"Chắc có lẽ kiếp trước tôi ăn ở ác nhơn nên kiếp này mới bị đày đọa như vầy". Mỗi lần đau đớn quá, nghệ sĩ Hoàng Lan tự mình đay nghiến mà nước mắt ròng ròng. Âu như tìm một nguyên do để trút bớt bao rấm rứt, khổ nạn cứ đeo đẳng lấy chị. Hai năm nay, tai biến, giãn tĩnh mạch, viêm đa khớp, thoát vị đĩa đệm chưa kịp thuyên giảm, đôi mắt lại lên cơn đau nhức. Bây giờ, con mắt bên phải liên tục chảy nước, đục dần, có nguy cơ mù. Bác sĩ bảo chị bị tăng nhãn áp cấp, viêm màng bồ đào, cườm mắt... mổ kịp may ra còn cứu được. Nhưng tiền đâu mà gồng gánh?
Căn nhà mướn chật hẹp nằm ở chung cư Ngô Gia Tự, quận 10, TP HCM là nơi các em chị mở quán cà phê đắp đổi qua ngày. Phần chị: hai bàn tay trắng. "Hồi trước khỏe còn lết đi lết lại phụ các em, chứ giờ tôi bệnh nằm một chỗ, chỉ ăn cho núi lở".
Nghệ sĩ Hoàng Lan thời trẻ. |
Ông trời ném vào chị đủ tai ương như thử đo cái sức lực của người đàn bà mạnh mẽ này kham được đến đâu. Đời chị, mang danh nghệ sĩ hài mà vắt ra toàn nước mắt. Tai ương đến, chị tự mình gồng gánh. Hồi đóng phim Cổng mặt trời, cơn tai biến hành hạ bước thấp bước cao nhưng chị vẫn cắn răng theo hết phim. Ai khuyên sao cũng biểu: "Ký hợp đồng với người ta rồi thì phải đóng tròn vai chớ không kỳ lắm". Phim đóng máy cũng là lúc chị từ giã 30 năm gắn bó với sân khấu, màn ảnh để vật lộn với hàng loạt bệnh tật kéo tới.
Nhìn chị cứ hồn nhiên cười ha hả cầm sổ đi khám, người ta thầm cảm phục. Chịu đựng quen rồi. "Nhưng giờ thì chị buông xuôi thật rồi em à"- cái thở dài nghe não nề. Nỗi đau rồng rắn kéo đến làm kiệt quệ người đàn bà hừng hực sức sống và ham sống ấy. Chị nghĩ tới cái chết. Chết là hết, đớn đau này không còn, chẳng còn phiền, còn buồn làm gì nữa…
Cái tình ấm áp của anh em nghệ sĩ vực chị dậy. Mới rồi, nghệ sĩ Minh Béo, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng tổ chức nhiều đêm văn nghệ quyên góp được cho chị khoảng 100 triệu để mổ mắt. Trên sân khấu, cầm micro chị nói không nên lời. Đôi bàn tay run. Nói cảm ơn thì sao cho kể xiết.
Bốn bức tường trong góc phòng của chị giờ đây lúc nào cũng ấm áp tiếng cười nói, thăm hỏi, vỗ về của những người hâm mộ khắp nơi. Biếu chị chút quà, chị xua tay. Nói kỳ lắm, sao mà dám nhận. Chị sợ bị người ta thương hại, sợ ăn bám vào lòng tốt của người đời. Hôm đến thăm, chị cứ dặn đến thăm thôi, đừng mang quà gì đến. Với chị, ai đến với mình đã là điều quý lắm rồi. Gắng gượng ngồi tiếp chuyện tôi được giây lát, chị lại xin phép nằm vì cái cột sống vẫn âm ỉ nhức.
Đối lập với thân xác dềnh dàng mà tiều tụy nằm đây, trên bức tường gần giường của Hoàng Lan là bức ảnh chị ngày son trẻ. Người đàn bà trong ảnh có mái tóc bông xù, đôi môi mọng đỏ căng đầy. Nhưng sao đôi mắt lẩn khuất sợi buồn. Bao lần chị ngước lên để ngưỡng vọng, tự hỏi những năm tháng ấy trôi về đâu mất rồi.
Xem các vai diễn của chị, nhất là trong chương trình truyền hình Trong nhà ngoài phố, khán giả ấn tượng với một bà mập ú ù như Hai Mưa Nắng, Lan xì-po… Những vai diễn của Hoàng Lan toàn vào những vai hầm hố, không đánh ghen mướn thì là chủ nợ, chủ quán cơm tù. Không má mì thì là bà vợ giám đốc ghen lồng ghen lộn với cô thư ký. Thấy Hoàng Lan xung thiên, người ta run thay cho nhân vật chính diện.
Tướng tá sồ sề, mái tóc bờm sư tử màu hung khiến cho Hoàng Lan át vía kẻ hiền. Con mụ gì mà ác dã man, thấy tức lộn ruột. Có dạo đi chợ, có mấy ông xe ôm chạy ngang thấy chị đang lựa mua đồ bèn nhảy xuống chửi một tràng như ấm ức lâu ngày tuôn ra. Người ta thì mặt mũi đỏ ke, sửng cồ chửi chị là đồ dâm phụ ác ôn bỏ chồng, bỏ con theo trai, còn chị thì bụm miệng mãi vẫn không nhịn được cười. Hóa ra ổng tức bà Nga trong phim Sóng gió cuộc đời - một nhân vật mà chị thủ vai. Đến khi mấy bà hàng gắt: "Trời ơi, người ta đóng phim ông ơi, chứ có phải thiệt ngoài đời đâu". Đến đây thì ông xe ôm mới sực tỉnh, trách bâng quơ cho đỡ mắc cỡ: "Ai biểu bả diễn như thiệt làm chi".
Để có được ấn tượng sâu đậm như thế với khán giả, Hoàng Lan phải hy sinh nhiều thứ. Hồi thiếu nữ, Hoàng Lan có vóc dáng cân đối, xinh đẹp. Chị thích mê cải lương nên theo bạn đi học dự thính ở Trường Quốc gia âm nhạc Sài Gòn (nay là Nhạc viện TP Hồ Chí Minh). Sau ngày đất nước thống nhất, Đoàn kịch nói Cửu Long Giang tuyển diễn viên, chị đăng ký dự tuyển. Cùng đoàn thời đó còn có nghệ sĩ Kim Xuân, Thương Tín, Minh Hạnh, Quốc Hòa…
Chẳng biết mình diễn có đạt không, chị chỉ biết cứ vào vai thì quên hết guồng quay bên ngoài dù các vai của chị chỉ toàn phụ với phụ, hên lắm thì có thoại vài câu. Dẫn mẹ đi xem, bà canh đỏ con mắt cũng chẳng biết con gái mình ra sân khấu lúc nào dù Hoàng Lan dặn đi dặn lại: đoạn đám đông quần chúng ào ra sân khấu vẫy cờ là có con đó.
Bên kia dốc cuộc đời, nghệ sĩ Hoàng Lan sống trong cảnh túng quẫn, bệnh tật. |
Bám trụ hoài mà thấy tên tuổi chỉ đến nước mốc meo, Hoàng Lan rầu thúi ruột. Anh Quốc Hòa bày: "Hay là em đổi sang đóng hề đi, mà phải phát tướng lên thì người ta mới nhớ". Chẳng lẽ cứ đóng phụ hoài, cứ mờ nhạt làm nền cho người ta hoài sao? Do dự, đắn đo mất nhiều hôm, cuối cùng Hoàng Lan nhắm mắt làm liều. Cứ tối tối, Hoàng Lan lại rủ bạn bè đi nhậu. Bia cốc nào cốc nấy tu ừng ực. Đô cứ lên dần. Tầm khuya lại chơi thêm rổ hột vịt lộn. Vậy là tăng cân vùn vụt. Từ cô gái 45 ký, Hoàng Lan lên tròm trèm 100 ký khiến ai nấy hoảng hồn.
Tướng tá đã sồ sề rồi, chị mới bắt đầu vào những vai chọc cười rồi đổi sang vai nanh nọc, đanh đá. Hỏi có bí quyết gì mà đóng ác sởn da vậy thì chị lắc đầu: "Nhận diễn nhân vật nào thì mình phải lột tả được đúng tâm lý, tính cách nhân vật đó thôi". Ngoài đi diễn, Hoàng Lan mở thêm quán bún bò để có tiền lo cho bầy em thơ 9 đứa khi ba mẹ sớm qua đời.
Trên phim, thấy Hoàng Lan hầm hồ, ngoa ngoắt đến đâu thì ngoài đời chị vui vẻ, cởi mở bấy nhiêu. Hoàng Lan thuộc tuýp người nhẹ dạ, dễ tin người. Việc đóng phim, đóng kịch đang hái ra tiền thì năm 2009, một người quen ở Năm Căn (Cà Mau) rủ rê chị hùn vốn đầu tư vô mấy vuông tôm. Xa quê bao năm, trở lại chị cũng muốn làm gì đó ở nơi chôn nhau cắt rốn này. Bao nhiêu vốn liếng dành dụm trong mấy năm lăn lộn với nghề, chị đổ hết vào vuông tôm. Bão lớn, tôm thất thu, lỗ mẹ chồng lỗ con. Những người trước đây từng vay mượn chị cũng xù trắng. Quẫn bách đẩy chị vào tình cảnh khốn cùng. Nhà cửa, tiền bạc… phải bán để trả nợ.
Giờ nằm một chỗ, đêm nằm coi hài, coi kịch, thấy bạn diễn mình đó, chị nghe cổ khô cháy. "Biết tới khi nào mình mới trở lại với nghiệp diễn? Biết tới khi nào mình cười nói hỉ hả như xưa cho khán giả cười, khán giả ghét?". Nhà cửa mất, chồng con cũng chia lìa, lẽ sống cuối cùng của chị còn lại ở sân khấu, màn ảnh. Chị đi diễn hoài, chồng ghen. Cơn ghen và sự nhạy cảm của người nghệ sĩ làm đứt gánh tình.
Nhắc chuyện hôn nhân tựa như chị đương gỡ những vết dằm nhức nhối. Bước thêm vài bước, cành cong lại gãy, chị sợ. Thôi thì ở vậy, không chồng, không con. Người tình duy nhất, là phim ảnh, là sân khấu tưởng như đi cùng chị đến cuối đời thì trời bắt chị phải dứt. Thèm trở lại nghiệp diễn như con nghiện lên cơn mà không có thuốc. Nỗi tuyệt vọng cùng cực muốn vỡ tung ra cho lặng cơn. Bạn bè, các em động viên chị mới gật đầu vào bệnh viện. Cắn răng để kéo dài nhịp thở. Biết đâu… đời có một phép màu?
"Nếu con mắt mù hẳn, không thể đi diễn được nữa thì chị chỉ mong mình có thể kiếm được công việc lồng tiếng hay diễn kịch phát thanh cho đỡ nhớ nghề" - chị nói như nấc. Trên tường, chùm hoàng lan vải phủ bụi. Đã mấy năm rồi, ai đó tặng chị… Chùm hoa không còn cái màu vàng rực rỡ, nó xỉn xám, lặng lẽ một góc như chủ nhân của nó nằm đây mà mân mê lại những tấm ảnh cũ, tưởng lại tràng pháo tay chưa xa...