo. Thiếu thốn đủ bề, nên những năm tháng học tiểu học dài dằng dặc, anh phải dùng lá chuối làm vở, que tre vót nhọn làm bút.

Năm 1996, Thắng vào THCS, nhà trường bắt buộc phải có sách bút đi học. Anh nài nỉ mãi mới được mẹ mua cho 2 quyển vở và 1 cây bút bi. Đó là tài sản quý giá nhất nên quyển vở anh viết chẳng bao giờ có lề, còn giấy nháp ở nhà là lá chuối tươi và que tre vót nhọn đầu.

Anh kể lại, một lần đến sớm trực nhật lớp, tình cờ nhặt được mẩu bút bi ngắn chừng 3 cm còn viết được nên anh giữ lại để tận dụng. Nhưng vì mẩu ngòi bút ngắn quá, không sao viết được, anh nghĩ ngay đến việc dùng cành tre làm thân bút. Vốn có sở thích vẽ và đam mê môn nghệ thuật này, lại sợ bạn bè chê cười nên anh dùng đầu sắt nhọn trang trí hoa văn và khắc tên mình lên thân tre. Không ngờ, khi mang cây bút đến lớp thì bạn bè ai cũng thích. Một bạn trong lớp hỏi mua với giá 2.000 đồng. Thấy có lãi, anh bán luôn. Sau đó, anh giành tất cả tiền mua 10 ngòi bút bi (khi ấy 200 đồng/ngòi bút bi) về nhà thiết kế thành 10 chiếc bút tre, bán được 20.000 đồng. "Nhiều bạn không có tiền còn quyết đổi bằng được chiếc bút kim tinh giá 5.000 đồng lấy chiếc bút tre mình tự làm", vừa miệt mài với công việc, anh vừa kể lại.

Cũng từ lần mua bán ấy, anh liên hệ với các lớp, rồi rao bán cho các khóa ở toàn trường. Số tiền thu được khá lớn, ngoài mua sách, vở, bút và cả cặp sách cho em trai, anh còn tiết kiệm được một khoản riêng. Nhớ lại, anh Thắng xúc động: “Cuối năm 2006, khi mẹ cứ bần thần đi ra đi vào, biết mẹ không có tiền sắm Tết, mình rút trong cặp ra đưa cho mẹ tất cả số tiền bán bút tre, được gần 1 triệu đồng. Mẹ ôm mình vào lòng rồi khóc”. 

Thành ông chủ quản lý 20 nhân viên

Ngoan ngoãn, hiền lành và học giỏi, nhưng cái nghèo đeo bám khiến anh Thắng đau đáu mãi vì không có tiền đi học. Đã 3 lần đậu đại học (một lần đỗ Đại học Mỹ thuật Công Nghiệp Hà Nội, 2 lần đỗ Viện Đại học Mở) nhưng cả 3 lần anh đều vắng mặt trong ngày nhập học, vì không có tiền học phí. Anh hạ quyết tâm kiếm tiền bằng được để đi học đại học.

Anh Thắng là người sáng tạo ra chiếc bút tre Việt Nam.
Anh Thắng là người sáng tạo ra chiếc bút tre Việt Nam. Ảnh: Ngọc Lan.

5 năm trôi qua với đủ thứ nghề, từ làm thợ sơn mài, vẽ tranh, bán bút tre cho đến người bốc vác, phụ hồ... anh dành được một khoản lo đủ cho một năm ăn học. Năm 2006, anh thi đỗ và đăng ký nhập học Viện đại học mở Hà Nội ngành Thiết kế đồ họa. Cũng năm tháng ấy, anh vừa học vừa rong ruổi mang những cây  bút tre tự làm bán dạo trên khắp thủ đô. Mỗi cây bút bán được giá 11.000 đồng, vừa đủ để trang trải cuộc sống sinh viên.

Tốt nghiệp Đại học với tấm bằng xuất sắc, số điểm 9,34, anh được giữ lại làm giảng viên. Tuy nhiên, do không thích ngồi yên một chỗ, Thắng quyết định đi khỏi Hà Nội với hành trang là những cây bút tre mà anh tự sáng chế từ hồi còn đi học.

Anh Hoàng Quốc Huynh, người bạn thân đồng hành cùng anh Thắng trên những chặng đường đại học chia sẻ: "Thắng học giỏi, có tài vẽ nhất lớp, nhưng nhà anh ấy nghèo quá nên lúc nào cũng đau đáu ý chí làm giàu. Dù được các thầy cô níu giữ ở lại trường nhưng Thắng quyết ra đi bằng được". 

Thắng đi khắp nơi, từ Thanh Hóa, Nghệ An cho đến Bình Thuận, Vũng Tàu…, đến đâu anh đều tìm cách giới thiệu sản phẩm của mình và bán lấy tiền cho cho cuộc hành trình tiếp theo. Anh kể lại: “Có lần đặt chân trên đất Bình Thuận, gặp một chủ hàng bán chiếc bút tre do chính tay mình làm,  họ bán giá 20.000 đồng nhưng nhập vào 15.000 đồng/chiếc. Mình xin địa chỉ liên lạc và hứa hẹn sẽ giao cho họ chỉ bằng một phần ba giá nhập vào, và vài tháng sau, mình đã thực hiện đúng lời hứa”. 

Cây bút tre
Cây bút tre mang tinh thần Việt Nam được nhiều khách nước ngoài thích thú. Ảnh: Ngọc Lan.

Năm 2012, Thắng trở về làng và gây dựng sự nghiệp lại từ đầu. Anh tìm 5 nhân công hướng dẫn họ làm bút tre, sản xuất với số lượng lớn, sau đó giao hàng cho tất cả các cửa hàng mà anh đã liên hệ trong cả nước. Hiện giờ, số lượng công nhân lên đến 20 người, và đã có hơn 200 cửa hàng nhận bán bút tre của anh.  Đầu năm 2014, anh Thắng thành lập công ty TNHH TM Dinet (Dinet hay còn gọi là ‘đi nét’ - một trong những công đoạn làm bút tre), đạt doanh thu hàng năm lên đến gần 1 tỷ đồng

Thầy Phạm Chính Trung, giảng viên Đại học Mỹ thuật Hà Nội chia sẻ: "Thắng có óc sáng tạo, sống tình cảm và đầy nghị lực. Tiếc rằng nhà em quá nghèo, nhưng đó cũng có thể là một bước đệm để em thành công trong cuộc sống".  

Hiện tại, ngoài mặt hàng bút tre, công ty anh Thắng còn cung cấp tất cả các sản phẩm được làm thủ công bằng tre cho các cửa hàng trong và ngoài nước. Năm 2014, Thắng được trao Bảng vàng doanh nhân văn hóa Nhân - Tâm - Tài - Trí và nhiềuchứng nhận doanh nhân kinh doanh giỏi trong nước. Giờ đây, cuộc sống đủ đầy bên người vợ hiền và đứa con trai kháu khỉnh, anh Thắng nhớ lại những ngày tháng sau khi ra trường và chỉ tâm niệm duy nhất một điều: “Khi nhìn nhận một ai đó, đừng dừng lại thời điểm hiện tại mà hãy nhìn về tương lai của họ. Đối với bản thân tôi, nghèo là một cái tội, nhưng là cái tội trong sạch và chỉ cần nỗ lực hết mình thì sẽ chuộc lại dễ dàng”.

Chàng trai tỉnh lẻ tay trắng mở 2 shop quần áo ở Hà Nội

Mất 7 năm để có được tấm bằng đại học loại khá, nhưng khi ra trường, Lương Xuân Thắng (1988, Quảng Xương, Thanh Hóa) lại đi bán quần áo online, trở thành ông chủ 2 shop thời trang.

Ngọc Lan

Bạn có thể quan tâm