Anh Hà Linh, "thợ săn" của một công ty tư vấn tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao lớn tại Việt Nam cho biết trong gần 3 năm làm nghề headhunter (săn đầu người), anh đã trả qua nhiều câu chuyện khó có thể quên.
Ứng viên "biến mất" vào phút chót
Anh cho biết làm headhunter chính là nhân viên phát triển kinh doanh dịch vụ tư vấn tuyển dụng. Vì vậy, cũng như bao nhân viên kinh doanh của các ngành khác nhau, headhunter cũng có chỉ tiêu kinh doanh. Đây chính là thử thách mà một headhunter phải vượt qua.
Cuối năm 2015, anh đang gặp khó khăn trong quý cuối cùng của năm. Lúc này, anh nhận được hợp đồng tuyển dụng vị trí nhân sự cấp cao cho một công ty nước ngoài. Theo tính toán, chỉ cần hoàn thành vị trí này, anh sẽ đạt được chỉ tiêu của quý.
Sau khoảng một tuần liên tục tìm kiếm tất cả kho dữ liệu của công ty cũng như những mối quan hệ có sẵn bên ngoài, anh tìm được một ứng viên người Nhật Bản rất phù hợp với yêu cầu tuyển dụng. Sau thời gian dài làm việc và đàm phán với cả hai bên khách hàng và ứng viên, cuối cùng ứng viên này cũng đồng ý ký hợp đồng tiếp nhận công việc mới.
Tưởng chừng công việc đã thành công thuận lợi nhưng anh Linh bất ngờ khi biết tin ứng viên của mình đột nhiên biến mất và nhiều ngày chưa tới công ty mới. Phía công ty khách hàng liên tục gọi cho anh để yêu cầu giải thích về việc không thấy ứng viên đi làm, trong khi anh hoàn toàn mất liên lạc với ứng viên của mình.
“Ban đầu, ứng viên rất chân thành chia sẻ và chấp nhận công việc mới, nhưng sau khi ký hợp đồng với công ty khách hàng thì ứng viên gần như biến mất, không thể liên lạc được. Vì giá trị hợp đồng rất lớn và tưởng như đã thành công rồi lại thất bại khiến mình cảm thấy rất hụt hẫng”, anh Linh cho biết.
Những người làm nghề "săn đầu người" cũng trải qua nhiều chuyện dở khóc dở cười về nghề. |
Đây chỉ là một trong những câu chuyện dở khóc dở cười của những người làm nghề “săn đầu người” – headhunter gặp phải trong công việc hàng ngày của mình.
Khổ vì "kịch" của ứng viên
Chị Trần Oanh, một "thợ săn" có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề cho hay đến bây giờ chị vẫn chưa quên cảm giác "sốc" nặng trước cách hành xử thiếu chuyên nghiệp của một khách hàng nước ngoài và một ứng viên quản lý cấp cao.
Sau nhiều vòng tuyển chọn kéo dài gần 6 tháng, tưởng chừng như đã hoàn thành nhiệm vụ khi có một ứng viên đã vào đến vòng phỏng vấn cuối cùng với nhiều nhận xét tích cực từ công ty khách hàng. Tuy nhiên, khách hàng bất ngờ thông báo ngừng tuyển dụng vị trí này và không cần chị Oanh tiếp tục hỗ trợ.
Vài tháng sau, chị liên lạc với ứng viên cho một cơ hội việc làm khác thì mới biết rằng ứng viên đã đi làm tại chính công ty đã thông báo ngừng tuyển dụng vị trí này. Sau khi tìm hiểu, chị mới phát hiện rằng ứng viên và khách hàng đã cùng nhau diễn một “màn kịch” để tránh trả phí dịch vụ tuyển dụng. Mặc dù sau đó công ty khách hàng vẫn phải trả phí theo thỏa thuận đã ký trước đó, dư âm của câu chuyện này vẫn là một kết cục buồn cho cả 3 bên.
Những hiểu lầm
Chia sẻ một câu chuyện khác về nghề, chị Ngô Lan, một chuyên gia headhunter tại Navigos Search, thuộc tập đoàn Navigos cho biết chị từng tìm một ứng viên cho vị trí giám đốc kinh doanh của một công ty dược phẩm của Mỹ muốn đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam.
Tuy nhiên, công ty này đang bị hiểu nhầm là hoạt động kinh doanh đa cấp, dù trên góc độ doanh nghiệp, công ty này kinh doanh hoàn toàn hợp pháp, nguồn gốc sản xuất, tài liệu đăng ký đảm bảo sản xuất tại Mỹ rất rõ ràng. Yêu cầu của công ty cho ứng viên cũng tương đối cao khi ứng viên phải có kinh nghiệm đăng ký nhãn hiệu thuốc trên 2 năm và sử dụng thành thạo tiếng Anh.
“Sau khi gặp khách hàng và nắm bắt yêu cầu tuyển dụng, bắt tay vào tìm kiếm các ứng viên phù hợp thì chỉ chưa đến 20 người có kinh nghiệm đăng ký nhãn hiệu thuốc trên 2 năm, trong đó chưa đến một nửa người có thể sử dụng thành thạo tiếng Anh”, chị Lan cho biết.
Tuy nhiên, chị vẫn tìm được một vài ứng viên phù hợp với vị trí khách hàng cần tuyển dụng. Nhưng ngay khi đặt vấn đề với ứng viên, chị đã nhận được lời từ chối vì ứng viên e ngại quan niệm của xã hội về mô hình công ty đa cấp.
“Phải mất nhiều tháng sau mình mới có thể tìm được ứng viên phù hợp và thuyết phục họ bắt đầu công việc để hoàn tất hợp đồng. Cho đến nay ứng viên cũng như công ty vẫn hợp tác và phát triển rất tốt tại thị trường dược phẩm Việt Nam”, chị Lan chia sẻ.
Điều khiến chị Phương Thảo, một "thợ săn" khác tại Navigos Search nhớ nhất chính là lần giúp một ứng viên, cũng là người bạn của mình “đổi đời” theo đúng nghĩa đen khi tìm được công việc phù hợp.
Theo đó, ứng viên này ban đầu chỉ làm việc ở vị trí nhỏ trong một công ty ngành sản xuất. Nhưng trong quá trình tái cấu trúc của công ty, anh đã bị mất việc và phải đi chạy xe ôm.
Khi có một công ty cần tuyển vị trí trưởng bộ phận kinh doanh, chị Thảo đã giới thiệu ứng viên này dựa trên sự phù hợp về năng lực chuyên môn và tính cách đối với vị trí cần tuyển. Đúng như chị Thảo nhận định, công ty khách hàng tỏ ra rất hài lòng về hồ sơ và năng lực của ứng viên và lập tức đưa ra lời mời tuyển dụng.
Cho đến nay, khi gặp lại chị, ứng viên vẫn thường xuyên nhắc lại câu chuyện ngày đó đã được chị hỗ trợ. Với chị Thảo, niềm vui của nghề chính là khi nhìn thấy ứng viên ngày càng phát triển hơn trong công việc và sự hài lòng của khách hàng đối với người nhân viên mà chị đã giúp họ tuyển được.