Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nghề làm tàu hũ ky ở miền Tây vừa được công nhận di sản

Làng nghề làm tàu hũ ky xã Mỹ Hòa (Vĩnh Long) được người dân duy trì và phát triển hơn 100 năm qua. Nghề này vừa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tau hu ky anh 1

Theo tài liệu của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long, nghề làm tàu hũ ky ở xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh (Vĩnh Long), hình thành từ năm 1912 và duy trì cho đến nay. Địa phương hiện có 33 hộ với hơn 200 lao động, sản xuất khoảng 7 tấn tàu hũ ky/ngày. Đây cũng là làng nghề làm tàu hũ ky lớn và nổi tiếng nhất miền Tây.

Tau hu ky anh 2

Nguyên liệu để làm tàu hũ ky là đậu nành khô. Theo người làm nghề, chất lượng hạt đậu tốt quyết định trên 60% chất lượng của tàu hũ ky khi thành phẩm.

Tau hu ky anh 3

Hạt đậu nành được ngâm trong nước nhiều giờ đến khi nở ra. Sau đó, đậu nành nở được cho vào cối xay để lấy nước cốt.

Tau hu ky anh 4

"Người dân Mỹ Hòa thường dùng chất đốt là củi, hoặc than để nấu nước cốt đậu nành, nhiệt độ duy trì tại các chảo đun khoảng 70 độ. Thông thường, mỗi hộ làm nghề tàu hũ ky ở xã Mỹ Hòa có từ 10 chảo đun trở lên. Đây là quy mô sản xuất phù hợp với diện tích nhà ở khoảng 150-200 m2/hộ", ông Châu Long (63 tuổi) cho biết.

Tau hu ky anh 5

"Người làm nghề thường phủ lớp bọt được tạo ra từ nước đậu nành lên mặt chảo. Việc này nhằm giữ hơi nóng và ngăn bụi bám vào bề mặt nước cốt đậu nành trong quá trình nấu", anh Châu Thanh Bền chia sẻ.

Tau hu ky anh 6

Khi than cháy hết, độ nóng giảm dần, trên mặt chảo nổi lên một lớp váng. Người làm nghề dùng tay sờ nhẹ lớp váng này, nếu không còn dính tức là tàu hũ đã chín. Lúc đó, họ dùng dao nhỏ cắt đôi lớp váng và đặt lên sào phơi.

Tau hu ky anh 7

Sau khoảng một giờ, miếng tàu hũ ky trên sào sẽ khô dần, đây cũng là công đoạn thành phẩm.

Tau hu ky anh 8

Anh Khương là thợ làm nghề tại cơ sở sản xuất tàu hũ ky của ông Nguyễn Văn Công. Cơ sở này hiện có 36 chảo đun với quy mô lớn, lâu đời bậc nhất xã Mỹ Hòa. Mỗi ngày cơ sở này làm ra 80 kg tàu hũ ky thành phẩm từ 200 kg đậu nành nguyên liệu. Với giá bán 120.000 đồng/kg, mỗi tháng ông Công thu nhập hàng chục triệu đồng. Cũng như gia đình ông Công, hàng chục hộ dân xã Mỹ Hòa cũng ăn nên làm ra từ nghề này.

Tau hu ky anh 9

Tàu hũ ky sợi là một trong hai sản phẩm chủ lực của nghề, cùng với tàu hũ ky dạng miếng mỏng như hình cánh dơi truyền thống. Đây là những nguyên liệu để chế biến các món kho, món chay, cà ri, há cảo hay chả giò đều rất ngon và bổ dưỡng.

Tau hu ky anh 10

Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận nghề làm tàu hũ ky xã Mỹ Hòa là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (loại hình nghề thủ công truyền thống). Theo người dân địa phương, đây là động lực để họ tiếp tục duy trì, phát triển nghề trong thời gian tới.

Tau hu ky anh 11

Vị trí làng nghề sản xuất tàu hũ ky xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long (chấm đỏ). Ảnh: Google Maps.

Sách hay về xã hội

Văn minh Việt Nam - nhà dân tộc học Georges Condominas từng nhận xét tác phẩm này là “Cửa sổ để thế giới hiểu về Việt Nam”.

Nghiên cứu Văn minh vật chất của người Việt ngược dòng thời gian, tái hiện quá khứ, ngọn nguồn văn hóa Việt qua đời sống vật chất phong phú, đầy biện chứng khoa học.

Làng đúc đồng trăm năm ở Khánh Hòa

Ở làng Phú Lộc Tây không ai nhớ nghề đúc đồng có từ bao giờ, nghệ nhân già nhất nay cũng đã ngoài 90 tuổi. Nhưng mỗi dịp Tết đến cả làng khắp nơi rộn ràng, lò nấu đồng rực đỏ.

Hoàng Giám

Cùng chuyên mục