Sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo, Thắng có lực học trung bình. Tính Thắng hiền lành nhưng có sở thích kinh doanh. Năm 2005, khi các bạn trong làng vui mừng đỗ đại học thì Thắng trốn trong phòng vì xấu hổ thi trượt. Thắng chia sẻ, không thích vào đại học nhưng đó lại là mong ước của bố mẹ.
Để bố mẹ hài lòng, Thắng đăng ký học ngành Công nghệ thông tin trường Trung cấp thông tin truyền thông Hà Nội, sau đó liên thông lên Đại học Kinh doanh và Công nghệ. Gia đình làm nông không có điều kiện nên ngay từ năm đầu tiên lên Hà Nội, Thắng đã tự đi làm thêm để lấy tiền ăn học phụ giúp được bố mẹ phần nào. Các nghề mà anh đã trải qua là bưng bia, bán trà đá, tư vấn tuyển sinh, giới thiệu tour du lịch...
Xuân Thắng đang là ông chủ của 2 shop quần áo có doanh thu mỗi tháng lên đến hơn 100 triệu đồng. Ảnh: NVCC. |
Năm 2010, anh được một người bạn gợi ý bán quần áo. Với sở thích kinh doanh thời trang, Thắng nhận lời và bắt tay vào làm. Khi ấy, bán được mỗi chiếc áo chỉ lời vài nghìn lẻ nhưng máu kinh doanh cứ thôi thúc Thắng kiên trì. Cũng nhờ duyên bán hàng, chỉ vài tháng ngắn ngủi, danh sách khách quen mua đồ đã dài hàng trang giấy.
Sẵn khiếu thẩm mỹ vốn có cùng kinh nghiệm bán hàng, Thắng nảy ra ý định mix (kết hợp) đồ để tìm khách quen. “Hầu hết các bạn nữ thích mặc những đồ độc, lạ không bị đụng hàng. Họ thích màu của chiếc áo này nhưng lại muốn lắp cổ, hoặc tay, nơ… của chiếc áo khác. Nếu mình đáp ứng được hẳn họ sẽ trở thành khách quen của cửa hàng”, anh nói.
Tuy nhiên, muốn kết hợp đồ, người bán cần một số vốn nhất định mua trang phục và trả tiền cho thợ may. Nhờ tiết kiệm được 500.000 đồng từ tiền bán hàng cùng với hơn 2 triệu tiền học phí bố mẹ vừa gửi ra, Thắng quyết định liên hệ với một xưởng may ở Hòa Bình và đặt họ may vài chiếc theo thẩm mỹ của anh để bán thử. Không ngờ, chỉ trong một tuần, toàn bộ số hàng bán hết, Thắng không những thu về được vốn lại còn lời tiền triệu.
Với gu thời trang mới lạ, số lượng khách đặt hàng của Thắng đông dần, tiền lãi được ngày một nhiều hơn. Tuy nhiên, một thân một mình ở Hà Nội nên Thắng khá vất vả. Một ngày của anh thường rong ruổi trên chiếc xe đạp cà tàng đi giao hàng. Thắng tâm sự, khi ấy, một ngày chỉ được ngủ 3 - 4 tiếng, buổi sáng đi học, chiều và tối đi lấy hàng và giao đồ. Nhiều bữa khách gọi mang đồ gấp, Thắng lại trốn tiết đi giao. Cũng vì lý do đó nên số môn bị nợ nhiều hơn, Thắng phải bảo lưu 1 năm học để chuyên tâm vào kinh doanh.
Năm 2012, đã có sẵn một số vốn, Thắng quyết định mở cửa hàng cho riêng mình. Do biết cách phối trang phục tạo phong cách riêng biệt nên sản phẩm của anh được nhiều khách hàng thích thú và ưa chuộng. Trong thời buổi kinh tế khó khăn, nhiều shop quần áo phải đóng cửa thì Thắng lại mở thêm một shop quần áo nữa. Hiện anh có 4 nhân viên phụ và doanh thu từ 2 shop trung bình mỗi tháng trên 100 triệu đồng.
"Giai đoạn 2012 - 2013, 2 cửa hàng làm ăn tự nhiên sa sút, lượng khách giảm chóng mặt, tưởng chừng phải đóng cửa. Mình phải bán hết xe, phụ kiện cá nhân để duy trì cửa hàng. Có lúc căng thẳng, bị stress và rơi vào tình trạng trầm cảm. Nhưng sau một thời gian nghỉ ngơi và lấy lại tinh thần, mình tìm mọi cách tham gia tài trợ, sáng tạo phong cách mới, mở nhiều đợt giảm giá để kéo 2 shop trở về quỹ đạo ban đầu”, Thắng kể về những khó khăn ngày đầu kinh doanh.
Thắng cho biết, bố mẹ vẫn nghĩ anh đang học tập tốt nên sau khi mở shop, anh đã đăng ký đi học trở lại. Và cuối cùng, chặng đường 7 năm để có được tấm bằng đại học cũng kết thúc. “Tuy nhiên, mình chẳng có dự định gì với tấm bằng, dù nó là món quà tinh thần mà mình vất vả 7 năm mới có được. Bằng cấp không mua được kinh nghiệm sống”, ông chủ shop thời trang chia sẻ.