Ảnh: Depositphotos/Beek. |
Sách nói đang ngày càng phổ biến. Người mất ngủ chọn nghe sách nói. Người có thói quen dắt chó đi dạo nghe sách nói. Có người còn vừa tập thể dục vừa nghe sách nói. Cây viết Gaby Hinsliff cho biết gần đây bà hay nghe khi lái ôtô, trên những chuyến đi dài.
Theo Hinsliff, sự phát triển của sách nói, podcast... cho thấy sự thay đổi trong cách con người tiếp nhận thế giới, từ qua mắt sang qua tai.
Thị trường sách nói tăng trưởng mạnh mẽ
Tất nhiên, văn hóa đọc truyền thống bằng mắt còn lâu mới chết. Thời gian giãn cách vì dịch đã khơi dậy trong nhiều người niềm vui được cuộn tròn một góc và ngấu nghiến một cuốn tiểu thuyết hay. Thực tế, hơn 1/3 nước Anh tuyên bố đã đọc nhiều hơn để giết thời gian.
Thị trường sách nói, mặc dù còn nhỏ, đã tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2021. Trong đó, Podcast đang phát triển nhanh hơn bất kỳ phương tiện truyền thông nào khác, với gần 1/5 người Anh nghe ít nhất một lần một tuần, theo khảo sát của RAJAR (Radio Audience Research).
Khi thế giới đang trong thời điểm hỗn loạn nhất, việc nghe ai đó kể chuyện có lẽ khiến nhiều người cảm thấy được vỗ về. Đặc biệt, Gen Y là nhóm thính giả nhiệt tình nhất. Katie Vanneck-Smith, cựu chủ tịch Wall Street Journal và đồng sáng lập trang web “tin tức chậm” Tortoise, gần đây đã thừa nhận rằng khi các thành viên của trang này (hầu hết dưới 39 tuổi) được hỏi họ muốn đọc gì, thì mọi người đều cho biết “thực ra, tôi nghe, chứ không đọc”.
Khi thế giới đang trong thời điểm hỗn loạn nhất, việc nghe ai đó kể chuyện có lẽ khiến nhiều người cảm thấy được vỗ về. Minh họa: Nate Kitch/The Guardian. |
Ưu, nhược điểm của nghe sách và đọc sách
Nhà báo Gaby Hinsliff cũng chia sẻ rằng trong thời gian nghỉ thai sản và dường như không có nổi 10 phút liền mạch để ngồi đọc báo, bà đã mở kênh Radio 4 nửa ngày để nghe. Hinsliff cho biết người hàng xóm cũ của bà, một người từng rất ham đọc sách, nhưng thị lực suy giảm, đã tìm được niềm vui khi nghe những băng sách nói kiểu cũ hàng giờ đồng hồ, miễn là thỉnh thoảng có ai đó giúp người này tìm chiếc băng tiếp theo.
Nhiều người trung lưu bận rộn cũng chọn nghe sách nói trong khi làm những việc vận động chân tay như đi chạy bộ hoặc nấu ăn.
Gaby Hinsliff, người đã dành cả năm cân bằng giữa viết bình luận chính trị và lên kế hoạch tạo kênh podcast hàng tuần cho mục của mình, cho biết về bản chất, các vấn đề được bàn đến không khác biệt giữa hai loại hình báo chữ và podcast.
"Chỉ có điều, từ kinh nghiệm của mình, tôi biết nhiều khả năng khán giả nghe podcast đang vừa nghe, vừa xếp bát đĩa vào máy rửa", Hinsliff nói.
Có một ý kiến phổ biến cho rằng việc nghe sách nói là thiếu nghiêm túc, dành cho những người chỉ cưỡi ngựa xem hoa mà không muốn mất sức tập trung. Trong một cuộc khảo sát của YouGov, 55% số người được hỏi vào năm 2016 coi sách nói là một cách tiêu thụ văn học “kém hơn” và chỉ 10% cho rằng việc nghe một cuốn sách hoàn toàn ngang bằng với việc đọc nó.
Quan điểm cho rằng nghe sách nói là một kiểu "gian lận" vẫn rất phổ biến mặc dù không ai nghĩ rằng việc học sinh ngồi nghe giáo viên giảng bài là lười biếng hay coi xem kịch là thua kém về mặt trí tuệ so với việc đọc kịch ở nhà.
Việc đọc có vẻ được đề cao hơn việc nghe, chắc hẳn vì người ta vẫn nghĩ nghe kể chuyện trước khi đi ngủ chỉ dành cho trẻ con hay truyện truyền miệng gắn liền với các nền văn hóa nguyên thủy hơn, từ hồi chưa có báo in.
Khi nhắc đến một điều gì đó phức tạp hoặc không quen thuộc, nhà tâm lý học và chuyên gia về đọc hiểu người Mỹ, Daniel Willingham, gợi ý rằng việc đọc sách in hữu ích hơn vì độc giả có thể đọc lại những phân đoạn khó mà chưa hiểu ngay từ lần đầu, hoặc dừng lại để suy nghĩ, xử lý thông tin.
Dù vậy, trong một nghiên cứu, Beth Rogowsky, phó giáo sư giáo dục tại Đại học Bloomsburg của Pennsylvania, đã yêu cầu sinh viên đọc một cuốn sách phi hư cấu hoặc nghe phiên bản sách nói của nó. Kết quả, vị phó giáo sư này không nhận thấy có sự khác biệt nào đáng kể về mức độ tiếp thu của học sinh.
Cây viết Gaby Hinsliff cho rằng sách nói còn tạo ra không khí thân mật, tựa như một cuộc trò chuyện thân tình, một buổi chia sẻ sâu sắc về nhiều vấn đề. Và nếu nghe được một cuốn sách do chính tác giả đọc, đôi khi độc giả sẽ hiểu được thêm những khía cạnh cảm xúc, những ẩn ý mà độc giả đơn thuần không hiểu được.
Ở điểm nhìn của Hinsliff, có những điểm trừ nhất định trong văn hóa nghe sách nói, đó là bà không chia sẻ được với những người xung quanh. Không như một tờ báo, một cuốn sách, người ta có thể để lại ở chỗ ngồi, đưa cho người bên cạnh, bán lại sách cũ cho người khác, sách nói không bán lại được.
Ngoài cộng đồng, với sách giấy, ta có thể biết được người nọ đang đọc gì, với sách nói thì không. Sách giấy không tự tắt khi hết pin. Sách giấy không để lại dấu vết trên nền tảng số, thứ mà trong thời đại mới, luôn có người theo dõi sát sao.
Gaby Hinsliff kết luận: "Tất cả lý do ấy khiến tôi nghĩ rằng việc đọc sẽ không nhường chỗ cho việc nghe hoàn toàn; sách giấy, giống như đĩa than, thư tình viết tay hay phim điện ảnh, sẽ trường tồn vì người ta trân quý nó, lãng mạn hóa nó, hay đơn giản vì nó phù hợp nhu cầu của người dùng".