Trước tình trạng hát karaoke bằng loa kéo gây tiếng ồn, tại kỳ họp HĐND TP.HCM khai mạc hôm qua (9/7), bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, đề nghị phải chấm dứt vấn đề trên.
Nhiều bạn đọc bày tỏ quan điểm ủng hộ đề xuất của bà Châu sau khi Zing đăng tải bài viết Đề nghị chấm dứt hát karaoke bằng loa kéo. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng cần quy định thời gian, địa điểm và mức âm lượng khi mở loa thay vì cấm một trách triệt để.
Ám ảnh vì loa kéo
"Mọi người đi làm về mệt mỏi, muốn yên tĩnh nghỉ ngơi, gặp nhà hàng xóm tụ tập ăn nhậu hát ầm ầm chát chúa, âm thanh pha lẫn sự nhão nhoét của giọng hơi men. Đã vậy còn hát đến 12h đêm, tụi trẻ ngủ không được khóc đến nghẹn ngào vì quá ồn", một bạn đọc ở TP.HCM bức xúc.
Tài khoản Phạm Anh Tuấn cũng cho biết gia đình anh cũng thường xuyên bị quấy nhiễu vì tiếng ồn karaoke. "Tôi ở lầu 6 chung cư, mỗi lần dưới đường hát là 2 đứa nhỏ khỏi ngủ. Mấy chục hộ cận kề tôi chắc chắn cũng rất bực bội".
Trong bình luận để lại, bạn đọc này thắc mắc khi không thấy công an khu vực nhắc nhở dù những người này hát từ 22h đêm đến 2h sáng.
Nhiều ý kiến cho rằng cần có chế tài xử phạt thật nặng đối với hành vi gây ô nhiễm bằng tiếng ồn. Ảnh: Thư Trần. |
Với tâm trạng tương tự, bạn đọc Nguyên Quý mong muốn đề nghị của Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM về cấm hát karaoke bằng loa kéo sẽ sớm được đưa vào Hương ước, Quy ước của khu phố. "Tôi rất đồng tình. Cạnh nhà tôi có 4-5 cái loa, họ thay nhau hát cả ngày. Mình làm đêm tới 12h rồi nghỉ ngơi mà 1 tuần 5 lần họ mang loa ra hát tới tối. Đến giờ con cái học hành thì họ hát tới 10h. Đúng là nỗi ám ảnh".
"Cần hát giải trí thì nên đến các tụ điểm karaoke, hoặc đóng kín cửa phòng, cửa nhà lại rồi hát", tài khoản Vo Huy Cuong nêu ra giải pháp nếu chưa thể cấm hát karaoke bằng loa kéo.
Còn bạn đọc Ngoc Tam Phung cho rằng cần nâng chế tài xử phạt các trường hợp gây tiếng ồn bằng loa kéo. "Loa kéo có sóng âm thanh rất nguy hiểm. Đề nghị phạt thật nặng nếu vượt quá ngưỡng cường độ âm thanh trên 80 đơn vị dB. Kế bên nhà tôi hàng tuần họ hát to "nổ" màng nhĩ, chịu không nổi. Không thấy chính quyền phạt vạ hay có hình thức xử lý nào".
Đồng quan điểm trên, bạn đọc Nguyễn Hữu Chánh cho rằng cần phải phạt nặng vì hành vi này sẽ ảnh hưởng đến giờ sinh hoạt của tập thể dân cư. "Nhất là xung quanh có nhiều người cao tuổi, người bệnh mà không nghỉ ngơi được. Thật ra muốn nhắc nhở mà không dám vì sợ xảy ra ẩu đả, mất tình hàng xóm. Cũng đã có nhiều vụ án mạng đã xảy ra vì chuyện này".
Có nên cấm tuyệt đối?
Bên cạnh những ý kiến đồng tình với đề xuất cấm hát karaoke bằng loa kéo, một số bạn đọc cho rằng cần cho phép người dân được hát trong nhà, với tần số âm thanh phù hợp hơn.
"Loa kéo đúng là gây phiền cho những người xung quanh, chúng ta nên hát tại nhà với dàn karaoke gia đình, chất lượng âm thanh tốt hơn mà không ảnh hưởng đến ai. Hy vọng thời gian tới sẽ không còn thấy chuyện hát lang thang ngoài đường", bạn đọc Phan Trí Nguyễn viết.
Tài khoản có tên Nguyen cũng cho rằng không nên cấm tuyệt đối việc hát bằng loa kéo. Thay vào đó, cần có quy định về những nơi không được sử dụng loa kẹo kéo như nơi đông dân cư, gần trường học, bệnh viện. "Nên cho phép nếu như họ hát tại những nơi đặc biệt, như hát rong đường phố tại công viên, bãi biển", Nguyen viết.
Có cùng quan điểm này, bạn đọc Huỳnh Sáng cho rằng "không nên cấm hẳn vì đó là niềm vui và giải trí của nhân dân. Có quy định giờ giấc rõ ràng và mở vừa đủ nghe là được".
Hát karaoke bằng loa kéo là vấn đề gây bức xúc với nhiều người dân do ô nhiễm tiếng ồn. Ảnh: Hải An. |
Nói thêm về việc đề nghị chấm dứt tình trạng hát karaoke bằng loa kéo được dư luận đặc biệt quan tâm, các đại biểu HĐND TP.HCM cho biết đây là nỗi bức xúc của người dân thành phố nhiều năm nay. Đây là lần thứ 3 Ủy ban MTTQ kiến nghị thành phố đưa nội dung cam kết không hát karaoke bằng loa kéo vào Hương ước, Quy ước của khu phố, ấp.
Vấn đề này được Ủy ban MTTQ TP.HCM theo đuổi từ năm 2016 đến nay vì thấy rằng pháp luật đã quy định chế tài xử phạt nhưng việc xử lý hành vi quấy nhiễu bằng loa kéo chưa triệt để, gây mất đoàn kết, thậm chí gây ra án mạng.
Hiện nay, chế tài xử phạt hành chính về việc hát karaoke làm ồn khu dân cư được quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết theo điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định này, nếu hát karaoke làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22h hôm trước đến 6h sáng ngày hôm sau sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 100.000-300.000 đồng đối với cá nhân vi phạm (các mức phạt tương ứng tăng gấp đôi nếu tổ chức vi phạm)
Trong trường hợp hát karaoke ngoài khoảng thời gian nêu trên nhưng gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 2 dBA trở lên sẽ bị xử phạt theo khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11 Điều 17 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP.
Cụ thể, hát karaoke gây tiếng ồn từ 2 dBA đến dưới 10 dBA sẽ bị phạt tiền 1-20 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm. Tiếng ồn từ 10 dBA đến dưới 30 dBA sẽ bị phạt tiền 20-100 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm và bị đình chỉ hoạt động đến 6 tháng.
Tiếng ồn từ 30 dBA trở lên thì bị phạt tiền 100-160 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm (phạt tiền 200-320 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm) và đình chỉ hoạt động của cơ sở vi phạm quy định này 6-12 tháng.