Trong phiên chất vấn HĐND Đà Nẵng chiều 9/12, ĐB Nguyễn Hoàng Sơn nêu bất an của cử tri TP về an toàn thực phẩm. "TP có bao nhiêu vụ ngộ độc từ đầu năm đến nay? Có vụ nào liên quan đến thực phẩm nhiễm độc? Biện pháp ngăn chặn thực phẩm nhiễm độc?", ông Sơn chất vấn.
Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế cho hay, nhiều năm liền Đà Nẵng không có ngộ độc đông người. Đặc biệt, không hề có vụ ngộ độc nào xảy ra tại các bếp ăn tập thể, khu công nghiệp. TP cũng chưa phát hiện ngộ độc thực phẩm liên quan đến thực phẩm bẩn, độc hại.
Nêu lại một loạt các đợt kiểm tra, báo cáo của 3 ngành Y tế, Công thương và Nông nghiệp, bà Kim Yến cho biết "không phát hiện ra thực phẩm bẩn".
Đơn cử, ngành nông nghiệp chưa phát hiện trường hợp nhiễm chất cấm trong chăn nuôi. Các cơ sở chăn nuôi vi phạm quy định cũng chủ yếu liên quan đến giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP thiếu hoặc hết hạn, hoặc do không khám sức khỏe định kỳ cho người lao động.
Giám đốc Sở Y tế Ngô Thị Kim Yến. Ảnh: Văn Nở. |
Với rau quả, đa số đều có hoạt chất bảo vệ thực vật, tuy nhiên, chỉ số thấp hơn nhiều so với giới hạn tối đa cho phép, vị tư lệnh ngành Y tế TP Đà Nẵng cho hay.
“Theo báo cáo, có thể nghĩ rằng chúng ta an tâm về ATTP. Thế nhưng, theo thông tin từ báo chí, người dân, tình hình có nhiều phức tạp”, bà Kim Yến nhìn nhận.
Theo bà, thực phẩm phục vụ cho Đà Nẵng có tới hơn 80% là từ các tỉnh. Kiểm soát các nguồn đó mới giải quyết được căn cơ.
Lãnh đạo ngành y tế TP cũng phân trần trước thực tế ngân sách dành cho ngành quá ít ỏi, không đảm bảo cho hoạt động kiểm nghiệm. Hơn nữa, quản lý ATTP là công việc liên ngành, trong khi ban chỉ đạo liên ngành đã giải tỏa. Điều này cũng khiến công việc khó khăn hơn.
Dân chỉ rõ từng địa chỉ sao Sở không phát hiện?
“Nghe Giám đốc Sở báo cáo không phát hiện, dân bức xúc thêm”, ĐB Hoàng Sơn đáp lời.
Ông khẳng định, đây là vấn đề rất nóng, bức xúc trong dân. Tiếp xúc cử tri, người dân chỉ rõ địa chỉ rất cụ thể, mua ở đâu, như thế nào. Dưa leo mua 1 tháng vẫn xanh, ruột vẫn trắng; bún để cả tuần không thiu; bánh tráng cuốn nhúng nước kéo ra như sợi cao su; cá ướp ure... Vì thế, nếu nói không có là không đúng.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Sơn. Ảnh: Văn Nở. |
"Người dân muốn kiểm tra rõ ràng. Làm thế nào để nhận diện thực phẩm bẩn hay sạch? Bằng cách nào? Dân có thể mua thực phẩm an toàn ở đâu cho chắc? Chợ và siêu thị có cách nào ngăn chặn thực phẩm bẩn?", đại biểu Sơn đặt hàng loạt câu hỏi.
Ông Trần Thọ, Chủ tịch HĐND thành phố cũng trích bài báo về sự tràn lan của gia vị giá bèo Trung Quốc, 1 muỗng gia vị thay 5 kg xương, biến nồi nước lã thành nổi lầu thái... là tiền đề cho bệnh ung thư.
"Như đại biểu quốc hội mới đây nói, từ dạ dày đến nghĩa địa chỉ có một khúc thôi. Một bữa cơm có 3 cơ quan: Y tế, Công thương và Nông nghiệp cùng quản lý. Vậy trách nhiệm thế nào?", ông Thọ chất vấn.
Liên quan tới câu chuyện rượu giả, ông Thọ hỏi: "Có thiết bị gì để xác định?"
“Nói rượu thật hay giả, cá nhân tôi cũng bí”, Giám đốc Sở Công thương Phan Văn Kha thừa nhận. Việc sản xuất rượu tại Đà Nẵng, theo ông chủ yếu là thủ công, do quận huyện quản lý. Sở Công thương cũng đã nhờ Sở Y tế kiểm nghiệm nhưng khó phát hiện.
“Anh em quyết tâm tìm cho ra, cũng đi lùng sục nhưng chưa thấy trường hợp nào”, ông Kha nói và cho biết, đa phần các sai phạm chỉ là về nhãn mác, đo lường.
“Đại biểu, người dân có yên tâm với cách trả lời ấy không. Sở nói trách nhiệm thuộc quận huyện, hỏi quận huyện chắc lại nói về xã phường”, Chủ tịch HĐND Đà Nẵng bình luận.
Đáp lời, Giám đốc Sở Công thương cho rằng, thực tế việc Đà Nẵng không có ngộ độc lớn chính là bằng chứng cho việc quản lý tốt. Theo ông Kha, không nên vì chuyện thực phẩm bẩn ở nơi khác mà nói Đà Nẵng.
“Vấn đề không phải là ngộ độc chết ngay. Thực phẩm bẩn sẽ ngấm, chết từ từ. Ngộ độc lớn mới nói, thì không đúng”, ĐB Nguyễn Hoàng Sơn truy tiếp.
Làm đúng trách nhiệm thì không cần xin ý kiến
Chia lửa, Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn Nguyễn Phú Ban xin ý kiến chỉ đạo của HĐND cho phép thực hiện đề án liên kết 9 tỉnh, kiểm soát đầu mối để cung cấp thực phẩm sạch cho thành phố.
Ông kiến nghị thành phố cần xây dựng 1 trung tâm kiểm tra nhanh đặt ngay chợ trung tâm đầu mối. Sở Nông nghiệp cùng các ngành xây dựng liên kết chuỗi sản xuất trên địa bản, kiểm soát liên ngành.
“Về rau quả, Đà Nẵng chỉ có 300 ha, có thể kiểm soát được. Vấn đề là kiểm soát liên tỉnh và nước ngoài nhập vào”, ông Ban nói.
Trước ý kiến này, ông Trần Thọ lập tức nhắc nhở, rằng đây là công việc thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Sở, phải làm cho tốt và không cần xin ý kiến HĐND. Các Sở cứ làm, HĐND, UBND sẽ khuyến khích, cổ vũ.
“Đừng để vụ việc nóng trên hội trường nhưng khi về lại “vũ như cẫn”, đâu cũng vào đó là không được”, ông Thọ yêu cầu.