Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nghề dệt thảm len bằng tay tinh xảo ở miền Nam xưa

Từ năm 1955, ông Đặng Hữu Bình chính thức thành lập hãng dệt thảm Đông Hưng, tạo nên những tấm thảm tinh xảo, đưa nghề phát triển.

Nghệ thuật dệt thảm len xuất phát từ Trung Đông. Từ công năng ban đầu là tấm thảm trải trên nền nhà cho ấm cúng, êm chân, các tấm thảm được dệt đẹp và xuất sắc nhất được nâng lên thành vật phẩm trang trí thể hiện đẳng cấp và sự giàu có của chủ nhân.

Ở các triều đình và cung điện, những tấm thảm được dệt cầu kỳ và lộng lẫy có vai trò quan trọng trong việc trang trí nội thất các căn phòng lớn nhỏ. Đã có lúc thảm len được bán rất đắt tiền, trở thành sản phẩm quý giá trong kho tàng của các vị vua chúa và được dùng làm đồ triều cống giữa các quốc gia. Đến nay, những tấm thảm dệt theo lối cổ truyền thủ công, cầu kỳ vẫn là món trang trí đắt tiền dành cho các dinh thự sang trọng.

Nghệ thuật dệt thảm len du nhập vào Việt Nam không có lịch sử lâu đời, chỉ khoảng gần trăm năm.

Năm 1926, ở làng Hàng Kênh, Hải Phòng có một chú bé 13 tuổi tên là Đặng Hữu Bình chia tay gia đình để làm chuyến viễn du. Bình lặn lội sang tận tỉnh Thiên Tân ở Trung Hoa, nơi theo nghề dệt thảm từ mấy thế kỷ trước, nơi đã sản xuất những tấm thảm đẹp nhất và nổi tiếng nhất châu Á, để học nghề dệt thảm.

Sau 6 năm học tập, ông hồi hương và làm việc tại xưởng dệt thảm Hàng Kênh - Hải Phòng, một trong những xưởng dệt thảm lớn nhất ở Đông Nam Á thời đó. Tài liệu không cho biết xưởng dệt này của ông Bình, gia đình của ông hay của một người khác.

Det tham Dong hung anh 1

Sách Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm. Ảnh: Phanbook.

Một bài viết (không nêu tên tác giả) trên trang vinacarpet.vn cho biết “nghề làm thảm len xuất hiện ở Hàng Kênh, Hải Phòng khoảng năm 1930 (?) và đình đốn khoảng năm 1944. Lúc bấy giờ, mỗi năm Hải Phòng xuất sang thị trường Pháp và Hong Kong chừng 1.000 m2 thảm len. Màu sắc, họa tiết, bố cục, quan niệm trang trí của thảm len Hàng Kênh lúc ấy gần như thảm len Trung Quốc.

Tuy cũng đã có một họa sĩ (tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương) bấy giờ đưa ra mấy mẫu thảm len mới cho cơ sở dệt thảm len Hàng Kênh, nhằm làm nhạt bớt vẻ thảm Tàu của sản phẩm Hàng Kênh, nhưng không được khách hàng chấp nhận do quen dùng thảm kiểu Trung Quốc”.

Ông Bình không hẳn là người đầu tiên học nghề dệt thảm, nhưng có lẽ là nghệ nhân Việt hiếm hoi học nghề dệt thảm len cao cấp cổ truyền từ một quốc gia có nghề dệt thảm tinh xảo hơn.

Sau một thời gian làm việc hãng dệt Hàng Kênh, ông Đặng Hữu Bình vào Nam lập nghiệp ở Sài Gòn.

Từ năm 1955, ông Đặng Hữu Bình chính thức thành lập hãng dệt thảm Đông Hưng, còn có tên gọi khác là Việt Nam Kỹ Nghệ Dệt Thảm, kiêm nhiệm làm giám đốc kỹ thuật.

Xưởng của ông thiết lập trên một thửa đất rộng 2.300 thước vuông, gồm có một văn phòng hội hoạ để thiết kế kiểu và một xưởng dệt gồm có mười ba khung gỗ dệt tay, trong đó có một chiếc khung khổng lồ ngang 13 thước, cao 8 thước là lớn nhất.

Det tham Dong hung anh 2

Sản phẩm của hãng dệt thảm Đông Hưng. Ảnh trong sách Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm.

Các kiểu vẽ đều do ông Bình, hai người con trai và một người cháu phác hoạ. Thợ dệt hoàn toàn là phụ nữ, thường trực có tới năm mươi người làm việc bao gồm những người trong gia đình ông Đặng Hữu Bình.

Quy trình dệt thảm ở công ty thảm Đông Hưng được báo Thế Giới Tự Do tập IX, số 9 mô tả trong bài viết: “Muốn dệt một tấm thảm, trước hết phác họa kiểu mẫu nhỏ với đủ cả màu sắc và tượng hình. Sau đó tuỳ theo kích thước và tỷ lệ mà phóng đại ra trên một tờ giấy láng. Các thợ dệt căn cứ vào mẫu hoạ và thước tấc của tấm thảm sẽ dệt, căn khung bằng chỉ bông vải".

"Chỉ bông này gọi là sợi đứng. Sau đó mới chọn màu len để dệt các sợi ngang. Dụng cụ của ngành dệt thảm là con dao ngắn to bản thật sắc, một chiếc kéo và một chiếc bàn đập có răng như răng lược. Mỗi khi thắt một nút sợi len, vào giữa hai sợi chỉ bông đứng, người thợ lại dùng dao cắt đứt len và thắt nút thứ hai tiếp theo như thế cho tới hết phần mình làm, vì trên khung dệt ít nhất cũng có bốn, năm thợ cùng làm.

Sau khi thắt hết một lượt nút len, lại đẩy một sợi chỉ bông xuống và dùng bàn đập đập mạnh xuống siết chặt các nút len lại. Đồng thời lại còn một sợi chỉ bông thứ hai nữa cũng được đẩy chéo xuống để các nút sợi len không thể di dịch được. Cứ hết một đường ngang lại làm một đường khác”.

Trung bình một người thợ dệt xong một thước vuông trong 5 ngày. Các tấm thảm tốt nhất hay hạng vừa khác nhau ở chỗ dầy nút hay thưa nút. Ví dụ như kiểu thượng hạng thì một thước vuông của tấm thảm phải bốn kg len với 100.000 nút, hạng nhì 3 kí lô rưỡi len với 67.000 nút, hạng ba 3 kg len với 45.000 nút.

Ngành dệt thảm len bằng tay ở miền Nam lúc đó được đánh giá là rất tinh xảo, đang trên đà phát triển. Ở Sài Gòn trước năm 1975 đã có một cuộc trưng bày các tấm thảm trải nền nhà và thảm treo tường để trang trí, được tổ chức tại cửa hiệu của hãng Thành Lễ đường Tự Do (Đồng Khởi), nhằm giới thiệu đến công chúng sự khởi sắc của ngành dệt thảm len và những sản phẩm mỹ thuật mới nhất của ngành tiểu công nghệ này.

Những tấm thảm trưng bày ở đây đều do hãng Đông Hưng của ông Đặng Hữu Bình ở số 270 đường Lê Văn Duyệt Sài Gòn sản xuất và do nhà Thành Lễ đứng làm đại lý.

'Người Sài Gòn yêu đời, sẵn sàng giúp đỡ người khó khăn'

Nhà báo Phạm Công Luận cho rằng đặc trưng của thị dân phương Nam là yêu đời nên yêu người, sẵn sàng giúp đỡ người gặp khó. Họ giữ giá trị từ xưa là "kiến nghĩa" không "bất vi".

Phạm Công Luận / Phanbook và NXB Đà Nẵng

SÁCH HAY