Tại kỳ họp HĐND TP.HCM lần thứ 20 khóa IX sáng 9/7, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, đã đề nghị UBND thành phố đưa nội dung cam kết không hát karaoke bằng loa kéo gây ồn ào vào Hương ước, Quy ước của khu phố, ấp, nhắc nhở người dân tự giác thực hiện.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố cho rằng thời gian qua, cơ quan chức năng còn thiếu kiên quyết trong xử lý trường hợp hát karaoke với tiếng ồn quá lớn. Nhiều hộ dân liên tục bị "tra tấn" vì loa kéo, gây bất hòa, thậm chí xảy ra án mạng.
Trao đổi với Zing, luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng đề xuất này căn cứ vào quy định xử phạt hành chính về việc hát karaoke làm ồn khu dân cư được quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Theo điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định này, nếu hát karaoke làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22h hôm trước đến 6h sáng ngày hôm sau sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 100.000-300.000 đồng đối với cá nhân vi phạm (nếu tổ chức vi phạm thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 200.000-600.000 đồng).
Hát karaoke bằng loa kẹo kéo là trào lưu xuất hiện ở nhiều nơi. Ảnh: Hải An. |
Trong trường hợp hát karaoke ngoài khoảng thời gian nêu trên nhưng gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 2 dBA trở lên sẽ bị xử phạt theo khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11 Điều 17 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP.
Cụ thể, hát karaoke gây tiếng ồn từ 2 dBA đến dưới 10 dBA sẽ bị phạt tiền 1-20 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm (phạt tiền 2-40 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm). Tiếng ồn từ 10 dBA đến dưới 30 dBA sẽ bị phạt tiền 20-100 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm (nếu tổ chức vi phạm sẽ bị phạt 40-200 triệu đồng). Đồng thời, nếu vi phạm trong trường hợp này sẽ bị đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm tiếng ồn của cơ sở đến 6 tháng.
Tiếng ồn từ 30 dBA trở lên thì bị phạt tiền 100-160 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm (phạt tiền 200-320 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm). Đồng thời, đình chỉ hoạt động của cơ sở vi phạm quy định này 6-12 tháng.
Về đề xuất của Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.HCM, luật sư Hùng cho rằng điều này hợp lý vì giúp bảo đảm môi trường âm thanh trong lành như đã quy định trong Luật Môi trường. Thời gian qua, văn hoá sử dụng âm thanh karaoke ở Việt Nam còn hạn chế, bất kỳ ai cũng có thể hát, hát ở mọi nơi và cũng đã có nhiều vụ án mạng do hát karaoke. Dưới góc nhìn cá nhân, ông Hùng cho rằng đề xuất cấm là khả thi.
Còn luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết quy định ngăn chặn việc hát karaoke gây ồn ào trong khu dân cư, nơi công cộng đã có từ lâu nhưng cơ quan có thẩm quyền chưa quyết liệt triển khai.
Để xử lý vấn nạn này, chuyên gia pháp lý cho rằng cần phải nâng cao ý thức giáo dục cho người dân. Trước hết, các cấp chính quyền địa phương cần phải tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đến mọi công dân trong từng khu dân cư, tổ dân phố vì sự bình yên chung.
Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền như Sở Văn hóa - Thông tin, công an, chính quyền địa phương căn cứ chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền của mình cần đẩy mạnh hoạt động thanh tra, giám sát xử lý vi phạm đối với các cá nhân tổ chức như nhà hàng, quán karaoke, những người mua bán sử dụng loa gây tiếng ồn nếu vi phạm.
Về chế tài xử phạt vi phạm hành chính, luật sư Quynh cho biết theo Điều 17 nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016, người vi phạm có thể chịu mức phạt từ 1 triệu cho đến 160 triệu đồng.