Giữa cuối tháng 3, ngư dân ở các làng chài xã Tịnh Khê, Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi) và huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) thức dậy từ sáng sớm đi ghe thúng ra biển rải lưới vây cá. |
Họ quây lưới trên biển, cách bờ hơn 1km vòng cánh cung trước lúc bình minh đến 8h sáng mỗi ngày. Ông Nguyễn Năm (ngụ xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi) cho hay nghề kéo lưới rùng tồn tại và phát triển khoảng 200 năm ở địa phương. |
Mỗi mẻ lưới có khoảng 10 đến 14 người tham gia kéo đi giật lùi trên bãi biển. "Loại ngư cụ này được áp dụng theo phương pháp lọc nước lấy cá. Lưới có cấu tạo dạng tường lưới, chiều cao tường lưới phải lớn hơn độ sâu nước, sao cho viền chì luôn sát đáy và viền phao luôn nổi trên mặt nước", ông Năm mô tả. |
Họ dùng bao tải làm thắt lưng buộc vào dây thừng rồi đi giật lùi kéo lưới để tránh gây tổn thương da trong quá trình lao động. |
Bà Trần Thị Hai (ngụ xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi), cho biết những ngày biển lặng, không có gió, ngư dân địa phương kéo lưới rùng phụ thuộc vào con nước thủy triều. "Nghề này cần phải kiên trì, kết hợp sức mạnh của cả tập thể từ 10 đến 14 người vì mẻ lưới có trọng lượng lớn", bà Hai bộc bạch. |
Họ mang găng tay và kèm bên hông chai nước để giải nhiệt giữa tiết trời nắng nóng. |
Sau khoảng 90 - 120 phút rải lưới vây cá trên biển, ngư dân trên bờ có thể kéo dây thừng thu lưới về. Hơn 20 năm gắn bó về nghề kéo lưới rùng, bà Trần Thị Lành (ngụ xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi), thổ lộ nghề này tuy cơ cực nhưng bù lại có nguồn thu nhập ổn định trang trải cuộc sống, nuôi con cái ăn học đàng hoàng. |
Sau một ngày lao động mệt nhọc, họ vui vẻ với mẻ thủy sản tươi rói bên bờ biển. |
"Nhiều năm trước, mỗi mẻ lưới ngư dân thu cả tạ cá, bán được hơn chục triệu đồng. Tuy nhiên giờ đây nguồn thủy sản ven bờ dần cạn kiệt, mỗi mẻ lưới nhiều nhất họ bán cũng được 3 triệu đồng", ông Trần Anh (ngụ xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) chia sẻ. |
Họ phân loại, bán cá cho thương lái ngay tại bờ biển. Tùy theo loại thủy sản, trung bình mỗi ngày lao động, ngư dân được chia từ 200.000 đến 300.000 đồng/người. |