Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nghề đao phủ ở Hà Nội xưa

Thời phong kiến, một trong những cách thức hành hình tội nhân là chém đầu. Người được giao nhiệm vụ hành quyết là đao phủ.

Ở Việt Nam, đao phủ không sử dụng búa, rìu mà dùng thanh đao làm dụng cụ hành hình. Thanh đao dài ngót 1 mét, lưỡi to bản ở phần mũi và thuôn dần về tay cầm. Chuôi đao dài, đủ cho hai tay cầm, tận cùng là vòng khuyên có dây để quấn vào tay cho khỏi tuột.

Sau này người Pháp sang Đông Dương, họ thay cách hành hình thủ công bằng máy chém, dụng cụ hành hình được cho là “nhân đạo” vì mang cái chết tức thời cho tội nhân và đao phủ cũng không bị ghê tay.

Đao phủ là một nghề đáng sợ, không phải ai cũng có máu lạnh theo cái nghề kinh khủng này và cũng không phải đao phủ nào cũng lão luyện trong việc chém đầu người. Kẻ non tay đôi khi phải hạ đao hai lần thì đầu mới lìa khỏi cổ tội nhân. Việc chém nhiều lần là chuyện rất kị, không chỉ chứng tỏ tay nghề non nớt (nghề non thì tiền công cũng ít) mà còn bởi yếu tố tâm linh, sợ bị báo oán. Vì vậy, đao phủ phải luyện tập rất nhiều để động tác được nhanh, mạnh, chính xác. Bài tập là vạch một đường lên thân cây chuối hoặc quả bí ngô và chém vào đường vạch đó cho đến khi thuần thục.

Trong truyện ngắn Bữa rượu máu, nhà văn Nguyễn Tuân mô tả kiểu chém “treo ngành” rất kinh dị của đao phủ Bát Lê, chỉ một nhát mà đầu không rụng hẳn mà vẫn dính vào cổ bằng lần da gáy. Nhưng chuyện “chém treo ngành” này có lẽ chỉ là sản phẩm hư cấu của nhà văn tài hoa họ Nguyễn mà thôi.

Nghe dang so anh 1

Một vụ hành quyết ở hồ Hoàn Kiếm cuối thế kỷ XIX. Nguồn: La Guerre du Tonkin.

Nói đến đao phủ nổi tiếng ngày xưa có ông Ngáo ở Kinh đô Huế, lão Gằm (có sách gọi là Gầm) dị nhân đất Hà thành chém người như chém chuối. Sau này người Pháp mang máy chém sang Việt Nam thì xuất hiện đao phủ máy chém. Người Việt đầu tiên làm nghề đao phủ máy chém là Nguyễn Đức Công hay còn gọi là Cai Công, nhà ở Ngõ Huyện.

Thông thường các cuộc hành hình đều được tiến hành vào mùa thu, đây là thời điểm bắt đầu rét lạnh, quan niệm cho rằng thời tiết lúc đó là sự nghiêm khắc với con người sẽ thích hợp cho việc hành hình. Bởi việc trảm quyết tiến hành vào mùa thu nên gọi là “thu quyết”.

Khi có lệnh thi hành xử trảm thì viên quan đầu tỉnh phải cử người đại diện chứng kiến cuộc hành hình. Đến thời khắc, toán lính cùng đao phủ và hai người mang trống hoặc cồng đến nhà ngục giải phạm nhân ra pháp trường.

Thời phong kiến, Hà Nội có pháp trường Bãi Gáo là nơi hành hình. Pháp trường này nằm sau ô Cầu Giấy (giữa bến xe Kim Mã và chùa Kim Sơn ngày nay). Sở dĩ có tên gọi như vậy - theo cụ Doãn Kế Thiện trong cuốn Hà Nội cũ - là do sau mỗi cuộc hành quyết, những người làm nghề phù thủy lại dựng khúc chuối, trên úp cái gáo dừa làm hình nhân để chiêu âm binh. Những chiếc gáo dừa ngày càng nhiều, chất thành đống ở pháp trường nên có tên gọi Bãi Gáo.

Một pháp trường nữa nằm bên hồ Hoàn Kiếm có mấy cây dừa. Vị trí pháp trường này hiện nay chính là khu vực bến xe buýt gần đài phun nước quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.

Khi bị giải đi hành hình, tử tội cổ mang gông, chân bị xiềng đi giữa toán lính. Nếu tội nhân là một tướng cướp hung dữ, thì không chỉ xiềng xích gông cùm mà còn phải nhốt trong cũi tre đề phòng đồng đảng cướp phạm nhân. Gia đình kẻ bị tử tội có thể được đi theo để nhận xác về chôn.

Đến pháp trường, tử tội được tháo gông và quỳ xuống đất, hai tay bị trói quặt ra sau và buộc vào cái cọc đã đóng sẵn.

Quân lính đứng dàn xung quanh. Một tấm biển kể rõ tội lỗi của người bị chém dựng bên cạnh.

Viên quan giám sát cầm loa đọc bản án. Tội nhân, tóc quấn và buộc gọn tận đỉnh đầu, áo bị lột xuống thắt lưng, cúi cổ vươn đầu chờ lưỡi dao kết thúc cuộc đời.

Một tiếng trống rền rĩ nổi lên, ban đầu dồn dập sau chậm và nhỏ dần. Vài giây yên lặng - đây là lúc chờ đợi lệnh hành quyết - thì hai tiếng trống đánh mạnh, tiếng trống thứ ba chậm một nhịp. Lệnh hành quyết bắt đầu! [...]

Ở Hà Nội những năm đầu thế kỷ XX, mấy cây dừa già ở pháp trường hồ Hoàn Kiếm chuyên dùng để bêu đầu tử tội. Những người mê tín thường hay tranh nhau lấy sợi dây trói tội nhân đem về làm nhẫn, làm vòng đeo cổ hay làm vòng chân vòng tay bởi họ tin rằng đeo những vòng này sẽ tránh được tà ma.

Cũng có những người lấy tờ giấy hứng những giọt máu nhỏ xuống từ thủ cấp mang về dán vào đầu giường với niềm tin là tránh được ác quỷ Phạm Nhan. Nhưng chuyện đó vẫn còn là bình thường. Kinh khủng hơn là mỗi khi chém một tên cường tặc nào đó thì một số người mê tín tranh nhau cướp được miếng gan của tên tướng cướp để ăn.

Những kẻ này đinh ninh rằng sau khi ăn miếng gan của tướng cướp sẽ có được cái can đảm vô địch. Tục mê tín này không chỉ có ở Việt Nam. Truyện ngắn Thuốc của nhà văn nổi tiếng Trung Quốc Lỗ Tấn cũng kể câu chuyện tương tự. Lão Hoa chủ quán trà có con trai bị bệnh lao rất nặng, để chữa cho con, lão Hoa đã dốc tiền, mờ sáng đến pháp trường mua bằng được một chiếc bánh bao tẩm máu của tử tội mang về cho con ăn để chữa bệnh. Tuy nhiên cuối cùng thì đứa con vẫn chết. Cái bánh bao thấm máu tử tù bị chém không có tác dụng chữa bệnh gì cả.

Sau khi chém xong, thi thể kẻ tử tội được giao trả cho gia đình để mai táng. Nếu người bị chém không có thân nhân thì sẽ bị chôn một nơi riêng. Gia đình khi nhận được xác thường dùng chỉ khâu đầu liền với thân để chôn cho toàn thây. Ở một số địa phương có phong tục khi chôn kẻ tử tội, tang gia chọn một miếng gỗ làm thanh gươm nhỏ, đặt dưới chân thi thể, đầu kẻ chết hướng về phía bắc. Có nhà còn mời sư thầy về làm lễ, đọc các câu thần chú siêu thoát cho kẻ bị chết chém. […]

--------------

* Tên bài viết trong sách: Việc xử trảm ngày xưa.

Tạ Thu Phong / Tri thức Trẻ Books - NXB Hà Nội

SÁCH HAY