Với một chậu nhôm lớn trên tay, Susheela Kumari bước nhanh phía sau hơn hai chục con bò trong một khu chuồng ở ngoại ô thành phố Bulandshahr, bang Uttar Pradesh, Ấn Độ. Cô luôn phải sẵn sàng mỗi khi một con bò vểnh đuôi hoặc nhún hai chân sau xuống, dấu hiệu cho thấy chúng sắp tiểu tiện, Bloomberg mô tả.
Nước tiểu của bò cái có giá cao hơn sữa ở Ấn Độ (từ 1,2 tới 1,5 USD mỗi lít). Vì thế ông chủ của Kumari không muốn bỏ sót một giọt nào. Cô và hai người nữa phải làm việc cả ngày lẫn đêm trong chuồng bò, nơi cách thủ đô New Delhi khoảng 80 km về phía đông để lấy khoảng một nửa trong số 15 tới 20 lít nước tiểu mà đàn bò thải mỗi ngày.
Người Hindu coi bò Bos indicus, một giống bò đặc hữu ở Ấn Độ là những con vật linh thiêng và nước tiểu của chúng là mặt hàng mà họ ưa chuộng. Nước tiểu của bò Bos Indicus trở thành sản phẩm hấp dẫn chủ yếu nhờ Thủ tướng Narendra Modi, người đã thực thi các chương trình bảo vệ động vật tạo sữa và hỗ trợ các ngành nghề xử lý chất thải của chúng trong hơn hai năm qua.
Chính phủ của ông Modi chi khoảng 5,8 tỷ rupee (87 triệu USD) cho các hoạt động xây dựng chuồng bò, tăng cường lệnh cấm ăn thịt bò và siết chặt các biện pháp nhằm chặn nạn buôn lậu bò sang nước láng giềng Bangladesh.
Susheela Kumari làm công việc hứng nước tiểu bò trong trang trại ở thành phố Bulandshahr, bang Uttar Pradesh, Ấn Độ. Ảnh: Bloomberg. |
"Người dân có thể tự chế biến 30 bài thuốc tại nhà với nước tiểu bò. Mục tiêu lớn nhất của chúng tôi là đưa loại dung dịch quý này tới người dân ở nông thôn", ông Sunil Mansinghka, trưởng nhóm điều phối viên của tổ chức nghiên cứu bò Go-Vigyan Anusandhan Kendra tại Nagpur, nói.
"Hứng nước tiểu bò là việc khó nhất vì bạn không thể biết thời điểm chúng sẽ tiểu tiện. Những công nhân phải suy đoán từ những động tác của bò và cố gắng xác định thói quen tiểu tiện của từng con", Vikash Chandra Gupta, người hợp tác với trang trại bò ở Bulandshahar từ năm ngoái để khởi sự hoạt động kinh doanh nước tiểu bò, phát biểu.
Công nhân đưa thứ dung dịch có mùi hăng vào một thùng chưng cất thô để loại tạp chất trước khi chế biến chúng thành bột hoặc dạng lỏng cô đặc để bán cho các thầy lang.
Baha Ramdev, một doanh nhân nổi tiếng với niềm say mê Yoga ở Ấn Độ, là một trong những người tích cực mua nước tiểu bò nhất. Ông chi tới 150.000 rupee mỗi ngày cho nước tiểu bò, nguyên liệu để công ty của ông sản xuất xà phòng, chất tẩy uế và dược phẩm. Đế chế hàng tiêu dùng của Baha đang cạnh tranh khốc liệt với những thương hiệu nổi tiếng thế giới như Colgate-Palmolive, Unilever và Nestle.
Công nhân chế biến nước tiểu bò trong một nhà máy của Trung tâm Y tế Liệu pháp nước tiểu bò tại thành phố Indore, Ấn Độ. Ảnh: Bloomberg. |
Sản phẩm "đắt khách" nhất của Baha là dung dịch lau sàn Gaunyle từ nước tiểu bò. "Chúng tôi chuẩn bị 20 tấn dung dịch Gaunyle mỗi ngày song vẫn không thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng", Acharya Balkrishna, người quản lý công ty của Baha, phát biểu.
Những người chế biến thuốc y học cổ truyền ở Ấn Độ khẳng định nước tiểu (hay "gomutra" theo tiếng địa phương) của bò chứa những chất có khả năng trị bệnh và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Hồi tháng 6 các nhà khoa học của Đại học Nông nghiệp Junagadh ở bang Gujarat tại Ấn Độ phát hiện nguyên tố vàng trong nước tiểu của những con bò thuộc giống Gir sau khi phân tích 400 mẫu.
Dư luận Ấn Độ đang tranh cãi về việc nước tiểu và các phụ phẩm từ bò có thể gây bệnh hay không. Giáo sư Navneet Dhand, chuyên gia về dịch tễ và thú y của Đại học Sydney tại Australia, chỉ ra ba bệnh đang phổ biến ở bò mà con người có thể lây nhiễm nếu dùng nước tiểu bò. Chúng gồm bệnh leptospirosis (gây viêm màng não và suy gan), brucellosis (gây viêm khớp), Q-fever (gây viêm phổi và viêm tim mãn tính).
Bất chấp sự tranh cãi của dư luận, Trung tâm Y tế Liệu pháp Nước tiểu bò ở thành phố Indore, Ấn Độ vẫn mua 25.000 lít nước tiểu bò mỗi tháng từ hơn một chục trang trại. Virendar Kumar Jain, người thành lập trung tâm, nói rằng ông cung cấp thuốc từ nước tiểu bò cho 1,2 triệu bệnh nhân trong hai thập kỷ qua để trị hàng loạt bệnh, từ ung thư tới tiểu đường.
"Nhân viên của tôi nhận đơn đặt hàng qua mạng của 4.000 bệnh nhân mỗi ngày. Người tiêu dùng cũng mua sản phẩm thông qua những trang thương mại điện tử như Amazon", Jain nói.