Theo tài liệu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington D.C. (Mỹ) công bố tháng 9/2017, tổng lượng cá ở Biển Đông đã suy giảm khoảng 70-95% kể từ những năm 1950 và tỷ lệ đánh bắt đã giảm 66-75% trong 20 năm qua.
Tuy nhiên, việc hợp tác quản lý nghề cá ở Biển Đông đang gặp nhiều trở ngại vì vấn đề tranh chấp chủ quyền cũng như thái độ và hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc. CSIS cảnh báo rằng toàn bộ nghề cá Biển Đông đang đứng trước nguy cơ bị tàn phá nếu các bên yêu sách không hành động kịp thời để giải quyết sự sụt giảm này.
Zing.vn có cuộc trò chuyện với PGS.TS Vũ Thanh Ca, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, về những thách thức trong vấn đề bảo tồn tài nguyên và quản lý hợp tác nghề cá trên Biển Đông hiện nay.
Người đàn ông dùng vồ tách cá ngừ được cấp đông trên một tàu neo tại cảng cá General Santos, nơi được mệnh danh là "thủ phủ cá ngừ" của Philippines. Ảnh: National Geographic. |
Chưa đến 1% vùng biển quốc gia được bảo tồn
- Báo cáo tháng 9/2017 của CSIS nói Biển Đông hiện có thể chỉ còn 5% lượng cá so với thập niên 1950. Ông nghĩ sao về con số này?
- Là một người có nhiều năm nghiên cứu về Biển Đông, tôi không sốc khi thấy con số này. Đây là con số mà một nhà khoa học nước ngoài đưa ra vào năm 2003. Tuy nhiên, việc phục hồi của các đàn cá trong Biển Đông cũng tùy thuộc vào nỗ lực bảo tồn.
Thí dụ, một nghiên cứu của Đại học British Columbia (Canada) vào năm 2015 cho thấy hiện nay khoảng 20% số đàn cá trong Biển Đông đang phục hồi, 50% số đàn cá đang bị khai thác ở mức đe dọa suy thoái và 30% số đàn cá đã bị khai thác và suy thoái tới mức gần như không còn khả năng phục hồi. Rất tiếc các loài cá quý, có giá trị kinh tế và vai trò sinh thái cao như cá rạn san hô đã bị khai thác quá mức, tới mức hầu như không thể phục hồi.
- Những nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?
- Nguyên nhân thứ nhất là do đánh bắt quá mức và đánh bắt bằng các hình thức hủy diệt, đặc biệt là đánh bắt IUU (trái phép, không được quản lý và không báo cáo). Việc quản lý nghề cá quá kém nên ngư dân đã dùng các phương tiện đánh bắt có tính hủy diệt như lưới mắt nhỏ, giã cào, điện, đèn công suất cao, thuốc nổ, chất độc xyanua... Có quá nhiều tàu, thuyền được đóng mới và trang bị hiện đại nên năng suất đánh bắt ngày càng cao, dẫn tới đàn cá đã cạn kiệt lại càng cạn kiệt.
Ở Việt Nam, đến nay mới chỉ chưa đến 1% vùng biển quốc gia được bảo tồn, và công tác bảo tồn cũng đang gặp nhiều khó khăn.
PGS.TS Vũ Thanh Ca
Nguyên nhân thứ hai là các sinh cảnh quan trọng như rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn bị tàn phá. Đặc biệt, các rạn san hô bị tàn phá vì hoạt động khai thác vỏ trai tai tượng và hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc.
Nguyên nhân thứ ba là công tác bảo tồn biển rất yếu kém. Theo Mục tiêu Đa dạng Sinh học Aichi và các Mục tiêu Phát triển Bền vững Liên Hợp Quốc, đến năm 2020, khoảng 10% diện tích vùng biển quốc gia cần được bảo tồn. Tuy vậy, việc này rất khó khăn. Thí dụ như ở Việt Nam, đến nay mới chỉ chưa đến 1% vùng biển quốc gia được bảo tồn, và công tác bảo tồn cũng đang gặp nhiều khó khăn.
Nguyên nhân thứ tư là ô nhiễm biển và biến đổi khí hậu, nhưng tôi cho rằng tác động của nguyên nhân thứ tư không đáng kể so với ba nguyên nhân đầu.
Ảnh trái: Một rạn san hô còn trong tình trạng tương đối tốt nhưng đang bị đánh bắt quá mức xung quanh đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa; Ảnh phải: Một rạn san hô cách đó khoảng 1,5 hải lý bị các ngư dân Trung Quốc phá hủy để đánh bắt trai tai tượng. Cả hai ảnh đều được chụp vào tháng 2/2016. Ảnh: John McManus. |
- Tại sao tình trạng đánh bắt IUU ở Biển Đông được cho là đáng báo động hơn các vùng biển khác?
- Đánh bắt IUU là nguyên nhân chính gây suy thoái nguồn lợi cá biển trên Biển Đông. Khi đánh bắt IUU, người ta cũng dùng các hình thức đánh bắt hủy diệt. Trong khi đó, chế tài đối với hoạt động này cũng quá thấp nên hầu như không có sức răn đe.
Ngoài ra, vấn đề tranh chấp lãnh thổ và vùng biển trên Biển Đông đã gây rất nhiều khó khăn cho quản lý và hợp tác quốc tế trong quản lý nghề cá.
- Giới chuyên gia nhiều năm qua đã liên tục cảnh báo về việc Trung Quốc phá hủy các rạn san hô để khai thác trai tai tượng (giant clam) và bồi lấp đảo nhân tạo. Ông đánh giá như thế nào về tác động của những hoạt động này đến môi trường biển?
- Thiệt hại do các hoạt động này của Trung Quốc là rất lớn. Theo một số đánh giá, do các hoạt động xây đảo nhân tạo và khai thác trai tai tượng của Trung Quốc, có tới 160 km2 rạn san hô khỏe mạnh tại Trường Sa và bãi cạn Scarborough đã bị tàn phá hoặc thiệt hại một phần, gây ra thiệt hại kinh tế tới 4 tỷ USD mỗi năm cho nghề cá trên Biển Đông.
Tàu đánh cá Trung Quốc neo ở cảng. Ảnh: Reuters. |
Nỗ lực hợp tác gặp trở ngại vì Trung Quốc
- Vấn đề quản lý hợp tác nghề cá trên Biển Đông gặp trở ngại lớn vì tranh chấp chủ quyền giữa các nước. Ông có thể nói cụ thể về quan điểm, cách tiếp cận của các bên tranh chấp, đặc biệt là Việt Nam và Trung Quốc, trong vấn đề này?
- Bằng cách tuyên bố trái phép về các “quyền” tại vùng nước bên trong đường lưỡi bò chiếm tới 87% diện tích Biển Đông, Trung Quốc đã ngang nhiên coi vùng đặc quyền kinh tế của nhiều nước xung quanh Biển Đông và vùng biển khơi giữa Biển Đông là vùng biển của họ. Tất nhiên các nước xung quanh Biển Đông không chấp nhận các đòi hỏi phi lý của Trung Quốc.
PGS.TS Vũ Thanh Ca. Ảnh: NVCC. |
Do thái độ cứng rắn, coi thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc, các nỗ lực xây dựng các cơ chế hợp tác quốc tế và khu vực để ngăn chặn đánh bắt IUU, quản lý tốt hơn nghề cá trên Biển Đông để tạo điều kiện cho các đàn cá phục hồi cho đến nay vẫn chưa thành công.
Việt Nam rất thiện chí trong việc hợp tác với các nước để quản lý nghề cá và bảo tồn theo đúng quy định của luật pháp quốc tế. Tuy vậy, nỗ lực của Việt Nam và các nước khác đã gặp trở ngại từ phía Trung Quốc.
- Tại sao Trung Quốc hàng năm đều đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá 3 tháng ở Biển Đông, bất chấp việc bị các nước bao gồm Việt Nam lên tiếng phản đối.
- Cần phải nhận thức rằng việc đơn phương cấm đánh bắt cá trên Biển Đông là âm mưu làm vô hiệu hóa phán quyết của tòa trọng tài quốc tế (phán quyết tháng 7/2016 trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc - PV) để gặm nhấm, dần chiếm trọn Biển Đông của Trung Quốc.
Việc đơn phương cấm đánh bắt cá trên Biển Đông là âm mưu làm vô hiệu hóa phán quyết của tòa trọng tài quốc tế để gặm nhấm, dần chiếm trọn Biển Đông của Trung Quốc.
PGS.TS Vũ Thanh Ca
Việc Trung Quốc đơn phương cấm đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác và vùng biển quốc tế giữa Biển Đông là hành động vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền của các nước khác, khiến tình hình Biển Đông ngày càng xấu đi và tài nguyên sinh vật, đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản Biển Đông ngày càng suy thoái, cạn kiệt.
- Có phải điều này có nghĩa là Trung Quốc đang cố gắng "chủ quyền hóa" hoạt động đánh bắt cá để củng cố lập luận về cái gọi là quyền lịch sử của Trung Quốc trên Biển Đông?
- Chính xác như vậy, như tôi đã bình luận ở trên. Cần phải nói thêm là với lượng cá đánh bắt vào năm 2014 là trên 17 triệu tấn, Trung Quốc là nước có lượng cá đánh bắt lớn nhất thế giới với sản lượng đánh bắt gấp hơn 3 lần nước có sản lượng đánh bắt lớn thứ hai.
Thách thức không kém tranh chấp chủ quyền
- Nhiều ý kiến cho rằng chừng nào tranh chấp lãnh thổ vẫn diễn ra thì môi trường biển khu vực vẫn tiếp tục phải trả giá đắt. Ông có bình luận gì?
- Biển Đông là một hệ sinh thái biển lớn với nhiều loài hải sản di cư đi khắp Biển Đông nên để bảo tồn biển cần sự hợp tác của các nước trong khu vực. Đặc biệt, các rạn san hô tại khu vực quần đảo Trường Sa nằm trong "Tam giác San hô" rất cần được bảo tồn.
Hành động đơn phương của Trung Quốc với mục đích gặm nhấm, chiếm trọn Biển Đông thông qua quản lý nghề cá và bảo tồn chắc chắn sẽ thất bại vì không nhận được sự hợp tác của các nước.
Khu vực "Tam giác San hô", khu vực bao gồm các vùng biển xung quanh Indonesia, Malaysia, Papua New Guinea, Philippines..., nơi có ít nhất 500 loài san hô tạo rạn ở mỗi vùng sinh thái. Đồ họa: journeytothesouthpacific. |
- Liệu có cơ chế nào hoặc mô hình nào có thể áp dụng cho việc hợp tác khai thác tài nguyên trên Biển Đông không?
- Thực ra, vấn đề cấp bách nhất trên Biển Đông là xây dựng một cơ chế hợp tác khu vực để quản lý nghề cá và bảo tồn. Cơ chế này bao gồm hợp tác để đánh giá lại đa dạng sinh học, tài nguyên sinh vật và nguồn lợi thủy sản trên Biển Đông. Đồng thời, các nước xung quanh Biển Đông cần căn cứ vào phán quyết của tòa trọng tài quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển để phân định tạm thời ranh giới biển.
Trên cơ sở đó, các bên liên quan xây dựng các thỏa thuận quản lý nghề cá trong vùng biển nước mình và hợp tác quản lý nghề cá tại khu vực giữa Biển Đông. Ngoài ra, cần cấm đánh bắt cá hoàn toàn và thành lập các khu bảo tồn tại các khu vực đang có tranh chấp lãnh thổ như các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và bãi cạn Scarborough. Chỉ như vậy mới có thể bảo vệ được nguồn lợi cá biển trên Biển Đông, và qua đó bảo vệ được ngư dân.
- Có ý kiến cho rằng hợp tác quản lý nghề cá là thách thức không kém tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Ông có đồng ý với nhận định này không?
- Đúng là hợp tác quản lý nghề cá là thách thức không kém tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Trừ Trung Quốc, tất cả các nước khác xung quanh Biển Đông đều thuộc ASEAN, tuân thủ nguyên tắc đồng thuận ASEAN. Điều đó có nghĩa là nếu Trung Quốc có thái độ tích cực, sẽ rất dễ dàng đoàn kết các nước khác vì quyền lợi chung.
Tuy nhiên, các tuyên bố chủ quyền phi lý, cứng đầu của Trung Quốc đã ngăn chặn mọi nỗ lực để quản lý nghề cá trên Biển Đông. Hơn nữa, Trung Quốc đang lợi dụng vấn đề bảo tồn để khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển. Do vậy, để giải quyết vấn đề suy thoái nguồn lợi cá biển trên Biển Đông, các nước trong và ngoài khu vực cần đoàn kết, có tiếng nói chung để thuyết phục Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, cùng nỗ lực hợp tác quản lý nghề cá.
Tháng 9/2017, CSIS công bố tài liệu có tên "Kế hoạch hành động về quản lý nghề cá và hợp tác môi trường ở Biển Đông". Mục đích của kế hoạch là cung cấp một mô hình hợp tác khả thi cho các bên yêu sách ở Biển Đông về quản lý tranh chấp biển.
Vấn đề bảo tồn đại dương, bao gồm việc đối phó với tình trạng suy giảm đàn cá trong khi rác thải gia tăng, là nhu cầu cấp bách không chỉ ở Biển Đông mà trên phạm vi toàn thế giới. Đây cũng là nội dung thuộc một trong năm chủ đề của Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng diễn ra từ ngày 8 đến 10/6 tại Canada. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự với tư cách khách mời.