Đề xuất chấm dứt hát karaoke bằng loa kéo của Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM (UBMTTQ) Tô Thị Bích Châu tại buổi họp HĐND hôm (9/7), là lần thứ 3 Ủy ban MTTQ kiến nghị thành phố đưa nội dung cam kết không hát karaoke bằng loa kéo vào Hương ước, Quy ước của khu phố, ấp.
Vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây, đòi hỏi Quốc hội đưa ra giải pháp, chế tài cụ thể.
Nhận định của Chủ tịch UBMTTQ nhấn mạnh đây không còn là loại hình giải trí đơn thuần mà đang trở thành vấn nạn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.
Không dừng lại ở mức phiền toái tinh thần, TS.BS Nguyễn Ngọc Minh, giảng viên Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) cho rằng chiếc loa kéo có âm lượng lớn này còn để lại những tác hại lâu dài về sức khỏe của người nghe.
Ngộ độc âm thanh cấp tính
Ô nhiễm tiếng ồn được giới Y học định nghĩa là những âm thanh có âm lượng quá lớn, khi phát ra khiến con người lẫn động vật khó chịu. Thực tế, để xác định tiếng ồn bao nhiêu còn phụ thuộc vào tính chất thiết bị âm thanh theo từng định lượng khác nhau.
Tùy sắc luật của Chính phủ và ngành y tế của mỗi đất nước, tiếng ồn trong môi trường cho phép được quy định riêng. Tuy nhiên, tiếng ồn vượt 80 dB thì được xem là vượt ngưỡng.
TS.BS Minh lấy ví dụ, trong trường hợp 2 người bình thường nói chuyện, tiếng nói có âm độ từ 50-60 dB. Còn giữa 2 người yêu nhau, âm lượng là 40 dB. Trái ngược, một tiếng hét to cất lên, cường độ âm thanh lúc này có thể ở mức 90 dB. Nếu là thiết bị âm thanh (điển hình là loa kéo), cường độ hoàn toàn có thể lên đến 110 hoặc 120 dB.
Âm thanh của loa kéo có thể vang xa hàng km. Ảnh: Thư Trần. |
Đối với cường độ nói 50-60 dB, âm thanh này có thể vang tầm 10-12 m. Nhưng đối với thiết bị âm thanh thì có thể gây xa đến hàng km. Cho nên việc chúng ta sử dụng thiết bị âm thanh với âm lượng lớn như vậy sẽ ảnh hưởng rất xấu đến thính lực.
Vậy giả sử thiết bị đó nếu vặn lớn đến 90 dB hay 100 dB, chắc chắn tai người nghe sẽ gây tổn thương. Vì mức tối đa chúng ta có thể chịu đựng được chỉ trong khoảng 85 dB. Trong trường hợp tiếp xúc trực tiếp với tiếng ồn trên 85 dB, cơ thể chỉ chấp nhận được 15 phút. Như vậy, thời lượng nghe tiếng ồn kéo dài trên 1 giờ thì trở thành gây hại.
Bác sĩ cho rằng với âm độ đó, thời gian tiếp xúc lâu, nguy cơ gây hại sẽ cao hơn. Hẳn nhiên, có những người vẫn chịu được mức 85-90 dB trong thời gian dài hơn 15 phút. Nhưng ở hầu hết người bình thường chỉ dừng lại ở mức này.
"Tức là, âm độ, cường độ càng cao, thời lượng chấp nhận của cơ thể chúng ta sẽ ngắn lại. Trạng thái này được gọi ngộ độc âm thanh cấp tính. Cảm giác con người lúc đó sẽ lùng bùng lỗ tai, bủn rủn, mệt mỏi. Khi bị ngộ độc âm thanh, sẽ có 2 trường hợp hồi phục hoặc không hồi phục", TS.BS Minh phân tích.
Tổn thương thính lực
Thông thường, sau khi tiếp xúc âm thanh với cường độ 85-90 dB, nếu chúng ta nghỉ ngơi trong 1-2 ngày sẽ được hồi phục trên lâm sàng. Nghĩa là, người ta sẽ không có cảm giác khó chịu, lùng bùng tai như ban đầu, nói cách khác là hiện tượng điếc không còn.
Tuy nhiên, vẫn có những người chuyển sang giai đoạn nghe kém hơn hoặc không tìm lại được thính lực.
Ví dụ, những người trong phòng nhạc DJ lâu ngày, người hay đeo headphone liên tục trong cả lúc ngủ với âm lượng lớn từ 2000 Hz trở lên sẽ dẫn đến điếc tần số cao.
"Trường hợp chiếc loa kéo khi mở hết công suất âm lượng thường được đặt ngoài trời, hướng ra đường cũng đã ảnh hưởng thính lực người ngồi gần nó. Thế nhưng giả sử loa kéo này xoay vào nhà thì người trong nhà chắc chắn bị ảnh hưởng. Nó để lại tác hại vĩnh viễn như việc thính lực có thể bị mất đi", TS.BS Minh nói.
Ngồi gần loa kéo có cường độ âm thanh cao từ 120 dB, con người có thể mất thính lực. Ảnh: Hải An. |
Đồng thời, TS.BS Minh cho rằng, nếu tiếp xúc âm thanh ồn liên tục kéo dài, thần kinh người nghe sẽ như bị tra tấn.
"Do mức độ âm thanh cao vượt ngưỡng, tác động lên thần kinh, phản ứng cơ thể của chúng ta không thể chịu được nữa và tự động ngất để không tiếp xúc âm thanh đó nữa", TS.BS Minh lý giải.
Khi chúng ta ở trong môi trường tiếng ồn, bị ngộ độc tiếng ồn lâu ngày, tim mạch, huyết áp con người chắc chắn sẽ thay đổi. Do đó, tim sẽ đập nhanh hơn, thậm chí rối loạn nhịp tim và huyết áp cao bất thường.
Ngoài tổn thương về thính lực, ngộ độc tiếng ồn này còn tác động đến tiêu hóa, dẫn đến căng thẳng; hấp thu không tốt; làm cho viêm loét bao tử, chán ăn… Và ảnh hưởng cuối cùng là giấc ngủ. Bác sĩ cũng khẳng định những tác hại này không xảy ra trên lý thuyết mà đã có nhiều ca bệnh nhân rơi vào tình trạng trên.
Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định hát karaoke làm ồn ào tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22h đến 6h sáng hôm sau sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền.
Cụ thể, hát karaoke gây tiếng ồn từ 2 dBA đến dưới 10 dBA sẽ bị phạt tiền 1-20 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm (phạt tiền 2-40 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm). Tiếng ồn từ 10 dBA đến dưới 30 dBA sẽ bị phạt tiền 20-100 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm (nếu tổ chức vi phạm sẽ bị phạt 40-200 triệu đồng). Đồng thời, nếu vi phạm trong trường hợp này sẽ bị đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm tiếng ồn của cơ sở đến 6 tháng.
Tiếng ồn từ 30 dBA trở lên thì bị phạt tiền 100-160 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm (phạt tiền 200-320 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm). Đồng thời, đình chỉ hoạt động của cơ sở vi phạm quy định này 6-12 tháng.